Cha mẹ đặt cho ông cái tên Võ Trọng Cảnh vào ngày sinh thành 9/10/1924 tại Châu Thành – Bến Tre. Nghiệp văn chương đặt cho ông cái tên Trang Thế Hy giữa đô thị Sài Gòn phồn hoa. Còn cách mạng đặt cho ông cái tên Tư Sâm.
Tôi và ông dường như chỉ biết nhau qua văn chương. Nhưng đầu thế kỷ mới, tôi lại có duyên gặp ông sau một lần giúp ông có một khoản tài trợ sáng tác. Thế rồi Trung thu 2003, tôi và Thanh Thảo theo nhà thơ Chim Trắng về thăm ông tại vườn dừa mà ông đang trang trải những năm tháng cuối đời. Nhớ ông, ký vãng ấy chợt hiện trở lại.
Nhà văn Trang Thế Hy qua đời hôm 8/12, hưởng thọ 91 tuổi. |
Hôm ấy, ông ra tận cửa đón chúng tôi – vừa ngồi xuống, ông đã lấy ra mấy chiếc ly. Nở một nụ cười lành hiền và hóm hỉnh, ông rót ra một ly rượu. Ly rượu ổi thơm lừng khiến tôi luôn miệng gọi ông là Tư Sâm tự lúc nào không hay. Không ngờ nơi con lộ dẫn tới thị xã Bến Tre cách chừng 2 cây số (thuộc huyện Châu Thành) cực kỳ ác liệt xưa kia, thì giờ đây lại là nơi yên tĩnh rẽ vào nơi ẩn cư của “ẩn sĩ vườn dừa” Trang Thế Hy.
Những trái bình bát xanh xẫm và những đóa mua tím lựng dọc bờ kinh “xe tăng” (khi xưa Mỹ - Ngụy bắt dân đào để phòng chống xe tăng Vi-Xi tấn công thị xã, giờ thành kênh thủy lợi của làng), giống như những câu văn vườn tược “Nắng đẹp miền quê ngoại” của Trang Thế Hy đã dắt chúng tôi, Chim Trắng, Thanh Thảo và tôi tới ông thật hồn nhiên như chính ông vừa lật đà lật đật chạy ra đón bạn bè.
Cuối đời về sống ở vườn dừa này, dường như Trang Thế Hy đã treo mũ phớt lên bức tường quá vãng để trở về giữa những đồ chơi của tuổi thơ nghèo như ông từng tâm sự trong thơ. Ở đây, ông lại được như tuổi thơ “chơi với những chìm bông khế rụng, những trái dừa non chuột khoét, những trái mận giập còn dấu móng của con dơi ăn trộm quả ngoài vườn …”.
Rượu càng rót ra, càng nghe gió vườn dừa xào xạc. Tư Sâm thủng thẳng đọc: “Gió nhờ cây mà có hình – cây nhờ gió mà có tiếng”. Có cảm giác “cha nội” này càng sống càng lắng xuống tới tận đáy những chiêm nghiệm. Bởi vậy mà Trang Thế Hy đã làm thơ vào lúc tuổi già. Một quy trình ngược với nhiều nhà văn.
Ổi thì ở đâu chả có, nhưng rượu ổi thì thú thực đây là lần đầu tôi được uống, cũng như lần đầu hôm nay tôi mới thực được trò chuyện cùng Trang Thế Hy. “Ẩn sĩ vườn dừa” mời chúng tôi món bánh tôm. Những con tôm do chính tay ông cất vó từ con rạch giữa vườn. Rượu ổi và tôm đồng, phải chăng đó là bản chất quê làng Nam bộ sâu thẳm trong con người có bề ngoài rất “Pháp” với đồng bộ vét-tông đen cùng mũ phớt lệch cân xứng cùng píp thuốc. Nó hệt như thơ ông ở hình thức và nội dung.
Câu chuyện cứ thế lan man từ đời vào văn chương, từ Lỗ Tấn đến Lev Tolstoi, ở mọi lúc, đều thấy ở ông một nghiền ngẫm rất riêng. Ông bảo Petöfi (nhà thơ Hungary) nói: “Hy vọng là con đĩ”, Lỗ Tấn viết: “Những suy nghĩ về hy vọng đột nhiên làm tôi hoảng sợ”. Nhưng sao trong câu chuyện, vẫn thấy ông đầy hy vọng.
