Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mót củi ở Sài Gòn

Giữa Sài thành hoa lệ tồn tại một cái nghề ít ai biết - nghề mót củi. Những người làm nghề đều có hoàn cảnh khốn khó. Có người theo nghề hàng chục năm dù biết rủi ro luôn rình rập.

Qua con đường ngoằn ngoèo, lắm sỏi đá chúng tôi đặt chân đến khu đất ẩn trong khuôn viên bãi rác Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM thuộc xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM). Ở đây, dường như có một thế giới khác so với bên ngoài. Không tấp nập, không ồn ào âm thanh còi xe của phố thị mà là tiếng nói cười giòn tan đan xen những giọt mồ hôi nhễ nhại sau giờ làm việc cật lực.

Nặng gánh mưu sinh

Ngoài hầm sâu làm nơi đốt phế liệu và những thứ không còn sử dụng được là khoảng đất rất rộng. Những vị trí bằng phẳng được người hành nghề phân từng khoảnh để đặt thành quả vừa có được. Mỗi đống củi được xếp ngăn nắp theo vị trí, kích cỡ khác nhau của từng người lượm củi. Cạnh đó chừng 10m có một chòi nhỏ lợp bằng tấm vải cũ, sờn màu kéo ra bốn góc, cột vào những cây xanh để che nắng.

Đó là chỗ nghỉ ngơi của người làm nghề mót củi. Dưới chòi, một chiếc bếp, lửa luôn đỏ rực. “Họ ra tận hương lộ 80 cách đây nhiều km chở nước sạch về đun lên rồi cùng uống bởi khu vực này nước bị nhiễm phèn”, một tài xế xe tải cho biết.

Thấy người lạ, nhiều người xúm lại bắt chuyện nhưng chưa được ít phút đã tan bởi lúc này có một chiếc xe tải chở các loại thân, nhánh, cành cây xanh được cắt tỉa (từ thành phố) hoặc các cành cây bị sâu mục, gãy… mang về đây. Mọi người hối hả vây quanh chiếc xe. 

Lâu lâu người mót củi mới có được đống củi lớn.

Chị Phan Thị Bé (48 tuổi, hơn năm năm trong nghề, ở Hóc Môn) giải thích: “Chiếc xe này chở thân, nhánh, cành cây... mọi nẻo từ thành phố về đây. Tôi cùng các thành viên khác làm công việc tìm kiếm, phân ra từng loại củi cho vào vị trí có sẵn để phơi khô chờ thương lái đến thu mua. Năm 2010, tôi đi xin việc nhiều nơi nhưng bị khước từ do chuyên môn không có. Thoạt đầu đi mót củi gặp không ít khó khăn, lâu dần quen nghề lúc nào không hay”.

Ngoài chị Bé, có nhiều người khác bám trụ với bãi, nhặt nhạnh từng đồng từ việc bán củi mót được để trang trải cho cả gia đình. Đáng nhắc đến là bà Hồ Thị Tho (54 tuổi) với nhiều năm trong nghề. Bà Tho nhà dưới chân bãi rác thuộc dự án treo ấp 3, xã Đông Thạnh, Hóc Môn. Hơn 10 năm trước, bà cùng chồng trồng lúa ở mé sông gần bãi rác nhưng ruộng vườn hư hại, không phát triển được, từ đó bà đi mót củi, chồng đi phụ hồ.

Bà tự hào khoe: “Cha mẹ ít biết mặt chữ nhưng cũng ráng cho con cái học đến nơi, đến chốn”. Hiện nay con trai bà Tho đang học lớp 10.

Tình người giữa bãi rác

Bà Tho chia sẻ: “Bây giờ đâu còn bao nhiêu người sử dụng củi để nấu nên nghề mót củi cũng ít ai biết tới. Chỉ có những quán ăn nhỏ, các lò nướng bánh mì, nấu cháo cho heo, nấu bánh giò, bánh tét hay sấy hạt điều hoặc xay gỗ... nên chúng tôi vẫn bám trụ. Khi cần mua củi khách đến bãi để lựa chọn. Mỗi xe củi xếp đầy chiếc ba gác có giá 200.000 - 250.000 đồng, còn đầy xe máy cày thì 550.000 - 600.000 đồng/xe nhưng không phải ngày nào cũng có khách tới mua. Bữa nào bán được hàng thì người mót củi vui lắm”.

“Mót củi thu nhập bấp bênh lắm, chỉ đủ tiền mua gạo và ít thức ăn trong ngày. Lắm hôm được mấy chục hay chỉ mấy ngàn mà có khi lại không bán được xe củi nào thì chẳng có một đồng”, bà Nguyễn Gia Rai (tên thường gọi bà Hai, 72 tuổi, ở xã Đông Thạnh, Hóc Môn), một thành viên lâu năm tại bãi rác vừa nhai trầu vừa kể.

Bà Rai có tám người con đã lập gia đình riêng. Chồng đi cắt cỏ cho bò. Con cái khuyên bà ở nhà nhưng bà không chịu vì không muốn phụ thuộc con cái, bà cũng muốn ra bãi rác gặp mọi người để nói chuyện với nhau làm niềm vui tuổi già. Bà Rai tém những miếng trầu khô trên tay cho vào miệng rồi nhìn về phía cậu bé gầy nhom, mặc chiếc quần cụt, áo thun cho biết đó là “lính mới” Lê Hoàng Anh (12 tuổi, quê xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp).

Bà Rai chép miệng: “Thằng nhỏ tội nghiệp, sinh ra không biết ba mình là ai. Mới học lớp 6 đã phải nghỉ theo mẹ lên Sài Gòn. Mẹ Hoàng Anh làm công nhân xí nghiệp may. Cậu bé đi theo người dì tên Lê Mộng Hồng (47 tuổi, quê Đồng Tháp, đã có năm năm trong nghề) vào bãi rác mót củi.

Trò chuyện với chúng tôi, Hoàng Anh kể một cách rành mạch về nghề, về sở thích của khách mua củi. “Khách thường chọn mua củi các loại cây bàng, sọ khỉ, sao, me, viết…, chứ cây dừa, bã đậu, điệp phèo heo… khó cháy nên khi mót con phải chọn. Con làm ở đây được bốn tháng. Những ngày đầu con đi bộ hoặc được dì chở ra đây. Mấy chú tài xế ở đây thấy thương mua cho con chiếc xe đạp để đi từ nhà trọ vào khu này. Các cô bác ở đây lúc nào cũng đùm bọc, chỉ vẽ cho con những việc con chưa biết. Ngoài mót củi những lúc rảnh con lượm thêm ve chai bán để có tiền phụ mẹ”, cậu bé 12 tuổi cười hồn nhiên khi kể về chiến công của mình.

Nghề này cũng lắm nguy hiểm. Có lần xe tải chở rác chạy tới, chưa kịp cho cần cẩu đưa cành cây xuống bãi thì mọi người đã ùa vào. Chuyện bị cây đè gây thương tích hoặc xe tải lùi húc vào người thường xảy ra. Vì mưu sinh chúng tôi đành chấp nhận nguy hiểm. Không chỉ những mảnh đời đã ở tuổi xế chiều gắn bó với nghề mót củi mà cũng có nhiều đứa theo nghề này từ nhỏ, như em Phan Văn Lời, sau sáu năm mót củi kiếm tiền ăn học, nó cũng đã đậu vào khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP. HCM.

Chị Phan Thị Nga (44 tuổi, ngụ xã Đông Thạnh, Hóc Môn)

http://plo.vn/xa-hoi/mot-cui-o-sai-gon-456171.html

Theo Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm