Mỏ khai thác quặng chì kẽm được xác định của Tập đoàn Đức Long Gia Lai (đặt tại khu vực rừng thuộc xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai).
Trước đó, tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa thị xã Ayun Pa (Gia Lai) tiếp nhận ca cấp cứu của bệnh nhân He Mao Xian (30 tuổi, trú tại Quảng Đông, Trung Quốc) được đưa ra từ mỏ khai thác khoáng sản của Tập đoàn Đức Long Gia Lai trong tình trạng đa chấn thương, chấn thương sọ não.
Dù được các bác sĩ cứu chữa, nhưng khoảng 20 phút sau khi vào viện, bệnh nhân He Mao Xian qua đời.
Khu vực hầm khai thác chì kẽm của Tập đoàn Đức Long Gia Lai - nơi xảy ra vụ việc công nhân Trung Quốc tử vong. |
Thông tin cho hay chiều 23/12, anh He Mao Xian cùng một số công nhân khác đang ở trong khu hầm khai thác quặng chì kẽm thì bất ngờ nhiều đất đá từ trong khu vực khai thác quặng rơi xuống trúng.
Một lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai nói thời điểm xảy ra vụ tai nạn lao động, có tổng cộng bốn công nhân người Trung Quốc ăn ở trong khu lán trại tại mỏ khoáng sản. Công nhân He Mao Xian qua làm việc tại mỏ quặng cùng với một người em ruột.
Tuy nhiên, đại diện Tập đoàn Đức Long Gia Lai có mặt tại mỏ khoáng sản này nói số công nhân Trung Quốc có mặt tại lán “đang nằm chờ để hoàn tất các thủ tục xuất nhập cảnh chứ chưa làm việc tại mỏ quặng”.
Mặc dù đã bị đình chỉ khai thác nhưng Tập đoàn Đức Long Gia Lai vẫn đưa máy móc, công nhân vào san ủi rừng, khai thác quặng trái phép. |
Ông Phạm Anh Hùng, tổng giám đốc Tập đoàn Đức Long Gia Lai nói: “Tập đoàn không biết công nhân này. Có thể công nhân này lai vãng ở nơi khác rồi đến khu vực đặt mỏ quặng rồi xảy ra tai nạn”.
Đại diện Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Gia Lai, Công an tỉnh Gia Lai đều khẳng định toàn bộ số công nhân mang quốc tịch Trung Quốc có mặt tại mỏ quặng đều chưa được cơ quan chức năng cho phép.
Một cán bộ Công an tỉnh Gia Lai nói “mặc dù đã bị UBND tỉnh Gia Lai đình chỉ hoạt động mỏ khai thác chì kẽm nhưng Tập đoàn Đức Long Gia Lai vẫn không chấp hành, đưa công nhân vào hoạt động trái phép.