Ngày 7/9, các phương tiện truyền thông xã hội Myanmar lan truyền lời tuyên chiến của một nhà lãnh đạo chính trị ít danh tiếng. Ông Duwa Lashi La, một luật sư người Kachin và quyền tổng thống của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (NUG) tự xưng, phát động một “cuộc chiến phòng vệ nhân dân” chống lại chính quyền quân sự. Lời tuyên bố thu hút hơn 1 triệu lượt xem trên Facebook, Twitter và các nền tảng khác chỉ trong vài ngày.
Ông kêu gọi các công chức từ bỏ chức vụ và yêu cầu các nhóm vũ trang ủng hộ NUG nhắm vào tài sản, lực lượng an ninh của chính quyền quân sự, theo Nikkei Asia.
“Đây là cuộc cách mạng của cộng đồng”, ông Lashi La nhấn mạnh.
Tự phong mình là một "chính phủ song song", NUG đã thu hút nhiều nhân vật chính trị, từ các nhà lập pháp, thành viên đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền trước kia, cho đến lãnh đạo các nhóm dân tộc thiểu số.
Xa rời NLD?
Cách tiếp cận của bà Aung San Suu Kyi, người lãnh đạo NLD cho đến khi bắt giam hồi tháng 2, đối với chính trị và quản lý đất nước đang ngày càng xa rời mối quan tâm của thế hệ trẻ Myanmar. Họ xuống đường và sử dụng các biện pháp bạo lực nhằm chống lại các nhà lãnh đạo quân sự.
Min Zin, Giám đốc điều hành của Viện Chiến lược và Chính sách Myanmar, cho biết có hai thái cực tồn tại. Nhiều người trung thành với NLD tuyên bố bà Suu Kyi vẫn là nguồn cảm hứng và là nhà lãnh đạo đất nước. Trong khi đó, một số nhà hoạt động trẻ và những người cấp tiến cho rằng bà không còn phù hợp, trừ khi bà đi theo đường lối của phong trào mới.
“Tôi nghi ngờ cả hai phía. Tôi nghĩ bà ấy vẫn có sức ảnh hưởng đến những vấn đề trong nước và quốc tế”, ông Min Zin nhấn mạnh.
Ngay sau khi tiếp quản đất nước, các tướng lĩnh nhấn mạnh rằng đã hành động theo hiến pháp nhằm bảo vệ Myanmar. Tuy nhiên, cuộc chính biến đã chấm dứt sự ổn định và quá trình tăng trưởng kinh tế của Myanmar kể từ khi nước này chuyển sang chế độ bán dân sự vào năm 2011.
Trước khi quân đội sử dụng đạn thật đe dọa người biểu tình, các lực lượng chống chế độ đã bắt đầu thống nhất nguồn lực. Vào ngày 5/2, một số nhà lập pháp thuộc đảng NLD đã thành lập một quốc hội lưu vong có tên Ủy ban Đại diện Pyidaungsu Hluttaw (CRPH). Ủy ban này đưa ra một “bản hiến chương dân chủ liên bang” nhằm thay thế hiến pháp năm 2008 do quân đội soạn thảo.
Vào ngày 16/4, các nhà lập pháp, lãnh đạo sắc tộc và các nhân vật chống chính quyền quân sự đã bỏ qua những khác biệt trong quá khứ, thành lập Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (NUG) tự xưng với Duwa Lashi La làm tổng thống tạm quyền.
Trong số 26 thành viên nội các của NUG, có 13 người thuộc các dân tộc thiểu số và 8 người là phụ nữ. Đây là phản ứng trực tiếp đối với quá khứ hạ thấp vai trò của phụ nữ và dân tộc thiểu số của NLD. Dù người đứng đầu chính quyền thời NLD là bà Suu Kyi, chính quyền của bà không có bất kỳ phụ nữ nào khác trong nội các và rất ít bộ trưởng đến từ nhóm dân tộc thiểu số.
Nội các NUG nằm rải rác trên khắp thế giới, tổ chức cuộc họp trực tuyến và tiếp cận với những người ủng hộ thông qua mạng xã hội.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo quân sự cũng cố gắng biến Hội đồng Quản lý Nhà nước (SAC) trở nên đa dạng. Tổng cộng 10 thường dân đến từ nhiều dân tộc khác nhau được bổ nhiệm làm thành viên. Ngày 1/8, chính quyền quân sự tuyên bố trở thành một “chính phủ tạm quyền” nhằm thu hút sự chấp nhận của cộng đồng quốc tế.
Cuộc đua tìm kiếm sự công nhận
Chính quyền tự xưng NUG và các nhà lãnh đạo quân sự cạnh tranh để được công nhận tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Đối với cả hai bên, sự công nhận tại Liên Hợp Quốc rất quan trọng về mặt biểu tượng.