Ngay cả khi ông kể lại việc bàn về quyền con người với nhà văn Thủy Thủ hồi ở chiến khu, lúc Thủy Thủ đã phải thốt lên: “Vì sao ngay đến cả quyền thấy mình nhục nhã, con người bây giờ cũng không có nữa thì con người còn có quyền gì?”. Ông trả lời: “Còn có quyền được chết”. “Quyền được chết” chính là hy vọng không phải chỉ riêng ông nhận ra mà đấy là sự “ngộ” của những bản lĩnh “tự ý thức”. Cũng chính với hy vọng ấy, ông thanh thản đón nhận tuổi bát tuần như câu thơ ông viết: “Chiều mưa buồn sao bố lại vui? Bố đang nuôi một hy vọng gì chăng”. Thanh thản đón nhận thời gian cũng như thanh thản đón nhận những gì mình có: “Tôi tự đánh giá mình có được Tạo Hóa nhểu (chữ “nhểu” rất Nam Bộ) cho vài giọt năng khiếu bẩm sinh về văn chương nhưng bản thân kém ý chí và thiếu sự đam mê nghề nghiệp nên không có những thành đạt đáng kể …”. Nhưng bên cạnh đấy lại là: “Văn chương cung cấp cho nhà văn sự bình tĩnh và lòng can đảm”.
Nửa ngày thứ nhất giữa chúng tôi và ông đã trôi qua lúc nào không hay khi ông bày tỏ thích chơi mandolin một bài hát Tây Ban Nha và chợt xướng âm vài nốt mở đầu bài “Dạ khúc” của cố nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca quê Tiền Giang: “Gió gây hương nhớ - Nâng tiếng đàn xa đưa…”. Trăng tròn treo ngang cành dừa. Lâu lắm mới thoát khỏi thành phố, mới được ngắm trăng rằm. Lâu lắm, mới “được lời như cởi tấm lòng” cùng “ẩn sĩ vườn dừa” tuổi Giáp Tý 1924.
Trang Thế Hy được coi là cây đại thụ của văn học Nam bộ. |
Nửa ngày thứ hai là nửa ngày đồng hành cùng Trang Thế Hy ngược những kỷ niệm Bến Tre từ thời cách mạng thời Trang Thế Hy mới tròn đôi mươi. Kỷ niệm thơm và ngon như bánh chuối nướng nóng hôi hổi. Kỷ niệm thật Bến Tre. Giữa những kỷ niệm hoạt động là những kỷ niệm tình yêu.
Bàn về bức tượng nữ du kích Bến Tre đầu thị xã với cặp vú mọng rất có hồn của một sức sống hồn nhiên và mạnh mẽ, Trang Thế Hy nói ở đây có người kêu là nếu cặp vú nhỏ đi thì tượng đẹp hơn, có người lại tiếc rằng giá như cặp vú to hơn thì tượng sẽ có dáng vẻ hiện đại hơn. Riêng ông, ông cũng thích nó nho nhỏ xinh xinh, đủ gợi cảm là được. Đó là “thẩm mỹ vú cau” mà chúng tôi thường đùa Trang Thế Hy suốt hành trình. Ông đã từng tâm đắc thẩm mỹ này ở già nửa bài thơ “Từ một món đồ chơi của tuổi thơ nghèo”.
Chính vì vậy mà Nam bộ mới có một Trang Thế Hy khác Đoàn Giỏi, khác Sơn Nam, khác Bình Nguyên Lộc. Chính vì vậy mới có một Trang Thế Hy đưa chúng tôi chạy lạc giữa thị xã Bến Tre tới biết bao vòng xe để tìm mua nấm mối của một cửa hàng quen chứ không chịu tìm mua ở một địa chỉ khác.
Trang Thế Hy - Ẩn sĩ vườn dừa. |
Chia tay Tư Sâm, chúng tôi về lại Sài Gòn ồn ã, nhìn bóng ông lủi thủi trên bờ kênh để về bên bàn thờ người vợ đã qua giỗ đầu, lại nhớ thơ ông: “Giờ đây, trên đoạn cuối đường đời, khi những kỷ niệm tuổi thơ đã thụt lùi rất xa về phía bên kia đường biên của cõi nhớ, ông già gần đất xa trời vẫn còn gặp hoài trong mộng mị những cái vú cau lượm trong khay đựng trầu của bà nội ngày xưa”.
Xa ông từ Trung thu ấy, dịp 30/4/2012, tôi cùng nhà văn Nguyễn Quang Sáng xuống Bến Tre, tính ghé mời ông vào thành phố dự festival dừa. Nhưng ông yếu quá nên đành khước từ cuộc vui. Hôm nay, nhận tin buồn về ông, tôi lại đang ngồi cùng nhạc sĩ Võ Đăng Tín – người đồng hương đồng họ với ông - ở Hà Nội. Mấy ngày trước, Võ Đăng Tín ngỏ lời rủ tôi vào Bến Tre bàn công chuyện năm tới. Tôi đồng ý và đề nghị trên đường xuống Bến Tre sẽ ghé thăm ông. Nhưng đến bây giờ, đề nghị sẽ chỉ mãi mãi là đề nghị. Nếu có tới chỉ là thắp hương tưởng nhớ ông. Ông đã vắng trên đời mãi mãi. Chỉ còn ký vãng với ông là luôn sáng trong tâm trí. Vĩnh biệt ông, “Ẩn sĩ vườn dừa”.