Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn năm nay được UBND tỉnh Cà Mau nhận định đến sớm hơn so với mọi năm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh trên địa bàn, đặc biệt là ở huyện Trần Văn Thời.
Tuyến đường nông thôn ở huyện Trần Văn Thời bị sụt lún, nghiêng về một bên. Ảnh: T.T. |
Ông Nguyễn Minh Nhứt, Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời cho biết, hiện tại, trên địa bàn 9 xã, thị trấn ghi nhận 569 điểm sạt lở, sụt lún tại 131 tuyến đường với tổng chiều dài gần 15 km (11 km đường bê tông, 4 km đường đất đen). Ước tính thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.
Theo ông Nhứt, huyện đang khẩn trương thực hiện các giải pháp để đảm bảo giảm thiểu thấp nhất thiệt hại như: Tăng cường tuần tra, kiểm tra tải trọng xe; cắt tỉa cây ven sông, kênh rạch; lắp đặt biển báo, rào chắn tại các tuyến đường sụt lún sâu...
"Nắng hạn nên việc bốc hơi nước diễn ra nhanh, cộng với việc bơm nước phục vụ sản xuất đã làm cho hầu hết tuyến kênh rạch vùng ngọt đều khô cạn.
Trong khi đó cao độ đáy kênh sâu, độ chênh lệch độ cao giữa mặt đường và mực nước hiện tại rất lớn, từ đó dẫn đến hiện tượng sụt lún, sạt lở", Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời chia sẻ.
Giao thông chia cắt ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt của người dân. Ảnh: T.T. |
Qua rà soát, thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có hàng nghìn hộ dân bị thiếu nước và không chủ động được nguồn nước sạch sinh hoạt, tập trung nhiều ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh và Thới Bình.
Anh Lê Tuấn Anh (ngụ xã Biển Bạch, huyện Thới Bình) cho biết, đã hơn 3 tháng khu vực này không có mưa. Trong khi đó, lượng nước mưa dự trữ đã sử dụng gần hết, phải mua nước từ ghe.
"Nước được chở đến nhà với giá gần 50.000 đồng/m3. Nhà tôi có 3 nhân khẩu nên sử dụng nước rất chắt chiu. Dù vậy, mỗi tháng gia đình tốn gần 500.000 đồng để mua nước", anh Tuấn Anh cho hay.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là do phần lớn các hộ dân sử dụng nguồn nước mưa, nước ngầm, không có nguồn nước ngọt thay thế, bổ sung vào mùa hạn. Ngoài ra, hệ thống cấp nước tập trung vùng nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ…
Ngoài sạt lở, nhiều tuyến kênh, rạch bị khô cạn, có nơi trơ đáy. Ảnh: T.T. |
Sạt lở ăn sâu vào đất liền, uy hiếp nhà dân. Ảnh: T.T. |
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có báo cáo gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT xem xét, quan tâm, đề xuất Chính phủ hỗ trợ địa phương.
Trước mắt, để khắc phục cho toàn vùng nước ngọt hóa, tỉnh Cà Mau kiến nghị bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí chống hạn, phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân và Hè Thu năm nay; dự kiến đầu tư 5 hệ thống thủy lợi với kinh phí hơn 197.000 tỷ đồng.
Về lâu dài, xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đấu nối với dự án Quản Lộ - Phụng Hiệp gồm các hạng mục sửa chữa âu thuyền Tắc Thủ và các cống trên quốc lộ 1A nhằm bổ sung nguồn nước ngọt, phục vụ sản xuất.
Đồng thời, kiến nghị hỗ trợ gần 242 tỷ đồng đầu tư công trình cấp nước sạch, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân.