Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đằng sau con số vốn ngoại kỷ lục vào chứng khoán Việt

Sự chuyển động của dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán niêm yết đang là một bức tranh hoàn toàn trái ngược...

Mấy hôm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam xôn xao trước thông tin dòng vốn nước ngoài vào thuần 6 tháng đầu năm tăng kỷ lục: 3,5 lần cùng kỳ 2015.

Thật ra, đã có một sự nhầm lẫn không nhỏ. Đó là tổng hợp lượng vốn của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu lẫn... trái phiếu.

Xu thế tìm kiếm địa chỉ an toàn để đầu tư nổi lên trong năm nay, đặc biệt là từ sau sự kiện người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (Brexit). Trái phiếu chính phủ các nước như Đức, Nhật, Mỹ tăng giá vùn vụt do nhà đầu tư lo ngại rủi ro đã liên tục mua vào, khiến lợi suất nhiều trái phiếu rơi xuống mức âm.

chung khoan Viet anh 1
Trên thị trường chứng khoán niêm yết, nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng kể từ đầu năm và bán mạnh kể từ đầu tháng 8.

 

Thị trường trái phiếu Việt Nam, vì thế, cũng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển dòng vốn này. Nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục mua ròng trái phiếu Việt Nam trên thị trường thứ cấp.

Theo số liệu của HNX, từ 1/1/2016 đến nay, tổng giá trị giao dịch mua bán trái phiếu chính phủ của nhà đầu tư nước ngoài là 77.107 tỷ đồng, chiếm 4,45% giá trị giao dịch toàn thị trường. Tính chung từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 19.277 tỷ đồng.

Một mảng nữa được hưởng lợi là các giao dịch góp vốn, mua cổ phần ngoài sàn niêm yết. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 7 tháng đầu năm 2016, có 1.284 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tỷ lệ trên 50% với tổng giá trị vốn góp là 1,512 tỷ USD.

Nếu tính cả các giao dịch góp vốn dưới tỷ lệ 50%, từ 1/7/2015 đến nay đã có 3.141 doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn là 2,948 tỷ USD.

Tuy nhiên, bức tranh đối với thị trường cổ phiếu niêm yết thì không đẹp như vậy. Nhà đầu tư nước ngoài đang rút ròng vốn khỏi các cổ phiếu trên sàn.

Cụ thể, từ đầu năm 2016 đến ngày 24/8/2016, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng hợp ở sàn HSX (cả giao dịch thỏa thuận lẫn khớp lệnh) là 2.306,6 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, tổng hợp giao dịch ròng của khối ngoại là +1.139,3 tỷ đồng. Như vậy, tổng hợp toàn bộ thị trường cổ phiếu, dòng vốn nước ngoài 8 tháng của năm nay đã chảy ra ròng 1.167,3 tỷ đồng.

Đặc biệt kể từ ngày 24/6/2016, tức là từ sự kiện Brexit xảy ra, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra trên trên sàn HSX 14.353,2 tỷ đồng giá trị cổ phiếu, mua vào 13.846,1 tỷ đồng. Giá trị giao dịch mua bán đều chiếm trên 25% tổng giá trị giao dịch 8 tháng qua.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ra với cường độ mạnh đáng chú ý chỉ trong 3 tuần trở lại đây. Từ ngày 8/8 đến nay, khối ngoại liên tục bán ròng lớn. Tổng giá trị bán ròng ở sàn HSX (tính cả thỏa thuận) lên tới 1.861,9 tỷ đồng và sàn HNX được mua ròng 63,8 tỷ đồng.

Như vậy, sự chuyển động của dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán niêm yết đang là một bức tranh hoàn toàn trái ngược.

Về tổng thể, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào Việt Nam, nhưng tập trung vào đầu tư trực tiếp nước ngoài, mua góp vốn ngoài sàn và đặc biệt là đổ vào trái phiếu chính phủ với quy mô rất lớn.

Đối với thị trường chứng khoán niêm yết, dòng vốn này đang bán ròng và liên tục bán ra với quy mô lớn kể từ đầu tháng 8.

Vợ chồng Chủ tịch Hòa Phát sắp nhận gần 2.000 tỷ đồng cổ tức

Kinh doanh phát đạt, Hòa Phát sẽ chi trả cổ tức 30%. Trong đó vợ chồng ông Trần Đình Long sẽ nhận được 356,5 tỷ đồng tiền mặt và 35,6 triệu cổ phiếu tương đương với 1.640 tỷ đồng.

http://vneconomy.vn/chung-khoan/dang-sau-con-so-von-ngoai-ky-luc-vao-chung-khoan-viet-20160825020423609.htm

Theo Khánh Hà/VnEconomy

Bạn có thể quan tâm