Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Một chút rối loạn, mất ngay nghìn tỷ

Một chính sách mới được kỳ vọng sẽ tăng tính thanh khoản cho thị trường đã không được hào hứng đón nhận.

Thanh khoản giảm mạnh, thị trường chứng khoán đã bốc hơi cả chục nghìn tỷ đồng trong phiên đầu tiên giao dịch theo quy chế mới.

Không tăng mà giảm

Trong phiên giao dịch ngày 12/9, hai sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) và Hà Nội (HNX) áp dụng quy chế giao dịch mới. Theo đó, khối lượng tối đa của một lệnh đặt được tăng lên 500 nghìn đơn vị trong khi bước giá mua bán cổ phiếu được điều chỉnh từ 100 đồng xuống chỉ còn 10 đồng.

Mục đích của sự thay đổi không gì khác là làm tăng tính thanh khoản và hấp dẫn trên TTCK, hút các quỹ đầu tư cũng như các NĐT cá nhân trong và ngoài nước. Đây cũng là bước chuẩn bị cho TTCK Việt Nam tiến gần đến với các tiêu chuẩn của thế giới.

Tuy nhiên, những phản ứng trên thị trường đang chứng minh điều ngược lại. Thanh khoản giao dịch trong phiên 12/9 giảm mạnh hơn 13% so với phiên liền trước, xuống dưới ngưỡng 2 ngàn tỷ đồng. VN-Index giảm mạnh hơn 1% và thủng ngưỡng 660 điểm. Vốn hóa trên 2 thị trường giảm cả chục nghìn tỷ đồng.

Cu soc chung khoan anh 1

Thanh khoản trên TTCK vẫn khá thấp.

 

Sang phiên giao dịch 13/9, VN-Index giảm nhẹ. Giao dịch cải thiện hơn nhưng vẫn thấp hơn trung bình các phiên trước đó.

“Nhiều NĐT thực sự ái ngại với cơ chế giao dịch mới. Bước giá nhỏ quá khiến nhiều người hoa mắt. Vì giá đặt mua có tới 2 chữ số hàng thập phân nên khi thị trường giảm bảng điện ngập tràn một màu đỏ, ảnh hưởng tới tâm lý của người mua bán”, ông Nguyễn Tất Hưng, một NĐT trên sàn chứng khoán FPTS, chia sẻ.

Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của Công ty CP chứng khoán Trí Việt (TVB) cho biết, nhiều NĐT bị động và khó giao dịch với quy chế của UBCK vừa ban hành. Bước giá nhỏ nhặt dễ gây ra nhầm lẫn cho NĐT.

Trong khi đó, cũng theo ông Trí, mục tiêu tăng thanh khoản dường như đã không đạt được bởi khi chia ra nhiều bước giá quá thì NĐT lướt sóng không thể nhìn bảng để biết lệnh mình đặt mua bán thế nào. Họ gặp khó khi giao dịch.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng phòng môi giới chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect cũng cho rằng, cơ chế giá mới chưa phù hợp cho dù định hướng là tốt.

Theo ông Tuấn, điều mà thị trường mong đợi nhất chính là T+0 và thả biên độ. “Phải có 2 cái này thì chẻ nhỏ bước giá mới có hiệu quả cao. Giải pháp mới đưa ra chưa mang tính căn cơ. TTCK Việt Nam vẫn còn 80% nhà đầu tư cá nhân. Kích thích giao dịch bằng băm nhỏ bước giá không phù hợp lúc này lắm”, ông Tuấn nói.

Ông Phan Văn Nhân, một chuyên viên môi giới chứng khoán tại SSI, nhìn nhận, cơ chế giao dịch mới làm giảm thanh khoản, còn thị trường giảm điểm chủ yếu do giá dầu thế giới giảm, chứng khoán thế giới giảm và “tây” bán ròng khi mà nhiều mã chủ chốt tăng giá mạnh trong thời gian qua.

Cần cơ chế thiết thực hơn

Nhiều chuyên gia đánh giá, sự suy giảm thanh khoản trong 1-2 phiên chưa nói lên điều gì. Tuy nhiên, không ít người lại tỏ ra lo lắng sau những phản ứng khá mạnh và lời than phiên khắp trên các diễn đàn mạng của nhiều NĐT sau phiên giao dịch đầu tiên theo cơ chế mới.

Cu soc chung khoan anh 2

Cơ chế giao dịch mới chưa nhận được sự đồng thuận từ các NĐT.

 

Kỳ vọng về việc thay đổi bước giá sẽ hạn chế “đội lái” cũng không được nhiều người đồng tình.

Ông Huỳnh Minh Tuấn nhận xét, không hề có tác dụng bởi “đám lái” thường gom hết hàng (thường là đối một số cổ phiếu của DN có quy mô vốn nhỏ) rồi mới đánh lên. Khi đó, việc đẩy giá không phụ thuộc vào bước giá lớn hay nhỏ.

Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, cần thêm một thời gian nữa để đánh giá tác động của quy chế giao dịch mới có tốt hay không và cái gì hợp quy luật sẽ phát triển, còn ngược lại sẽ không tồn tại.

Trên thực tế, quy chế giao dịch mới còn quá mới, chưa dễ tìm được sự đồng thuận của nhiều NĐT. Theo lý thuyết, số bước giá tăng lên giúp bên bán và bên mua dễ tìm được điểm đồng thuận. Tuy nhiên, thực tế giao dịch có thể rất khác.

Điều mà rất nhiều NĐT mong chờ trong nhiều năm qua ngoài sự minh bạch và chất lượng hàng hóa trên thị trường còn là cơ chế giao dịch thiết thực hơn như việc rút ngắn thời gian mua bán cổ phiếu.

Trên thế giới, độ giao dịch chứng khoán là không giới hạn và mua bán T+0. Tiền hay cổ phiếu sẽ về tài khoản của các NĐT ngay sau khi thực hiện giao dịch. Trong khi đó, trên TTCK Việt Nam, giao dịch mới được rút về T+2, nhưng thực chất vẫn là T+3 bởi sau 3 ngày NĐT mới xoay vòng được đồng tiền của mình.

Đánh giá về xu hướng thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, TTCK Việt Nam cơ bản vẫn khá hấp dẫn. VN-Index giảm thời gian gần đây do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như khả năng Fed tăng lãi suất, chứng khoán thế giới giảm, các quỹ ngoại sắp đến ngày review, thị trường điều chỉnh sau một đợt tăng dài.

Theo CTCK Bản Việt, thị trường giảm vì các NĐT ngày càng lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cuối tháng này sẽ nâng lãi suất, khiến kích hoạt dòng rút vốn chuyển về các thị trường an toàn hơn trên toàn cầu.

Hiện tượng bán ròng của khối ngoại được giải thích là bởi một số quỹ chốt lãi các cổ phiếu tăng giá mạnh (như VCB, VNM,... ), số khác chỉnh danh mục đầu tư. Đây là chính sách của các quỹ đóng chứ không phải TTCK Việt Nam hết kỳ vọng.

Còn CTCK Rồng Việt quan điểm dù VN-Index đã trở lại dưới mốc 660 điểm nhưng vẫn còn ngưỡng hỗ trợ 650 làm điểm tựa. Họ vẫn chưa nhận thấy yếu tố nào thực sự có thể làm thị trường giảm sâu, vì thế VN-Index có lẽ sẽ vẫn chỉ vận động lên xuống quanh vùng giá này.

 

 

 


http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/326373/cu-soc-mot-chut-roi-loan-mat-ngay-ngan-ty.html

Theo H.Tú/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm