Ngày 18/4, Tòa án Quốc tế về Monsanto đã công bố kiến nghị tham vấn về các cáo buộc tập đoàn Monsanto (trụ sở tại St. Louis, Missouri, Mỹ) vi phạm nhân quyền và hủy hoại sinh thái.
Vi phạm nhân quyền
Trong số 6 điều khoản xem xét, Tòa án Tham vấn kết luận các hoạt động của Monsanto đã ảnh hưởng tiêu cực đến quyền của con người trong 4 lĩnh vực: quyền được có môi trường khỏe mạnh, quyền tiếp cận với thực phẩm, quyền sống khỏe mạnh và quyền tự do trong nghiên cứu khoa học.
Tòa tham vấn đồng ý với tất cả các cáo buộc đối với Monsanto trong việc vi phạm và cản trở các quyền cơ bản của con người. Ảnh: Reuters. |
Cụ thể, Tòa cho rằng Monsanto làm ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm của các cá nhân và cộng đồng, hủy hoại nguồn đất, nước và môi trường nói chung, từ đó làm sụt giảm khả năng sản xuất thực phẩm của các cộng đồng.
Sự lan rộng của các loại hạt biến đổi gen được sử dụng thuốc diệt cỏ đang làm nguy hại đến ngành nông nghiệp và lâm nghiệp. Các hoạt động này của Monsanto đã xâm phạm đến quyền được tiếp cận thực phẩm của con người.
Trong khi đó, việc sử dụng các chất nguy hiểm như polychlorinated biphenyl, chất diệt cỏ hoặc sinh vật biến đổi gen đã xâm hại đến quyền được có sức khỏe của nhiều cộng đồng, gây ra vấn đề về sức khỏe tâm sinh lý cho rất nhiều người...
Hai vấn đề xem xét còn lại là sự liên quan của Monsanto đối với chất độc Da cam do quân đội Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam và nghi vấn hủy diệt sinh thái.
Đối với vấn đề thứ nhất, Tòa cho rằng dựa trên những bằng chứng được cung cấp, Tòa không thể kết luận về khả năng Monsanto có đồng lõa trong việc gây nên tội ác chiến tranh. Dù vậy, Tòa xác nhận Monsanto đã cung cấp phương tiện cho quân đội Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, nhận thức rằng sản phẩm của họ sẽ được sử dụng tại đây cũng như các tác hại của chúng lên sức khỏe và môi trường.
Tòa cho rằng căn cứ theo Quy chế Rome của Tòa án Hình sự quốc tế, các hoạt động của Monsanto tại Việt Nam có thể xem là hành động hủy hoại môi trường.
Về việc "hủy diệt sinh thái", khái niệm này được định nghĩa là "gây ra tổn hại nghiêm trọng hoặc hủy hoại môi trường, làm biến đổi trên quy mô lớn và trong lâu dài đối với các giống loại hoặc hệ sinh thái mà một cộng đồng người đang phụ thuộc vào".
Tòa cho rằng các hành động Monsanto có thể đã cấu thành tội hủy diệt sinh thái khi đã gây ra tổn hại lớn và lâu dài đến đa dạng sinh học và hệ sinh thái, làm ảnh hưởng cuộc sống và sức khỏe của con người.
Một cuộc biểu tình chống Monsanto ở Chile năm 2015. Ảnh: AFP. |
Không có giá trị ràng buộc
Tòa án Quốc tế về Monsanto là phiên tòa tham vấn, không phải cơ quan điều tra và ý kiến tham vấn của tòa không có giá trị ràng buộc.
Đây là phiên tòa do các tổ chức xã hội dân sự khởi xướng. Tòa án Tham vấn sẽ sử dụng các phương pháp pháp lý để xem xét các vấn đề gây tranh cãi có ảnh hưởng trực tiếp đến một nhóm người cụ thể hoặc cộng đồng nói chung. Từ đó, Tòa sẽ đánh động công luận, các nhóm lợi ích và các nhà hoạch định chính sách về các hành động thiếu công bằng và không thể chấp nhận được dưới góc độ pháp lý. Nhiệm vụ khác của Tòa là thúc đẩy việc hoàn chỉnh luật pháp quốc gia và quốc tế để tương thích với tình hình.
Tòa án Quốc tế về Monsanto được thành lập nhằm khảo sát các ảnh hưởng do hoạt động của công ty Monsanto gây nên đối với các quyền cơ bản của công dân và môi trường. Từ đó, Tòa sẽ kết luận các nguyên tắc hoạt động của Monsanto đã phù hợp với luật pháp quốc tế về nhân quyền hay chưa.
Tòa cho biết họ đề nghị Monsanto gửi văn bản liên quan và tham dự phiên điều trần nhưng không nhận được phản hồi từ tập đoàn này.
Phiên tòa Quốc tế về Monsanto được mở tại The Hague (Hà Lan) và bao gồm 5 thẩm phán từ Argentina, Bỉ, Canada, Mexico và Senegal.
Phản ứng trước bản tham vấn dài 60 trang của tòa, Monsanto cho rằng phiên tòa hồi tháng 10/2016 nhằm dẫn đến tham vấn này là một vở kịch "được dàn dựng bởi một nhóm những người chống lại công nghệ nông nghiệp, chống lại Monsanto đang đóng vai các tổ chức, thẩm phán và bồi thẩm đoàn".