Bạn đã mong chờ về một tháng sống trong bầu không khí sục sôi, đầy ắp những trận đấu hấp dẫn và các bàn thắng kích thích trí tưởng tượng. Thật đáng tiếc, nó đã không diễn ra như thế. Euro 2016 chắc chắn không phù hợp với tiêu chuẩn trên và khác xa với những gì đã thấy ở các giải đấu trước đó.
Toan tính lấn át sự phiêu lưu
Việc nâng số lượng đội lên thành 24 khiến gia tăng số trận đấu lên đến 51. Nó không có nghĩa là số bàn thắng cũng phát triển tỷ lệ thuận. Chỉ có 108 bàn thắng được ghi, trung bình 2,12 bàn mỗi trận và các khán giả phải chờ trung bình 44 phút để tận hưởng một pha lập công.
Eder ghi bàn cuối cùng của Euro 2016. |
Con số này thấp hơn khá nhiều so với 4 kỳ Euro trước đó, với lần lượt là 2,74 (2000), 2,48 (2004, 2008) và 2,45 (2012). Mức trung bình 2,12 là tệ thứ 2 trong lịch sử giải đấu kể từ năm 1984, chỉ nhiều hơn giải đấu buồn chán 1996 (2,06).
Trong số 51 trận đã diễn ra, có tới 22 trận hòa không bàn thắng trong hiệp 1 và chỉ 21 bàn thắng được ghi trước phút 30. Các trận đấu đã không thực sự bắt đầu sau tiếng còi khai cuộc. Ham muốn ghi bàn chỉ thực sự bắt lửa trong hiệp hai, hay chính xác hơn là nửa cuối hiệp 2 với 27,7% các bàn thắng diễn ra sau phút 75.
Nghĩa là, thay vì tấn công từ đầu, các đội sẽ ở lại bên phần sân nhà và nghe ngóng mọi diễn biến trong sự thận trọng. Hai đầu khung thành thường khá yên tĩnh và các thủ môn không phải chịu sức ép liên tục. Họ chỉ làm việc ở một vài thời điểm nhất định.
Ví dụ như ở trận chung kết, mặc dù các diễn biến đi ngược một chút với trình từ thời gian. Pháp đã gây áp lực khá tốt khi bắt đầu còn Bồ Đào Nha tiếp tục trò chơi phòng ngự quen thuộc. Sau khi Ronaldo ra ngoài, đáng ngạc nhiên là Les Bleus lại giảm cường độ và phải đợi đến phút 21 của hiệp hai để một cơ hội rõ ràng lại được tạo ra.
Bồ Đào Nha vô địch với chỉ một trận thắng trong 90 phút. |
Khi trận đấu được kéo dài sang hiệp phụ, một kết cục phân thắng bại trên chấm phạt đền gần như không thể tránh khỏi. Pha ghi bàn của Eder khá đột ngột và thực sự đáng kinh ngạc. Nó hoàn toàn xuất phát từ cá nhân anh ta.
Euro 2016 kết thúc ngay sau bàn thắng này và người hâm mộ không khỏi có cảm giác chống chếnh. Họ đã không được thưởng thức nhiều những trận đấu hay với liên tục các pha hãm thành, liên tục các cơ hội và vô số bàn thắng.
Sự xấu xí nặn ra nhà vô địch
Khi các đội trở nên thận trọng, sợ thua hơn là muốn chiến thắng và làm công việc chủ yếu là phòng thủ, khoảng cách về đẳng cấp đã bị thu hẹp. Bất kỳ đội nào cũng có thể thất bại và không có đội nào chiến thắng tuyệt đối.
Trước giải đấu, không ai có thể hình dung nổi Iceland có thể đánh bại Anh, Italia thất bại trước CH Ireland, Hungary cạnh tranh sòng phẳng với Bồ Đào Nha và Xứ Wales nã tới 3 bàn vào lưới Bỉ.
Seleccao là kẻ phản diện ở giải đấu này. |
Cùng với đó, những trái khoáy ra đời. Bồ Đào Nha trở thành nhà vô địch mà chỉ cần thắng một lần trong 90 phút (bán kết gặp Xứ Wales). Họ cũng hoàn thành bảng đấu ở vị trí thứ 3, dưới cả Hungary và Iceland. Seleccao cũng là đội vô địch đầu tiên thắng 2 trận trong thời gian hiệp phụ và đội đầu tiên chơi 3 trận thêm thời gian.
Sẽ còn rất nhiều tranh cãi xoay quanh chiến thắng của Bồ Đào Nha, một đội từ bỏ phong cách tấn công đã mang lại cho họ biệt danh “Brazil của châu Âu” để theo đuổi chiến thuật phòng ngự tiêu cực, giống như đội bóng họ ghét cay ghét đắng: Hy Lạp của năm 2004.
Trong mắt nhiều người, họ là những kẻ phản bóng đá, giết chết các ham muốn về thứ bóng đá nhiều cảm xúc, phóng khoáng và tự do.
Nhưng thôi, tạm biệt Euro, một giải đấu với chất lượng chuyên môn tệ đã nặn ra một nhà vô địch không phải là đội hay nhất.
Bàn thắng ở Euro 2016 và phân bổ theo mốc thời gian (theo UEFA) |