Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một con phố mang tên lạ ở Hà Nội: Phố Tien Tsin

Sách Từ điển đường phố Hà Nội cho biết, trước Cách mạng tháng Tám, ở thủ đô có một đường phố mang tên lạ: Phố Tien Tsin.

Cuốn từ điển của nhà nghiên cứu Giang Quân cho biết: Phố Tien Tsin chính là phố Hàng Gà ngày nay.

Tien Tsin là phiên âm tên thành phố Thiên Tân, một thành phố trực thuộc trung ương nằm ở ven biển phía Bắc Trung Quốc. Tien Tsin là cách phiên âm trước đây, hiện nay phiên âm là Tienjin, như thành phố Bắc Kinh, thời xưa phiên âm là Peking, nay phiên âm là Beijing.

Pho Hang Ga,  pho phuong Ha Noi,  Pho Tien Tsin,  Tu dien pho phuong Ha Noi anh 1
Phố Hàng Gà xưa có tên gọi là phố Tien-Tsin

Theo giải thích trong các sách Từ điển đường phố Hà Nội, phố Hàng Gà được đặt tên thành phố Thiên Tân để ghi nhớ Hiệp ước Thiên Tân mà thực dân Pháp ký với triều đình nhà Thanh năm 1885, công nhận quyền bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam.

Sách Bang giao Đại Việt, triều Nguyễn của Nguyễn Thế Long, (NXB Văn hóa Thông tin, 2005), Hiệp ước này do đại diện triều Thanh, Trung Quốc là Tổng lý nha môn (tương tương Thủ tướng) Lý Hồng Chương và Thủ tướng Pháp Charles de Freycinet ký, đã chính thức chấm dứt quyền bảo hộ của triều đình nhà Thanh đối với Việt Nam.

Đồng thời, hiệp ước cũng mở đường cho việc rút hết các lực lượng Trung Quốc, trong đó có quân Cờ đen, đã tham gia đánh Pháp cùng các lực lượng yêu nước Việt Nam, khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Các tài liệu hiện chưa xác định phố Hàng Gà được chính quyền bảo hộ Pháp đổi tên thành phố Tien Tsin từ khi nào, nhưng nhiều khả năng là từ đầu thế kỷ 20, như trong đợt chỉnh trang lại phố xá năm 1902.

Phố Hàng Gà, nguyên là đất thôn Tân Lập – Tân Khai, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ.

Theo văn bia đặt trong chùa Thái Cam trên phố, thì thôn Tân Khai mới được thành lập năm Minh Mạng thứ 3 (1822), trên cơ sở đất hoang ở ven tường phía đông thành cũ đời Lê. Chùa Thái Cam cũng được xây vào năm đó. Chùa có giếng nước thơm và ngọt.

Phố Hàng Gà ở ngay gần cửa Đông thành Hà Nội, thường ngày có nhiều người đem gà vịt đến bán nên được gọi là phố Hàng Gà – Cửa Đông để phân biệt với Dốc Hàng Gà đầu phố Huế ngày nay, gần chợ Hôm.

Thời kỳ đầu nhà Nguyễn, các giấy tờ hành chính đều viết là phố Tân Khai. Dân chúng lại quen tách riêng làm đôi: đoạn giáp phố Bát Đàn và Cửa Đông gọi là phố Thuốc Nam, còn đoạn bên trên nối tiếp với phố Hàng Cót gọi là phố Hàng Gà.

Sau một thời gian dùng tên phố là Tien Tsin, đến năm 1919, chính quyền Hà Nội lại đổi tên phố này thành phố Broni, tên một viên sĩ quan Pháp chết trận ở ngoài Cửa Đông thành Hà Nội. Đến năm 1933, họ lại đổi lại tên là phố Tiên Tsin.

Năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, Thị trưởng thành phố Hà Nội Trần Văn Lai đã ký quyết định đổi tên phố Tien Tsin trở lại thành phố Hàng Gà. Cùng với đó, rất nhiều tên phố “Hàng” mang tên thực dân Pháp cũng đã được trở về tên cũ, như Hàng Đường (Sucre), Hàng Than (Charbon), Hàng Quạt (Éventails), Hàng Đậu (Graines), Hàng Chĩnh (Vases), Hàng Bông (Coton), Hàng Trống (Jules Ferry), Hàng Chuối (Beylier), Hàng Hương (Joffre), Hàng Khay (Paul Bert)…

Phố Hàng Gà ngày nay thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố khá thanh bình và có một số hàng ăn ngon như lòng rán, bún thang. Đặc biệt thương hiệu thuốc lào Hàng Gà rất được giới bình dân thủ đô ưa thích.


Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm