Ngày 19/9, chuyến bay TP.HCM đi Melbourne (Australia) trên chiếc Boeing 787 mang số hiệu VN-A870 của Vietnam Airlines xuất hiện trên một loạt báo lớn bởi sự may mắn của mình. Máy bay của Vietnam Airlines "đã tránh được một tai nạn thảm khốc trong gang tấc", tờ The Australian mô tả.
Đang thu thập dữ liệu, quý I/2020 dự kiến kết thúc điều tra
Theo The Sydney Morning Herald (SMH), máy bay của Vietnam Airlines chỉ còn cách tình huống hạ cánh không có bánh sau khoảng 1 phút.
Sau khi xảy ra sự cố, Cơ quan An toàn hàng không Australia đã tổ chức điều tra, đồng thời thông báo đến Cục Hàng không Việt Nam và đề nghị cử thành viên tham gia.
Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, sự cố của Vietnam Airlines tại Melbourne được phân loại sự cố nghiêm trọng (mức B).
Căn cứ theo quy định tại Phụ ước 13 Công ước Chicago, cơ quan chức năng Australia chịu trách nhiệm điều tra nguyên nhân sự cố. Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Vietnam Airlines lấy dữ liệu ghi chuyến bay, đồng thời cử thành viên sang Australia tham gia điều tra vụ việc. Đại diện hãng cũng cho biết đang phối hợp để điều tra về vụ việc, và hẹn sẽ cung cấp thông tin thêm khi có kết quả điều tra cuối cùng.
Trong khi đó, thông tin từ Cơ quan An toàn hàng không Australia cho hay kết luận điều tra với sự cố của Vietnam Airlines sẽ được công bố vào khoảng quý I/2020. Hiện nay, cuộc điều tra vẫn đang ở bước thu thập dữ liệu từ các bên liên quan.
Thông báo của Cơ quan An toàn hàng không Australia cũng cho biết nếu phát hiện vấn đề an toàn nghiêm trọng trong quá trình điều tra, cơ quan này sẽ ngay lập tức thông báo với các bên liên quan và đưa ra các hành động để xử lý vấn đề, đảm bảo an toàn.
Zing.vn đã liên hệ với Cơ quan An toàn hàng không Australia qua email về vụ việc, chưa nhận được phản hồi.
Phi công của Qantas và Vietnam Airlines thực hiện nhiệm vụ trên hai chuyến bay gặp sự cố trên đều dày dạn kinh nhiệm. Ảnh: Akbarali Mastan. |
Theo nguồn tin của Zing.vn, cơ trưởng chuyến bay gặp sự cố của Vietnam Airlines sinh năm 1960, đã bay 20.700 giờ, trong đó có 1.413 giờ với dòng máy bay Boeing 787.
Cơ phó của chuyến bay sinh năm 1989, đã bay 4.454 giờ, trong đó có 1.795 giờ với dòng máy bay Boeing 787.
2 phi công bị đình chỉ bay có thời hạn sau sự cố năm 2009
Các dòng máy bay phản lực thương mại hiện đại ngày càng có nhiều hỗ trợ cho các phi công, đặc biệt là trong quá trình hạ cánh. Việc phi công phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các thủ tục trong quy trình hạ cánh cũng như sự có mặt của hệ thống cảnh báo khiến việc quên thả càng hạ cánh rất hiếm xảy ra.
Tại Australia, một vụ việc tương tự sự cố của Vietnam Airlines xảy ra cách đây 10 năm, và mất 2 năm để điều tra, đưa ra kết luận về vụ việc.
Cụ thể vào ngày 2/11/2009, đài kiểm soát không lưu tại sân bay Sydney phát hiện chiếc Boeing 767 của Qantas Airways, hãng hàng không quốc gia Australia, chuẩn bị hạ cánh nhưng không có dấu hiệu thả càng hạ cánh.
Đài kiểm soát không lưu đã ngay lập tức cảnh báo hai phi công. Tổ lái của chuyến bay đã ngay lập tức hủy bỏ hạ cánh, lấy lại độ cao để bay vòng thực hiện hạ cánh lại khi chỉ còn cách mặt đất hơn 200 m. Chiếc 767 của Qantas Airways sau đó đã thực hiện hạ cánh lần hai an toàn.
Vào tháng 11/2009, chiếc Boeing 767 với số đăng ký VH-OGP đã gặp sự cố tương tự chiếc VN-A870 của Vietnam Airlines đã gặp tại sân bay Melbourne ngày 19/9/2019. Ảnh: Jan H. |
Theo người phát ngôn của Qantas, việc càng hạ cánh không được thả là do "sự cố giao tiếp" giữa hai phi công. Hãng cũng cho hay hệ thống cảnh báo gần mặt đất của máy bay đã hoạt động tốt và đã đưa ra cảnh báo âm thanh tới hai phi công.
Cục An toàn vận tải Australia (ATSB) đã mở cuộc điều tra và đánh giá đây là sự cố nghiêm trọng. Cơ trưởng và cơ phó của chuyến bay này sau đó đều bị đình chỉ bay có thời hạn.
Nguyên nhân của sự cố này trên cơ sở dữ liệu của ATSB cũng được ghi là "lỗi cấu hình".
Trong báo cáo điều tra của sự việc, cơ trưởng và cơ phó của chuyến bay đã có sự lúng túng khi tầm nhìn bị hạn chế do trời mưa và vẫn còn máy bay chuẩn bị cất cánh ở đường cất hạ cánh tại thời điểm chiếc 767 của Qantas Airways chuẩn bị hạ cánh.
Cả hai phi công đã quá tập trung vào các chi tiết này và không cấu hình máy bay chuẩn xác để chuẩn bị hạ cánh, dẫn tới càng hạ cánh chưa được thả và phải thực hiện hạ cánh lại khi chỉ còn cách mặt đất hơn 200 m.
Cũng theo báo cáo điều tra của ATBS, tại thời điểm xảy ra sự cố năm 2009, cơ trưởng chiếc 767 của Qantas đã có 16.500 giờ bay, trong đó có khoảng 15.000 giờ bay dưới vai trò cơ trưởng và 594 giờ bay với dòng máy bay Boeing 767.
Cơ phó của chiếc 767 cũng đã có tổng cộng 8.882 giờ bay, trong đó 2.082 giờ bay với dòng Boeing 767. Cả hai phi công đều không cho thấy dấu hiệu bất thường về thể chất và tinh thần trong chuyến bay.