Doanh nghiệp tỷ USD đến từ Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ giữa tháng 5, sau khi Washington đưa Huawei vào danh sách đen. Điều này ngăn các công ty Mỹ, trong đó có Google hợp tác, mua bán với hãng điện thoại lớn nhất Trung Quốc.
Tháng 6/2019, CEO Huawei Nhậm Chính Phi cho rằng danh sách đen của Mỹ đã tác động mạnh mẽ đến công ty. Theo đó, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc có thể bị giảm 30 tỷ USD doanh thu và sẽ không có sự tăng trưởng trong năm 2019.
“Có vẻ như sự ảnh hưởng từ lệnh cấm ít hơn một chút so với những gì công ty đã dự kiến. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ công bố kết quả chính thức vào tháng 3 năm sau”, ông Eric Xu, phó chủ tịch Huawei, chia sẻ tại một cuộc họp báo giới thiệu chip AI mới tại trụ sở chính ở Thâm Quyến (Trung Quốc) ngày 23/8.
Ông Eric Xu chia sẻ tại họp báo ra mắt chip AI mới. Ảnh: Huawei. |
Ông Eric Xu cho biết khả năng công ty bị giảm doanh số khoảng 10 tỷ USD có thể xảy ra.
Theo số liệu từ hãng nghiên cứu Canalys, doanh số smartphone của Huawei tại Trung Quốc đã tăng 31% so với cùng kỳ năm 2018, dù tổng quan thị trường có dấu hiệu tăng trưởng chậm. Trong khi đó, doanh số của Apple giảm 14% trong quý II, trong khi những đối thủ khác như Oppo, Vivo và Xiaomi cũng gặp tình trạng tương tự.
“Việc Huawei bị đưa vào danh sách đen của Mỹ có thể gây ra bất ổn tại thị trường quốc tế, nhưng ở Trung Quốc điều đó chỉ càng giúp họ tăng tốc. Chiến lược cốt lõi của Huawei vẫn là thu hút người dùng từ những đối thủ như Oppo và Vivo, đồng thời mở ra trào lưu tiếp thị hỗ trợ các công nghệ mới”, Mo Jia - nhà phân tích tại Canalys cho biết.
Vào ngày 30/7, Huawei đã thông báo mức tăng doanh thu 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù phải đối mặt với rắc rối chính trị.
Với giấy phép từ Mỹ, Huawei sẽ có thêm 3 tháng để chuẩn bị kế hoạch dài hạn khi tiếp tục bị Mỹ cấm vận. Ảnh: AP. |
Ngày 19/8, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross xác nhận giấy phép tạm thời của Huawei, vốn có thời hạn đến 19/8 sẽ được gia hạn đến 19/11. Ông Ross cũng cho biết có thêm 46 chi nhánh của Huawei được bổ sung vào "danh sách đen".
Huawei đã phát triển các mẫu chip riêng bao gồm Kirin hay gần đây nhất là Ascend 910 để giảm sự phụ thuộc vào những công ty nước ngoài.
Đầu tháng 8, Huawei đã giới thiệu hệ điều hành Harmony, đóng vai trò kết nối các thiết bị, giúp đồng bộ hệ sinh thái của Huawei.
Với Harmony, định hướng tương lai của Huawei là tạo ra một hệ điều hành duy nhất dùng chung cho tất cả các thiết bị phần cứng từ smartphone đến laptop, thiết bị đeo...
Hệ điều hành HongMeng OS với tên quốc tế là HarmonyOS. |
Người đứng đầu Huawei chia sẻ, với hệ điều hành Harmony, tất cả thiết bị đều có thể sử dụng. Vì vậy, Huawei có thể rời bỏ Android bất cứ lúc nào Google không muốn hợp tác.
Hệ điều hành Harmony sẽ có mặt trên "thiết bị có màn hình thông minh" vào cuối năm nay. Dự kiến trong ba năm tới, Harmony sẽ có mặt trên tất cả thiết bị từ đồng hồ thông minh đến xe tự hành.