Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một km đường cao tốc tốn 830 triệu đồng bảo trì mỗi năm

Theo Bộ Tài chính, nguồn vốn ngân sách bố trí cho quản lý, bảo trì đường cao tốc hàng năm chỉ đáp ứng 35-40% nhu cầu tối thiểu, dẫn đến tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định về phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Trong đó, nêu ra hàng loạt thực trạng trong việc xây dựng, quản lý, vận hành đường cao tốc do Nhà nước đầu tư tại Việt Nam.

Theo Bộ này, mạng lưới đường bộ Việt Nam đang khai thác dài 668.750 km. Trong đó, có 16 tuyến đường cao tốc dài 968,7 km. Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, mạng đường bộ cao tốc cả nước gồm 21 tuyến dài 6.411 km. Như vậy, tỷ lệ đường cao tốc hiện tại so với quy hoạch mới đạt 15%.

Trong khi đầu tư xây dựng đường cao tốc đòi hỏi lượng vốn rất lớn thì nguồn lực hiện tại của Nhà nước còn hạn chế. Hiện nay, suất đầu tư đường cao tốc 4 làn vào khoảng 130 tỷ đồng/km, 6 làn khoảng 190 tỷ/km (theo Quyết định số 1291 ngày 12/10/2018 của Bộ Xây dựng).

Chi phí bảo trì đường cao tốc tốn khoảng 830 triệu/km/năm, trong khi nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho quản lý, bảo trì hàng năm chỉ đáp ứng 35-40% nhu cầu tối thiểu. Điều này dẫn tới tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng.

De xuat thu phi duong cao toc anh 1

Bộ Tài chính đang đề xuất thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Ảnh: Minh Hoàng.

Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần phải có Nghị quyết về phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và Bộ này đề xuất 2 phương án.

Phương án 1 là trình UBTVQH quy định thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về giá. Phương án 2 là thu phí sử dụng theo quy định về phí, lệ phí.

Sau khi phân tích ưu, nhược điểm và đánh giá tác động của từng phương án, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 1.

Theo Bộ Tài chính, việc có quy định riêng về phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ có tác động tích cực là huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người sử dụng đường cao tốc. Qua đó góp phần tạo nguồn kinh phí để đầu tư phát triển hệ thống đường cũng như quản lý, bảo trì.

Ngoài ra, nếu không thu phí dịch vụ sử dụng, người dân sẽ có xu hướng tập trung di chuyển trên đường cao tốc. Điều này dẫn đến lưu lượng phương tiện tăng cao, nhiều vi phạm, phương tiện chuyển làn liên tục tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và làm giảm vận tốc trung bình lưu thông trên đường cao tốc.

Bộ lấy ví dụ, sau khi đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương tạm dừng thu phí, lưu lượng phương tiện trên đường cao tốc tăng đột biến, vận tốc trung bình trên tuyến giảm từ 100 km/giờ xuống còn 60-70 km/giờ, trong khi thiết kế vận tốc tối đa là 120 km/giờ.

Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân 2.518 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Nếu phải nộp phí 1.000 đồng/km/xe thì chủ phương tiện vẫn hưởng lợi 1.500 đồng/km.

Hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hiện nay dài 196 km, nếu thực hiện thu phí dịch vụ đường cao tốc 1.000 đồng/km/xe, dự kiến hàng năm thu được khoảng 2.142 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết phí/giá dịch vụ đường bộ có phạm vi tác động lớn, luôn được người dân và dư luận xã hội quan tâm. Hiện nay, có nhiều khoản thu thuế, phí (thuế tiêu thụ đặc biệt, phí sử dụng đường bộ, lệ phí trước bạ...) đều tính và thu theo phương tiện.

Trong khi đó, Nhà nước cũng đang thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện (tiền phí thu được sử dụng cho hoạt động bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý); doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường bộ thu phí dịch vụ (theo cơ chế giá) qua trạm thu phí để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ.

Vì vậy, việc thực hiện thu phí dịch vụ thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư có thể dẫn đến phản ứng của người tham gia giao thông và có ý kiến cho rằng “phí chồng phí”.

Tăng giám sát doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao

Bộ Tài chính cho biết đã cung cấp thông tin về một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, lãi suất cao để NHNN phối hợp quản lý, giám sát.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm