Rasheeda Jaleel thời gian gần đây luôn sống trong nỗi lo về từng miếng ăn cho 7 đứa con của cô. Như gia đình Jaleel, hàng triệu gia đình khác ở Ấn Độ đang bị dồn vào cảnh nghèo đói khi cuộc khủng hoảng Covid-19 mới nhất đang tàn phá đất nước, theo AFP.
Người phụ nữ 40 tuổi, cùng người chồng 65 tuổi và các con đang sống chỉ với một bữa ăn mỗi ngày.
“Chúng tôi đói và khát. Tôi cảm thấy bất lực và lo lắng. Làm sao mà tôi có thể sống sót tiếp như thế này?”, Jaleel nói với AFP. “Chúng tôi xoay xở với mấy thứ mà chồng tôi kiếm được. Nếu không đủ, tôi sẽ nhịn để nhường cho các con”.
Người thất nghiệp ở Ấn Độ xếp hàng nhận cơm từ thiện từ nhà hảo tâm. Ảnh: AFP. |
Covid-19 đã giết chết 160.000 người trong 8 tuần qua, đánh sụp các bệnh viện và nhiều doanh nghiệp ở Ấn Độ.
Các chuyên gia cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng khác đang rình rập, gây gia tăng nạn đói của những người nghèo ở nước này. Trong làn sóng Covid-19 đầu tiên tại đây, họ vốn đã rơi vào khốn đốn, nay lại càng ngặt nghèo hơn.
“Không có lựa chọn”
“Người nghèo trong nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kép, đó là khủng hoảng sức khỏe và khủng hoảng thu nhập kinh tế”, Anjali Bhardwaj thuộc chiến dịch Right to Food (tạm dịch: quyền được tiếp cận lương thực) nói với AFP.
"Chúng tôi đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng sức khỏe lớn, và nhiều người phải dành tiền tiết kiệm cả đời để chữa bệnh cho người nhà”.
Theo một nghiên cứu của Đại học Azim Premji ở Bangalore, khoảng 230 triệu người Ấn Độ rơi vào cảnh nghèo đói, tức sống với mức dưới 375 INR (5 USD) mỗi ngày, trong năm đầu tiên của đại dịch.
Hơn 7,3 triệu người đã mất việc làm chỉ trong tháng 4, theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ. Tại Ấn Độ, 90% lực lượng lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, không có mạng lưới an sinh xã hội. Vì vậy, việc hàng triệu người mất việc làm đồng nghĩa họ không đủ điều kiện để nhận các khoản trợ cấp khẩn cấp của chính phủ.
Hàng triệu người rơi vào nghèo đói và phải ăn, ngủ trên đường ở Ấn Độ. Ảnh: AFP. |
“Nhiều người đã rơi vào cảnh nghèo đói từ năm ngoái, họ lâm vào nợ nần và phải cắt giảm ăn uống”, Phó giáo sư Amit Basole, một trong những tác giả của nghiên cứu, nói với AFP.
Abdul Jaleel, chồng cô Rasheeda Jaleel, đã phải chuyển sang bán rong để nuôi gia đình sau khi ông mất việc tại công trình xây dựng trong thời gian Delhi bị phong tỏa.
Thu nhập của ông trước đây có thể lên đến 500 INR (7 USD) một ngày, nhưng bây giờ chỉ còn bằng một phần năm.
"Có những ngày tôi không kiếm được đồng nào", ông nói. "Là cha mẹ, chúng tôi sẽ phải kiếm ăn bằng mọi cách, cho dù chúng tôi phải đi xin, vay mượn hay trộm cắp. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác".
"Mắc kẹt trong suy thoái"
Trong đợt phong tỏa năm ngoái, khoảng 100 triệu người đã mất việc ở Ấn Độ. Sau khi các hạn chế được dỡ bỏ, tính đến cuối năm 2020, khoảng 15% không tìm được việc làm, trong đó có 47% lao động nữ, nghiên cứu của Đại học Azim Premji cho thấy.
Nhiều người có được việc làm trở lại nhưng phải chịu mức lương thấp hơn. Điều này khiến họ dễ bị tổn thương hơn khi những làn sóng Covid-19 tiếp theo ập đến.
Nghiên cứu cũng ước tính có khoảng 100 triệu người Ấn Độ không thể tiếp cận được với viện trợ lương thực từ chính phủ vì họ không có thẻ khẩu phần, theo ông Bhardwaj.
Người nghèo ở Ấn Độ đang phải trông chờ vào các bữa ăn từ thiện để sống sót. Ảnh: AFP. |
Tổ chức Right to Food đã vận động cung cấp thực phẩm khẩn cấp cho người nghèo, ngay cả khi họ không có thẻ khẩu phần.
Tuy nhiên, trong khi đại dịch còn dai dẳng, các chuyên gia cảnh báo rằng nhiều người có thể vẫn bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn đói khổ ngay cả sau khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ.
“Tôi e là chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong nền kinh tế suy thoái dài hạn”, ông Basole nói.
Bhupinder Singh, một nhà tài chính vi mô, đã phân phát thực phẩm cho những người nghèo trong hai đợt phong tỏa. Ông đã chứng kiến sự tuyệt vọng của hàng trăm người thất nghiệp. Họ nằm ngủ vật vờ bên lề đường cao tốc Delhi đông đúc.
Khi ông mang thực phẩm đến, những tiếng râm ran vang lên. Họ chạy đến phía sau chiếc xe của ông và xếp thành một hàng dài.
“Mọi người mắc kẹt ở đây và không thể tự lo liệu. Nếu có người đến giúp, chúng tôi còn có cái ăn. Nếu không ai đến, chúng tôi sẽ lại tiếp tục chịu đói”, Sunil Thakur, 50 tuổi, một người bị mất việc trong đại dịch nói với AFP.