Đã có một thời người ta cứ nói mãi, nói mãi về cái nét thanh lịch, kiêu kỳ của người Hà Nội. Như câu thơ dân gian đã ca ngợi:
Nhất cao là núi Ba Vì
Nhất lịch, nhất sắc, kinh kỳ, Thăng Long
Cái thanh lịch, tinh tế nó như ăn sâu vào máu của người Hà Nội năm xưa, thể hiển ở cái sành ăn sành mặc, giọng nói nhẹ nhàng, du dương, ứng xử vừa phải, giao tiếp lịch sự... Cứ thế mà thấm dần qua năm tháng, làm nên một phong cách Hà Nội rất riêng mà ít địa phương nào trong cả nước có được.
Ấy thế mà đọc cuốn sách Hướng nào Hà Nội cũng sông của tác giả Hồ Anh Thái, độc giả sẽ gặp một Hà Nội rất khác. Một Hà Nội được phủ một lớp bụi đô thị dày đặc, nhưng ứng xử lại tuỳ tiện một cách rất “quê”. "Quê" ở đây không phải ý miệt thị người dân nông thôn, mà "quê" ở đây là nói đến những cái hành xử, tư tưởng, biểu hiện vô duyên, vô ý, vụng về và non kém.
Cứ thế dưới những con chữ của nhà văn Hồ Anh Thái, người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung cứ hiện lên một cách xấu xí đến đau lòng. Xấu xí như cái cách ông miêu tả: “Dân ta thì vẫn vô tư không biết nhiều thứ. Ra vào văn phòng không biết đóng cửa, nếu là cửa tự đẩy thì không biết giữ, buông thả ra mặc cho nó đập vào mặt người đi sau. Nhạt mồm nhạt miệng là nhổ ngay nước bọt xuống đường phố. Hưng phấn cực độ là một dãy ngồi xổm tư thế đi cầu xí xổm ngay trên vỉa hè, trong công viên”... (truyện Tầm cao không ở cái để giày).
Xấu xí như cái cách người Hà Nội đi xem kịch, xem phim ồn ào, vô tư như chỗ không người. Đến nỗi mà tác giả giờ muốn đi hưởng cái thứ nghệ thuật trình diễn đó là phải chọn ngày nào vắng nhất, ngồi hàng ghế cuối cùng, trong góc, càng tránh xa người càng tốt (truyện Những khoảng lặng). Đau lòng đến thế, người với người mà phải nghĩ xem làm sao tránh càng xa càng tốt, càng ít tiếp xúc càng hay.
Thật lòng mà nói, đọc Hướng nào Hà Nội cũng sông, bạn sẽ thấy một cảm giác quen thuộc đến lạ lùng. Mỗi câu chuyện kể trong sách, bạn đều như đã nghe, đã đọc, mà chịu không thể nhớ nổi là ở đâu. Bởi vì những câu chuyện ấy ta vẫn gặp, vẫn chứng kiến hàng ngày, không phải nghe từ miệng ai kể hết. Như những phố Quan, phố Trắng, những ông già lẩm cẩm có mỗi việc pha trà rót nước ở cơ quan thôi mà mãi không chịu về hưu, sợ về rồi không ai thay mình làm những việc quan trọng ấy.
Những thói đố kỵ, sính ngoại, ham hư danh, ích kỷ... hoá ra những cái ấy vẫn đang hiển hiện quanh quẩn đâu đây. Đôi lúc quen thuộc đến nỗi mà chẳng buồn gọi tên cho nó. Chỉ đến khi đọc những câu chuyện của nhà văn Hồ Anh Thái rồi mới giật mình nhìn quanh.
Giọng văn đầy chất châm biếm của Hồ Anh Thái khiến người đọc phải suy ngẫm về một Hà Nội có nhiều đổi thay. |
Ấy nhưng mà càng đọc cái sự châm biếm của nhà văn Hồ Anh Thái, lại càng thấy cái sự dịu dàng, bao dung, thấu hiểu của ông với Hà Nội. Ông viết: “Hà Nội là thành phố đi về phía nào cũng gặp những dòng sông. Sông Hồng ôm gọn Hà Nội từ mấy phía. Cái tên Hà Nội có nghĩa là thành phố được sông bao bọc trong lòng.
Hà Nội có chất mềm mại uốn lượn của sông. Có cái dịu dàng trầm tĩnh của nước. Cả sự bao dung của nước. Bao nhiêu dòng trong dòng đục đổ vào sông đều hoà nhập thành một. Bao nhiêu thứ chưa sạch được nước rửa trôi khoả lấp và làm cho trong sạch trở lại. Nước tiếp nhận, dung chứa và thanh lọc tất cả. Nhẹ nhàng thôi mà nước chảy đá mòn” (truyện Hướng nào Hà Nội cũng sông).
Thế nên, nếu mở đầu cuốn sách, tác giả dẫn dắt người đọc đi từ những châm biếm này tới mỉa mai khác. Thì gấp cuốn sách vào, độc giả sẽ cảm nhận được một nỗi xót xa, nhẹ thôi, nhưng mà luẩn khuất mãi không chịu rời.