Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một đời lượm mót

Hai vợ chồng già ở miền Tây cả đời rong ruổi trên những cánh đồng lúa nhặt nhạnh những bông lúa rơi vãi, kiếm sống qua ngày.

Đến ấp Thạnh Thới, xã Thạnh Lộc (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) ông Lê Văn Hào (64 tuổi, còn gọi là Hai mót) và bà Nguyễn Thị Bê (66 tuổi) thì ai cũng biết. Trong căn nhà nhỏ xiêu vẹo trên bờ kênh Thủy Lợi, cả hai vẫn sống đói khổ bằng nghề đi mót của rơi ngoài đồng. 

Nhà nghèo lại đông anh em, từ nhỏ ông Hào đã sớm tối phải lo cắt cỏ chăn trâu cho tá điền để đổi lấy miếng ăn. Bà Bê cũng theo mẹ đi cấy lúa, đánh lá mía thuê khi chưa đầy 14 tuổi. Hai bên nội ngoại đều nghèo đến thê lương.

Ông Lê Văn Hào và bà Nguyễn Thị Bê mót từng hạt lúa trong đống rơm.
Ông Lê Văn Hào và bà Nguyễn Thị Bê mót từng hạt lúa trong đống rơm.

Đám cưới được tổ chức chỉ với một cặp vịt, ba con rắn hổ hành và 5 lít rượu gạo với sự vui mừng khôn xiết của bà con chòm xóm.

Số phận

Cưới xong, không một tấc đất cắm dùi, không một đồng vốn lận lưng, cặp vợ chồng trẻ phải mon men ra tận cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành, Kiên Giang) xin ở nhờ trong chòi rách của một lái buôn cá. Không nghề nghiệp, để có được miếng ăn, mỗi ngày hai vợ chồng phải ra cảng đi theo các tàu, xe vận chuyển cá biển để mót cá vụn.

Mót về, bà Bê nhanh nhảu nhặt những con còn tươi mang ra chợ bán lấy tiền mua gạo. Số cá ươn còn lại để vợ chồng ăn, ăn không hết đem phơi khô. Khoảng một hai tháng phơi được kha khá bà Bê lại mang ra chợ đổi lấy gạo. 

Rồi những đứa con lần lượt ra đời. Sự nghèo túng nhân lên gấp bội. Hai ông bà lại đi lượm ve chai, nhưng phải đi bộ ra mãi Rạch Giá cách chỗ ở gần 20 km mới có cái để lượm. Mỗi ngày đi về khoảng 40 cây số nhưng đồng tiền kiếm được chẳng thấm vào đâu.

Mấy đứa trẻ đói ăn, thất học phải lam lũ theo cha mẹ từ nhỏ nên đứa nào cũng đen nhẻm, ốm tong ốm teo. Căn chòi ọp ẹp rách nát hai vợ chồng ở đã 10 năm, ba đứa con lần lượt ra đời.

Ăn nhờ ở đậu

Sau 10 năm bôn ba xứ người, cái đói cái nghèo vẫn bấu riết lấy ông bà như một thứ nợ đời. Năm 1978, ông Hào quyết định dắt díu gia đình về lại nơi chôn nhau cắt rốn kiếm sống. Hai ông bà làm đủ việc để có tiền nuôi con, chờ đến mùa khoai họ lại tranh thủ đi mót, đi nhặt những củ khoai còn sót lại trên những khoảnh đất bờ.

Những đứa con của hai ông bà cứ thế lớn lên nhờ củ khoai, củ sắn người ta bỏ đi. Giờ lớn lên mỗi người túa đi một ngả tìm kế sinh nhai. Người làm thuê tận rừng U Minh ở Cà Mau, người làm công nhân ở Bình Dương, Bình Phước.

Thất học, đầu óc lại ít tính toán nên họ cứ đi làm thuê với thân phận nghèo khổ, thấp hèn như cha mẹ, bỏ hai tấm thân già lầm lũi, đói khổ. 

Từ những năm 1996, đất trồng khoai không còn nữa, người nông dân chuyển sang canh tác lúa nước, ông bà tiếp tục rong ruổi trên cánh đồng lúa nhặt nhạnh những bông lúa rơi vãi, kiếm sống qua ngày. 

Ông Hào cho biết thời ấy chưa có máy móc như bây giờ, dân chủ yếu cắt tay rồi chất đống ngoài ruộng, khi ôm đi suốt thì lúa vương vãi nhiều nên nghề mót lúa không lo chết đói.

Hết lượm lúa bông đến nhặt lúa hạt ngoài đồng, nhặt ở những đống rơm, đống bui bui mà chủ ruộng bỏ, một mùa đi mót hai ông bà có thể để ăn cả năm, số lúa dư mang bán cho các chủ vịt kiếm tiền trang trải trong gia đình, phòng khi ốm đau.

Nhưng bây giờ nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp (cắt, suốt) tỉ lệ vương vãi rất thấp. Hai ông bà quần quật từ sáng sớm đến chiều tối chỉ kiếm được khoảng 20 kg lúa ướt. 

Mót lúa bao năm nhưng tài sản giá trị nhất của ông bà là chiếc xuồng cũ. Hôm nào không đi mót ông Hào bơi xuồng vào rừng tràm mò cua xúc tép kiếm thêm miếng ăn. Còn bà Bê chăm lo cho đám dưa, đám đậu, hái từng mớ rau mang ra chợ.

Bây giờ hai tấm thân già vẫn phải ăn nhờ ở đậu trên đất bờ của một người hàng xóm tốt bụng trong túp lều rách nát, xiêu vẹo rộng chừng 8 m2 được dựng lên giữa đồng không mông quạnh. Túp lều không đỡ nổi những cơn mưa, không tránh hết được cái nắng thiêu đốt giữa trưa hè nên hai ông bà đều mắc những chứng bệnh kinh niên của người già.

Những mảnh đời tương lai mịt mù sau thảm kịch tại Formosa

Sau nỗi đau mất người thân, những con người giờ đang phải trực tiếp đối mặt với một tương lai mịt mù, chưa lối thoát.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150405/mot-doi-luom-mot/729815.html

Theo Hữu Khoa/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm