Vào ngày 8/2, Eileen Gu (Cốc Ái Lăng) làm ngây ngất người hâm mộ Trung Quốc - đội tuyển cô đang thi đấu cho - sau khi giành huy chương vàng nội dung Big air (nhào lộn trên không với ván trượt tuyết) tại Olympic Bắc Kinh 2022. Hashtag liên quan cô thậm chí làm sập mạng xã hội Weibo trong chốc lát.
Còn tại Mỹ, hãng tin Fox News đã miêu tả chiến thắng của Gu là huy chương vàng của kẻ phản bội từ Trung Quốc (Chinese traitor) và chất vấn việc Gu đã "đào tẩu" khỏi đội tuyển Mỹ.
Tại Olympic Bắc Kinh 2022, những vận động viên Trung Quốc nhập tịch như Eileen Gu hay Zhu Yi đối mặt với hàng loạt các kiểu chỉ trích khác nhau. Nếu như Zhu Yi bị cộng đồng mạng Trung Quốc mạt sát vì thi đấu không tốt, thì Eileen Gu lại gây tranh cãi với quyết định thi đấu dưới danh nghĩa đội tuyển Trung Quốc, thay vì Mỹ.
"Đây là một quyết định khó khăn đối với tôi", CNN trích lời Gu chia sẻ trong một bài đăng trên Instagram vào thời điểm đó.
Những vận động viên này, đặc biệt là những người gốc Trung Quốc, đang mắc kẹt giữa hai quốc gia và bối rối khi xây dựng “danh tính kép” trong mắt công chúng. Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang là áp lực nặng nề khi mang hai dòng máu Trung - Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa hai nước leo thang. Mọi hành động của họ đều nhận những ý kiến trái chiều và không thể nào làm hài lòng công chúng cả hai bên.
“Đứa trẻ vô ơn”
Eileen Gu - 18 tuổi, ngôi sao trượt tuyết sinh ra và lớn lên ở California nhưng thi đấu cho Trung Quốc, và là ứng cử viên tranh huy chương vàng - nhận sự ưu ái của công chúng Trung Quốc khi thành thạo tiếng Quan thoại (tiếng phổ thông của Trung Quốc) và am hiểu văn hóa.
Cô trở thành gương mặt thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc để quảng bá về Thế vận hội mùa đông. Có gần 2 triệu người theo dõi trên nền tảng mạng xã hội Weibo, Gu nhận được nhiều hợp đồng tài trợ của Trung Quốc. Tân Hoa xã còn từng đăng một bài báo có tiêu đề gọi Gu là “Công chúa Tuyết”.
Nhưng sự nổi tiếng của cô đối mặt với thách thức riêng. Hôm 3/2, người dẫn chương trình Fox News Will Cain đã gọi Gu là "đứa trẻ vô ơn” khi cô quay lưng lại với Mỹ - đất nước không chỉ nuôi dưỡng mà còn biến cô trở thành vận động viên trượt tuyết đẳng cấp thế giới, nhờ cơ sở vật chất mà chỉ Mỹ mới có được. Ông nói rằng “thật đáng xấu hổ khi Gu quay lưng lại chỉ để đổi lấy tiền”.
Ông Cain thậm chí còn so sánh cô với “đứa trẻ dọn ra khỏi ngôi nhà ấm áp nơi chúng được nuôi dưỡng”, cảnh báo Gu sẽ sớm hối hận.
Dưới bài báo về chủ đề này, nhiều người cũng tỏ thái độ chê trách Gu. “Cô ấy ở đây trong nhiều năm, tận hưởng tất cả lợi ích đào tạo của Mỹ. Đến khi Mỹ cần đại diện, thì cô ấy lại nói không. Cô ấy chọn Trung Quốc”, một bình luận dưới bài báo của Fox News cho hay.
“Tôi rất vui vì Gu đã chọn đại diện cho Trung Quốc chứ không phải Mỹ. Tôi không muốn một người không trân trọng đất nước mà lại thành đại diện”, một người viết.
Hình ảnh Eileen Gu tại Thế vận hội mùa đông 2022. Ảnh: Winnquick. |
Đây cũng là thái độ xuất hiện thường xuyên trong các bài đăng trên trang mạng xã hội của những vận động viên mang hai dòng máu như cô Gu.
"Rất vui khi thấy bạn mang tất cả thành công và thành tích của mình ở Mỹ sang Trung Quốc, chứ không phải đại diện cho nơi bạn sinh ra và lớn lên", trích một bình luận mỉa mai dưới những bài đăng trên Instagram của Gu vào tuần trước.
Trong khi đó, Beverly Zhu - vận động viên trượt băng nghệ thuật 19 tuổi sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng thi đấu cho Trung Quốc với cái tên Zhu Yi - không may mắn như Gu. Cô không nhận được sự ưu ái của khán giả Trung Quốc, và cũng không được nhiều người Mỹ bênh vực.
Zhu trở thành tâm điểm của sự chỉ trích sau màn trình diễn không thành công tại Olympic Bắc Kinh 2022, bắt đầu từ ngày 6/2. Đến chiều hôm đó, hashtag #ZhuYiFellDown (tạm dịch: Zhu Yi gục ngã) đã nhận hơn 200 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Sự tức giận lại bùng nổ vào hôm 7/2 khi cô vấp ngã 2 lần trong phần thi trượt băng tự do. Zhu bật khóc ngay trên sân đấu và về đích cuối cùng.