“Nhưng nó sẽ không tạo ra hay phá hủy cuộc cách mạng... Họ (NUG) không nắm giữ lãnh thổ và không kiểm soát đất nước”, Richard Horsey, một nhà phân tích độc lập và chuyên gia Myanmar thuộc Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, nhận định.
Khi lực lượng an ninh quân sự tăng cường truy bắt những người phản đối, NUG tiếp tục hoạt động cả bên trong và ngoài Myanmar. Một loạt hoạt động bao gồm tuyên bố, cứu trợ nhân đạo và tấn công các phương tiện truyền thông được tiến hành. Họ cũng hứa phân phối 6 triệu liều vaccine Covid-19 ở những khu vực do dân tộc thiểu số kiểm soát.
Việc tìm kiếm tính hợp pháp của NUG và SAC phụ thuộc vào ủy ban công nhận của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Mỗi bên đều đưa ra hoạt động nội các và tuyên bố chính sách, bao gồm các vấn đề kinh tế, ngoại giao, y tế và an ninh.
Các nhà ngoại giao cho rằng Mỹ và Trung Quốc đã thỏa thuận trì hoãn, giữ ông Kyaw Moe Tun làm Đại diện Thường trực của Myanmar.
Hầu hết chính phủ nước ngoài không có phản ứng gay gắt đối với cuộc chính biến của quân đội Myanmar. Vương quốc Anh đã bổ nhiệm một đại sứ mới và hầu hết tất cả các phái bộ ngoại giao phương Tây vẫn hoạt động tại Myanmar.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao của NUG Zin Mar Aung cho biết Australia, Pháp, Cộng hòa Czech và cả Anh đã thừa nhận các đại diện của NUG. Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang tiến hành thiết lập đường dây liên hệ kín với NUG.
Lợi thế đối đầu
Trước nền kinh tế sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 và tình trạng bất ổn sau chính biến, SAC cố gắng thể hiện khả năng quản lý, ủng hộ kinh doanh có trách nhiệm. Nhiều siêu dự án được công bố, bao gồm việc xây dựng một nhà máy điện trị giá 2,5 tỷ USD ở phía nam Myanmar.
Ngoài việc nắm giữ hệ thống chính trị và các nguồn lực nhà nước, lợi thế chính của chế độ quân sự là ngân sách đáng kể và khả năng kiểm soát lực lượng an ninh.
Các quốc gia phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với các nhân vật và tập đoàn quân sự. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không hiệu quả nếu không nhắm vào lĩnh vực dầu khí của Myanmar.
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, công ty kiếm được nhiều tiền nhất của chính phủ đã tạo ra khoản doanh thu lên đến 3,3 tỷ USD trong năm 2020. Các nhà đầu tư chính trong lĩnh vực dầu khí của Myanmar bao gồm gã khổng lồ năng lượng Pháp Total, Chevron của Mỹ, PTT Exploration & Production của Thái Lan và POSCO International của Hàn Quốc.
Hồi tháng 5, Total và Chevron đã đình chỉ khoản thanh toán cổ tức cho một doanh nghiệp có liên kết với chính quyền quân sự, nhưng điều này chỉ ảnh hưởng rất nhỏ đến doanh thu.
Tương lai của Myanmar có thể sẽ phụ thuộc vào chính phủ nào được quốc tế chấp nhận nhiều hơn.
“SAC rõ ràng gắn kết và thống nhất hơn. Mục tiêu của NUG là đại diện cho sự đa dạng chính trị và sắc tộc của Myanmar, cũng có nghĩa là chính sách của họ đôi khi gây nhầm lẫn, nếu không muốn nói là mâu thuẫn”, Romain Caillaud, Hiệu trưởng của trung tâm SIPA Partners, nhận định.
“Tuy nhiên, những gì NUG đạt được mà SAC thiếu chính là tính hợp pháp và sự hỗ trợ của cả trong nước và quốc tế”, ông nói thêm.
Tiểu bang luôn đi ngược chiều ở Ấn Độ trong các làn sóng Covid-19
Kerala là điển hình chống dịch của Ấn Độ trong làn sóng đầu tiên. Tới làn sóng thứ 2, khi gần như cả nước đã vượt qua đỉnh dịch, bang này vẫn đang bị biến chủng Delta càn quét.
Bà Aung San Suu Kyi bị chóng mặt, không thể ra tòa
Cựu cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi không thể xuất hiện tại tòa vào ngày 13/9 vì lý do sức khỏe, Reuters dẫn lời một thành viên trong đội bào chữa của bà đưa tin.
Nga phản pháo lời đe dọa của ông Trump liên quan xung đột với Ukraine
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố không thấy có gì mới trong đe dọa trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump nếu không đạt được thỏa thuận về Ukraine.