Đêm đã về khuya, trong những khu ổ chuột ở thành phố Quezon, gần thủ đô Manila, một người tổ trưởng dân phố đang phối hợp cùng cảnh sát đặc nhiệm đến tìm những người thuộc danh sách tình nghi nghiện ma túy trong khu vực.
Gõ cửa và yêu cầu
6 tuần nay, cứ hàng đêm, họ lại đi vận động những người nghiện ra đầu thú. Đây là một biện pháp đã được áp dụng ở thành phố Davao, nơi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng làm thị trưởng trong hơn 2 thập kỷ.
Liên Hợp Quốc tuần trước đã lên án chiến dịch đàn áp bạo lực với những người nghiện ma túy của Tổng thống Duterte kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 6, kêu gọi chính phủ nước này bảo vệ người dân khỏi những vụ giết người ngoài vòng pháp luật.
“Thức tỉnh và vận động ra đầu thú” là việc đến tận nhà của những người bị tình nghi sử dụng shabu - tên địa phương chỉ ma túy đá, mời họ đến trụ sở.
“Anh nằm trong danh sách (những người bị tình nghi sử dụng ma túy) của chúng tôi”, cảnh sát trưởng Guillermo Eleazar nói với một người vừa ra mở cửa. Anh này vô cùng bất ngờ khi nhìn thấy lực lượng cảnh sát xuất hiện trước cửa nhà mình.
Cảnh sát và tổ trưởng dân phố trong những đêm đi vận động. Ảnh: CNN |
“Lần cuối cùng anh sử dụng ma túy là khi nào?”
“Cũng lâu rồi”, người đàn ông bàng hoàng đáp lại trong bộ dạng mặc quần đùi, áo ba lỗ mỏng dính và bẩn thỉu.
“Chúng tôi muốn mời anh đến trụ sở để giải trình”, viên cảnh sát đưa ra lời đề nghị khiến người đàn ông chỉ còn cách làm theo. Sau đó, đoàn cảnh sát tiếp tục đến những địa chỉ khác trong danh sách.
Tại trụ sở, 10 người trong danh sách tình nghi ngồi dưới thứ ánh sáng mạnh và chờ đến lượt bị thẩm vấn. Họ vừa nghe vài lời hướng dẫn của cảnh sát vừa vò đầu và cúi mặt xuống đất.
Khi tổ trưởng dân phố cho họ xem đoạn video về những người đã ra đầu thú trong chương trình hồi phục chức năng cho người nghiện ma túy bao gồm tư vấn và kiểm tra sức khỏe thường xuyên, thì vài tiếng cười ái ngại vang lên. Một người đàn ông trong số đó chia sẻ, anh đã không dùng shabu cách đây vài tuần, nhưng đoán trước được cảnh sát sẽ đến tìm mình. Qua sự theo dõi của Eleazar, ông khẳng định anh ta cảm thấy hạnh phúc khi được ở đây.
“Đã đến lúc bắt đầu một cuộc sống mới”, người đàn ông nói.
Ký nhận, chụp ảnh và phát kem
Quá trình vận động người nghiện được tiếp tục với thủ tục ký vào một bản cam kết trước khi tham gia các cuộc thẩm vấn với cảnh sát. Tiếp đó, những người này sẽ được lấy mẫu nước tiểu, dấu vân tay và chụp ảnh.
Cuối cùng, họ giơ tay cam kết bằng thứ tiếng Anh ấp úng rằng hành vi đầu thú của mình là tự nguyện và hứa sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn mọi hành vi liên quan đến ma túy.
Sau khi cam kết xong, họ được cảnh sát phát kem và soda miễn phí.
Những nghi phạm ma túy đọc lời cam kết. Ảnh: CNN |
Tự nguyện hay ép buộc?
Nhìn từ bên ngoài, người ta có thể thấy quá trình vận động này giống như một cuộc bắt giữ. Trong khi đó, Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Philippines Ronald Dela Rosa cho biết quá trình đó hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyên và những người nằm trong danh sách tình nghi được mời đến trụ sở. Tuy nhiên ít người “được mời” này dám từ chối.
Ông Rosa khẳng định những người ra đầu thú sẽ không bị bắt đồng thời tự hào rằng sau khi chương trình vận động diễn ra, 600.000 người nghiện đã tình nguyện ra đầu thú. Một lý do khác củng cố cho niềm tự hào này chính là việc Rosa tiến hành chương trình ngay khi còn là cảnh sát trưởng thành phố Davao, rồi sau đó mới thăng chức trở thành giám đốc cảnh sát quốc gia dưới quyền của người bạn cũng là đồng nghiệp cũ, ông Duterte.
Không khí sợ hãi
Trong khi chính quyền mới của ông Duterte hài lòng với tỷ lệ ủng hộ cao đối với chiến dịch truy quét tội phạm ma túy, nhiều người vẫn còn cảm thấy chưa thuyết phục.
Jose Manue Diokno, Giám đốc Tổ chức Trợ giúp Pháp Lý (FLAG) cho biết theo quan điểm của tổ chức này, đây chính là những vụ bắt giữ. Một không khí sợ hãi mới xuất hiện ở Philippines, những nghi phạm ma túy ký vào những văn bản tự buộc tội mình trong bối cảnh “thiếu vắng sự hiện diện của pháp luật”, ông Diokno nói. Theo ông, quá trình vận động này “vi phạm pháp luật về quyền công dân”.
Cuộc chiến chống ma túy ở Philippines đang ở trong thời điểm nhạy cảm. Kể từ khi ông Duterte nhậm chức đến nay, 1900 người chết, trong đó ít nhất 756 người chết do bị nghi ngờ liên quan đến ma túy, 1160 trường hợp tử vong khác chưa được điều tra cụ thể, theo phát biểu của giám đốc cảnh sát quốc gia, ông Rosa.
Với số lượt tự nguyện ra đầu thú đạt hơn nữa triệu chỉ trong một vài tuần, Duterte và Rosa có thể coi đây là một chiến dịch thành công. Nhưng cái lý mà nhà trợ giúp pháp lý Diokno đưa ra là đơn giản vì những người này “sợ chết” mà thôi.