Con người sinh ra từ cõi hư vô khi một người đàn ông phối với người đàn bà - kẻ mà mỗi chúng ta phải gọi là đáng thân sinh. Không ai quyết định được quyền ra đời, muốn hay không muốn, lúc nào và tại đâu, sắc tộc cũng như trong hình hài nào, sự phối thai bắt đầu từ sự nứt ra của cái chết trước khi đêm trường bị vùi đi trong tiếng khóc trẻ nhỏ.
Đấy là lúc một sinh vật sống ra đời, quãng đời còn lại, hắn, kẻ được viết là con người luôn đi tìm cái chết. Sống, là con đường đi vào sự cận tử, sống ngắn, chết trẻ hay sống dai, chết già có gì khác nhau đâu, vẫn là một kẻ lầm lũi giữa thế giới, va vào chốn này chốn kia, ngã gục, vỡ xương, đứng dậy, đi một chặng dài rồi bước hụt, tõm xuống cỗ quan tài mà số phận đã dọn sẵn ngay từ lúc mình chào thiên đường để nhập thế.
Điều gì xảy ra trong tuần trăng mật của đôi vợ chồng trẻ?
Lữ khách và cõi trăng của Szerb Antal (Nguyễn Hồng Nhung dịch), một kiệt tác xuất chúng đã giải mã rất nhiều bí ẩn trong con người về tuổi trẻ, cái chết, chốn suy vong của linh hồn.
Tiểu thuyết diễn ra trong tuần trăng mật của đôi vợ chồng Mihály và Erzsi, đi về Roma, cả hai cùng thất lạc nhau, bởi sự bất cẩn, quên quên nhớ nhớ của Mihály, mỗi người một nẻo.
Tuyến truyện chẻ ra từ đó, Mihály đi về những ký ức của tuổi trẻ còn Erzsi bắt đầu chặng tàu xuyên thấu vào con người thật của Mihály, người tình và người chồng cô đã chọn bất chấp mọi điều, chỉ bởi anh ta là con người đặc biệt, khó hiểu, giấu trong mình những năng lượng ẩn mà người thường không thể có.
Sách Lữ khách và cõi trăng mới phát hành. |
Mihály, không thật sự kỳ quặc đến mức không thể giải nghĩa được. Sự khó hiểu trong anh, là bởi anh ta chưa thật sự hiểu mình, luôn mang trong mình đủ thứ ám ảnh kinh hoàng như luôn cảm thấy có người đứng sau lưng, thấy khó thở ở chốn đông người, đỉnh điểm của sự khó hòa nhập với cõi trần tục là “cảm giác vực xoáy… mặt đất nứt ra bên cạnh mình, và anh đứng bên bờ vực xoáy…” (trang 22).
Tuổi dậy thì, thời khắc nhạy cảm nhất, đánh dấu sự cấu trúc về tương lai của một người không thiếu điều lạ lùng, cơ thể mỗi người lúc đó như một ngọn nham thạch mong manh, sức nóng lún phún, chực đổ ra nhưng tuyệt không có ngọn lửa nào, tâm trí khi ấy dường như quá nhạy cảm, chỉ một hòn đá cũng khiến đất trời trong mình rung chuyển.
Cảm giác vực xoáy trong Mihály là do triệu chứng của tuổi dậy thì, có thể nhưng chưa đúng, vực xoáy này đã tồn tại trong từng cá thể người, vấn đề là Mihály quá mẫn cảm, linh giác của chàng nhạy gấp bội người bình thường nên đã nhìn thấy vực xoáy. Cái vực xoáy này khép lại trong lúc Mihály gặp gỡ Tamas trên nóc thành Vua của Budapest.
Nhóm bạn bốn người, Mihály, Ervin, Tamas và cô em gái Eva đã nối liền cái vực xoáy lớn trong số phận, nhưng đấy chỉ là sự lặng gió xanh mây trước khi bão táp đổ xuống, cuốn trôi tất cả.
Cả Mihály và anh em nhà Tamas đều thích đóng kịch, tự đóng kịch với nhau và vở nào cũng vậy, Eva luôn là nữ hoàng, là người còn sống giữa những người chết trong vở kịch.
Szerb Antal thuộc nhóm những nhà văn hoàng kim của văn học Châu Âu. Là một người Hung chính gốc, cái nôi của Thiên Chúa giáo, những ngôn ngữ cổ nhất nhì thế giới, cùng sự uyên bác, trí tuệ, ông mang trong mình nhiều nền văn hóa. Trong chuyến tàu tìm về ký ức, Mihály luôn nhìn thấy Tamas, người bạn đã tự sát, ngủ ở nghĩa địa, cảm thấy say mê, ngon giấc trước khi ánh sáng kéo đến và làm anh kinh hãi.
Những tiểu thuyết viết về ma, người không hiếm, văn học Việt Nam, Nguyễn Bình Phương cũng thường khảo sát ở chủ đề này, chỉ khác, Phương dùng tính âm để giải nghĩa cho tính đời và ma quỷ trong văn của Phương vẫn mang căn tính của chủng người chưa được thuần hóa. Còn Antal, chất âm tà được gặn bỏ đi, mất hẳn sự phàm tục để trở thảnh một hữu thể tâm linh thực sự.
Ở Lữ khách và cõi trăng, Tamas đã ám vào Eva, còn Ervin đã trừ tà cho Eva, nhưng sự thật trong cuộc đối thoại giữa hai người là thế nào? Tamas thật sự đã đi vào cõi bất tử hay vẫn còn lưu vong trong thân xác người em, người tình - Eva và người bạn hữu chí đời - Mihály.
Chiếc mặt nạ đọa đày của cõi người
Để đọc sâu hơn, ta cần nhẩm lại cái tên của tiểu thuyết như một thứ bùa, một lời kinh lễ trong ngày rửa tội: Lữ khách và cõi trăng. Trước giờ, khi bàn đến sự cô đơn, độc hành giữa người với vật (thiên nhiên cũng là một thứ vật chất) chỉ có lữ khách và trăng.
Nhưng “Cõi” là một thứ khác hẳn, tính bao quát rộng và vô biên hơn. Cõi trăng vừa là cái vũ trụ trong mặt trăng và chứa đựng mặt trăng, vừa là một thế giới thần bí được tạo ra từ trăng, không khác gì mũi tên của nàng Artemit trong thần thoại Hy Lạp.
Tác giả Szerb Antal. |
Trong tiểu thuyết, lữ khách không phải chỉ là Mihály, nhân vật trung tâm, mà là một nhóm người, từ Erzsi, vợ Mihály, Eva, Ervin, Janos, Zolhta, chồng Erzsi, thậm chí cả Tamas, linh hồn đang mắc trong vực xoáy ký ức của cõi trăng. Họ đi, không đồng hành trong một cuộc hành trình luôn có sự chạm mặt, trực tiếp hoặc gián tiếp qua thư từ, những lời kể lại hoặc một sự phân tâm, xuyên thủng vỏ màng của thời gian và không gian.
“Trăng giăng lưới xuống…” Antal viết, và bủa lấy tất cả, và không có sự trói siết nào... Ervin trở thành linh mục của dòng Phanxico, có lẽ trong bốn người, anh ta đã tự chọn cho mình lối thoát thiện chí nhất. Mihaly không đóng kịch nữa sau cái chết của Tamas và bước vào một vở kịch lớn, đau đớn hơn khi phải cố sống, cố thích nghi trong cộng đồng người xa lạ, tương tự, Eva cũng phải nhập vai nữ hoàng như nhiều năm trước, cô đi với những người đàn ông giàu có mà sáo rỗng, trở thành con búp bê, con chim đã mất đi giọng nói và sải cánh xuyên lên bầu trời.
Vực xoáy trong Eva có lớn hơn Mihály? Thế còn Tamas, chàng có còn thực hữu trong đời sống hay chỉ bị bỏ rọ, kéo chân xuống trần gian bởi người bạn Mihály tội nghiệp, yêu sự cô đơn nhưng không thể chống lại sự xâm thực của cô đơn. Suy cùng, con người vẫn quen làm khổ nhau, dù khi đã sống hay lìa đời.
Mỗi nhân vật trong tiểu thuyết từng người tháo xuống chiếc mặt nạ đọa đày của cõi người, đứa trẻ trong mỗi người thiếp ngủ mãi mãi như Tamas đã ra đi vào vũ trụ của riêng chàng, họ nhìn vào nhau và tự nhìn mình để trưởng thành cho một cái chết lớn hơn, do chính mình chọn lựa
“Chàng vẫn sẽ sống, dù chỉ như đám chuột dưới mảnh tàn tích nhưng vẫn là sống. Và chừng nào còn sống, con người ta vẫn còn hy vọng”. (trang 290)
Dòng cuối cùng của Lữ khách và cõi trăng, lời cuối cùng của Mihály chưa phải sự khép lại, vực xoáy vẫn còn đó, mãi mãi và muôn đời thử thách con người.