Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một con rái cá biển tiêu tốn gần một tỷ đồng tiền thức ăn

Rái cá biển bơi không giỏi nên chỉ thích ăn những con mồi dễ đánh bắt nhưng giá lại cao như nhum biển hay bào ngư, tệ nhất cũng phải cho chúng ăn mực hay sò điệp.

Nhật Bản du nhập rái cá biển vào các công viên hải dương học từ năm 1980, vì dáng vẻ đáng yêu mà chúng từng gây sốt trong một thời gian dài. Nhưng dạo gần đây không còn nhiều cơ hội để khách tham quan ngắm rái cá biển nữa.

Vào thời kỳ hưng thịnh, số lượng rái cá trên toàn nước Nhật là 122 con, nhưng hiện nay chỉ còn 13 con. Ngoài Nhật bản ra, hầu như không có quốc gia nào khác nuôi rái cá biển, cá thể duy nhất được nuôi ở châu Âu cũng đã qua đời vào năm 2013.

Một phần do nhu cầu đánh bắt rái cá biển để khai thác bộ lông và một phần do các sự cố tràn dầu ở các khu vực chúng sinh sống, nên loài này đang được xếp vào nhóm động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Mặt khác, trong quá trình vận chuyển, nếu để chúng hưng phấn quá mức thì chúng sẽ dễ chết, nên các quốc gia nhập khẩu chính như Mỹ và Nga đã ra lệnh cấm xuất khẩu rái cá biển.

Vì vậy Nhật Bản không thể nhập khẩu con mới, trong khi những con ở trong nước thì đã quá tuổi sinh sản.

Đa phần rái cá được nuôi ở công viên hải dương học đã được thuần hóa nên rất ngoan hiền, không đúng bản chất hoang dã của loài này.

rai ca bien anh 1

Rái cá biển xuất thân từ vùng biển lạnh. Ảnh: Chee Kee Teo/Comedy Wildlife Photography Awards.

Rái cá biển hoang dã vốn có tính cách khá mạnh bạo, chẳng hạn như để duy trì nòi giống của mình, con đực thậm chí vừa cắn mũi con cái vừa giao phối.

Trong khi các anh rái cá biển được nuôi trong công viên hải dương học thì chỉ cần con cái thể hiện thái độ phản kháng là chàng ta từ bỏ ý định ngay. Mặt khác, để rái cá không giao phối cận huyết, người ta thường tách rái cá con nuôi tách biệt với rái cá trưởng thành, vì vậy chúng không học được cách giao phối.

Thêm một lý do nữa là chi phí thức ăn cho rái cá biển rất đắt, trung bình một con tiêu tốn hết gần một tỷ đồng tiền thức ăn.

Nguyên nhân là rái cá biển bơi không giỏi nên chỉ thích ăn những con mồi dễ đánh bắt nhưng giá lại cao như nhum biển hay bào ngư (tệ nhất cũng phải cho chúng ăn mực hay sò điệp).

Chưa kể do rái cá biển xuất thân từ vùng biển lạnh nên nhu cầu năng lượng cao để giữ ấm cơ thể, vì vậy mỗi ngày chúng tiêu thụ lượng thức ăn bằng 20-30% trọng lượng cơ thể.

Riêng những “bà mẹ” đang nuôi con thì nhu cầu thức ăn này còn nhiều gấp đôi. Ngoài ra, rái cá biển lại không có lớp mỡ dày dưới da như các động vật có vú sống ở biển khác, nên chúng cần phải ăn liên tục mới đáp ứng đủ năng lượng cần thiết để không bị chết cóng.

Nói chung rái cá biển nhà ta là một loài chịu stress kém, ăn sang và ăn như hạm.

Nghe qua thấy có vẻ chúng là một quý tử ăn hại, nhưng thật ra chúng có vai trò khá quan trọng trong hệ sinh thái. Vì ở những khu vực mà số lượng mà rái cá biển đang sụt giảm nghiêm trọng thì lượng nhum biển sinh sôi mất kiểm soát, dẫn đến rong biển nơi này chết dần, làm biển bị sa mạc hóa và các loài sống dựa vào nguồn rong biển cũng giảm dần.

Rái cá biển là một trong các giống loài bị con người đẩy đến bờ tuyệt chủng. Vì vậy tôi sẽ siêng năng đi công viên hải dương học để ngắm các em nó khi còn có thể, dù tốn tiền vé một chút. Nhưng tiền vé mà tôi trả sẽ giúp công viên duy trì được chi phí chu cấp cho chúng, nên tôi sẽ rất vui lòng đóng góp.

Haro Asou và Kaori Shinohara / NXB Trẻ

SÁCH HAY