"Zhu Yi, màn trình diễn của cô thật nực cười làm sao!", một người dùng viết. “Sao cô dám đại diện trượt băng cho Trung Quốc?”. Một bình luận khác, với 11.000 lượt ủng hộ, nói rằng "đây là một sự ô nhục".
Zhu Yi ngã trong phần trình diễn tại Olympic Bắc Kinh 2022. Ảnh: AFP. |
Thậm chí, nhiều người còn xoáy sâu vào quyết định lựa chọn Zhu thay vì Chen Hongyi - một vận động viên Trung Quốc khác.
"Chen Hongyi giỏi hơn cô ấy rất nhiều. Tôi không hiểu tại sao một người như thế này lại được phép đại diện cho Trung Quốc", một người bình luận. Một người khác nói thêm: "Chắc chắn có rất nhiều áp lực, nhưng làm gì có vận động viên nào không thi đấu dưới áp lực màu cờ sắc áo chứ?”.
Một số người cho rằng Zhu được chọn là bởi thành tích của cha cô, Zhu Songchun - chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, người đã trở về Trung Quốc để lãnh đạo một viện nghiên cứu vào năm 2020. "Xin chúc mừng đội trượt băng nghệ thuật Trung Quốc vì đã có đóng góp to lớn cho lĩnh vực máy tính!", một người viết.
Trước Olympic Bắc Kinh, nhiều người đã chỉ trích vì Zhu không thành thạo tiếng Trung Quốc. Họ cho rằng nên "học tiếng Trung trước, sau đó hãy nói đến lòng yêu nước".
Ngay cả tại nơi Zhu sinh ra là Mỹ, vẫn có nhiều bình luận khó nghe về cô. Dưới bài đăng về sự cố của Zhu Yi trên Fox News, thay vì cảm thông, nhiều người cảm thấy khó hiểu khi Zhu Yi sinh ra ở Mỹ nhưng lại chọn đại diện cho Trung Quốc. Một số người còn hả hê, cho rằng đó là cái giá phải trả cho lựa chọn của Zhu.
“Có lẽ cô ấy nên ở lại Trung Quốc”, một người viết. Một người bình luận thêm: “Tại sao chúng ta cho phép các vận động viên đang hoặc sẽ đại diện cho các quốc gia khác sử dụng cơ sở vật chất và huấn luyện viên hiện đại của mình? Đây là một cuộc thi. Tôi chưa bao giờ hiểu điều này”.
Tiêu chuẩn nào cho vận động viên nhập tịch?
Hiện hơn 10 vận động viên đại diện cho Trung Quốc tại Thế vận hội 2022 được sinh ra ở nước ngoài. Việc chuyển đổi quốc tịch để chơi thể thao khá phổ biến trên thế giới, khi nhiều quốc gia muốn nâng cao thành tích thể thao, nhưng Trung Quốc chỉ mới bắt đầu, Susan Brownell, một chuyên gia về thể thao Trung Quốc tại Đại học Saint Louis, cho biết.
Câu chuyện nhập tịch vận động viên vẫn thường mang đến nhiều tranh cãi. Nhìn từ góc độ của vận động viên, tranh suất tham dự các giải đấu lớn như lách qua khe cửa hẹp. Tại những nơi có quá nhiều vận động viên ở môn thể thao thế mạnh, không phải ai cũng có thể có điều kiện tập luyện và lên tuyển do nhu cầu lớn. Do đó, họ phải tìm đến những quốc gia khác để có cơ hội lớn hơn thi đấu cho nước đó trên trường quốc tế.
Vận động viên nhập tịch khá phổ biến trên thế giới với hy vọng nâng cao thành tích thể thao. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Nhìn từ góc độ của quốc gia, đối với một sự kiện thể hiện rất nhiều niềm tự hào dân tộc, công chúng cho rằng vận động viên đại diện cho một quốc gia khác không phải nơi họ sinh ra đi ngược tinh thần của Olympic, họ chỉ muốn thi đấu chứ không quan tâm tới vấn đề dân tộc.
Theo Atlantic, trong các kỳ thế vận hội hiện đại đầu tiên vào năm 1896 tại Athens, các vận động viên nhìn chung không được phân nhóm theo quốc gia, bởi đây không phải là cuộc thi giữa các nước, ngay cả khi họ đến từ 14 quốc gia khác nhau. Do đó, dưới con mắt của vận động viên thi đấu dưới lá cờ của một quốc gia không phải nơi họ sinh ra, họ chỉ đang thi đấu với tinh thần thể thao như bất kỳ ai khác.
“Tôi chỉ tiếp nối di sản Nhật Bản trong mình. Tôi vẫn sống ở Mỹ. Tôi vẫn là người Mỹ. Luôn có khía cạnh Mỹ trong tôi, nhưng tôi có trong mình 100% dòng máu Nhật Bản", vận động viên lướt sóng Kanoa Igarashi - người từng bị gọi là "kẻ phản bội" khi đại diện cho Nhật Bản thay vì Mỹ trong Giải vô địch Lướt sóng Thế giới Nam 2018 - nói. “Đây không phải là chiến tranh. Suy cho cùng, đó chỉ là lướt sóng, một môn thể thao. Tôi muốn chứng kiến mọi người đam mê đến thế nào".