Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mong TP Thủ Đức có cơ hội được thử nghiệm như Dubai

"Tôi rất mong Thủ Đức có cơ hội trở thành nơi thử nghiệm trước khi trở thành nơi tạo ra những công nghệ mới vốn cần thời gian", quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng chia sẻ.

mot nam thanh lap thanh pho Thu Duc anh 1

Sốt ruột là tâm trạng chung của giới chuyên gia và cả người dân khi nhìn lại năm đầu tiên Thủ Đức lên thành phố. Chưa thấy tầm vóc mới, đi đâu cũng kẹt, chưa phát huy hết tiềm năng… là những cụm từ dễ gặp trong các nhận xét về đô thị mới này. Bên cạnh chiếc áo cơ chế vẫn chật chội cho một “thành phố trong thành phố”, diện mạo đô thị chưa có gì thay đổi cũng là lý do khiến nhiều người nóng lòng.

Nhìn lại quá trình 35 năm kể từ khi Đổi mới (1986), Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng là điển hình về phát triển đô thị thành công của TP.HCM. Năm 1990, ý tưởng đầu tiên về một khu đô thị hiện đại trên đầm lầy phía nam TP.HCM được nhen nhóm. Gần 10 năm sau, những công trình đầu tiên mới được khánh thành. Và đến nay, sau 30 năm, khu vực này mới gần hoàn thành bản quy hoạch đặt ra.

Dẫn chứng lại quá trình hình thành và phát triển của Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng, đồng sáng lập, Tổng giám đốc Công ty enCity (Singapore), nhấn mạnh phát triển đô thị là một quá trình mất rất nhiều năm, do đó, không thể kỳ vọng TP Thủ Đức “lột xác” sau một đêm.

Nhiều nhiệm kỳ

- Nhìn lại những kết quả sau năm đầu tiên TP Thủ Đức thành lập, không ít người bày tỏ sự sốt ruột, thậm chí cho rằng thành phố mới có xu hướng nhạt nhòa. Hạ tầng chưa có gì thay đổi, 8 khu chức năng trọng điểm vẫn chỉ là ý tưởng quy hoạch. Ông nhìn nhận thế nào về quan điểm này?

mot nam thanh lap thanh pho Thu Duc anh 2

Quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng, đồng sáng lập, Tổng giám đốc Công ty enCity. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

- Đánh giá như vậy thì không công bằng với những gì TP.HCM và TP Thủ Đức đã trải qua. Bởi, 2021 là năm khó khăn do đại dịch Covid-19 làm chậm rất nhiều kế hoạch.

Ngoài ra, đánh giá tổng thể một đô thị không thể qua diễn tiến của một năm, như vậy rất giới hạn. Phát triển đô thị là một tiến trình kéo dài, cần rất nhiều sự kiên nhẫn. Một tòa nhà có thể được xây dựng trong một đến hai năm, nhưng một thành phố thì cần một thế hệ. Thành phố mới thành lập, bắt tay vào bộn bề công việc thì không thể là đánh giá trong vòng một năm mà ít nhất phải 5-10 năm.

Thành phố cũng giống như một cái cây, chăm bón mỗi ngày nhưng phải sau một thời gian mới thấy lớn hơn, tươi tốt hơn. Với đô thị, độ trễ giữa tác động và kết quả thường là 2-5 năm. Sự thay đổi về môi trường và hạ tầng đô thị thậm chí có thể cần nhiều thời gian hơn.

Ví dụ, nếu muốn giảm tình trạng ngập lụt và kẹt xe thì cần nghiên cứu, lập quy hoạch, lập dự án, xây dựng công trình mới dẫn đến kết quả. Do đó, phát triển đô thị luôn là nỗ lực và thành quả của nhiều nhiệm kỳ.

- Cần kiên nhẫn và điều quan trọng là không thay đổi quy hoạch giữa các nhiệm kỳ, có đúng như thế không, thưa ông?

- Việc đó còn tùy. Nếu quy hoạch tốt và phù hợp với bối cảnh thì cố gắng ổn định, nhưng quy hoạch dở và bối cảnh hoàn toàn mới như đợt dịch bệnh vừa rồi thì có khi nên thay đổi.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng quy hoạch theo nghĩa là một sản phẩm - một bản quy hoạch, thì nên chắc chắn và ổn định, bởi đó là sự cam kết của chính quyền với người dân và nhà đầu tư. Nhưng quy hoạch theo nghĩa là một công việc chuyên môn nhằm chuẩn bị cho tương lai thì cần linh hoạt, liên tục đổi mới và thức thời.

Với góc nhìn này, bản quy hoạch tạo dựng bộ khung cho sự phát triển, kết hợp giữa một tầm nhìn xa và tính thực tiễn cao để làm cho một đô thị đáng sống hơn, bền vững hơn và cạnh tranh hơn. Nhưng hành động cụ thể để hiện thực hóa quy hoạch đó nên linh hoạt trong từng thời kỳ.

Chậm có thể mất cơ hội

- Liên danh enCity và Sasaki đạt giải nhất cho ý tưởng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM từ 2019. Nhưng sau 2 năm thì quy hoạch chung TP Thủ Đức vẫn chưa thể ra đời. Như vậy có phải là lâu không và ông có lo ngại thời gian chờ triển khai quá dài sẽ tạo nên khoảng cách giữa ý tưởng và thực tế?

- Quy hoạch là vấn đề dài hạn nên từ ý tưởng quy hoạch đến thực tế mất một vài năm là bình thường. Một đồ án làm nhanh nhất cũng mất 2 năm để trải qua tất cả giai đoạn: Chuẩn bị, nghiên cứu, tham vấn cộng đồng và phê duyệt.

Ở nhiều nước, quá trình quy hoạch mất 5 năm là chuyện bình thường. Sự khác biệt là ở nước phát triển, quy hoạch là tiến trình liên tục, còn Việt Nam thì quy hoạch vẫn là sản phẩm pháp lý mà rất nhiều dự án đầu tư chờ đợi, phù thuộc vào nó.

Việc chậm trễ quy hoạch có thể làm mất đi một số cơ hội cho TP Thủ Đức

Ông Nguyễn Đỗ Dũng

Tôi không cho rằng 1-2 năm ảnh hưởng đến độ chênh giữa ý tưởng và thực tế vì thực tế chỉ thay đổi ở cấp độ vi mô, còn tiềm năng và mục tiêu về phát triển một đô thị sáng tạo tương tác cao vẫn là đặc trưng của Thủ Đức và xu thế chung trên thế giới.

Tôi cũng không lo ý tưởng đó lạc hậu hay lỗi thời bởi quy hoạch là cái khung để phát triển và khung sẽ có tính linh hoạt, độ mở nhất định. Tôi chỉ lo thời gian triển khai quá lâu có thể làm mất đi một số cơ hội phát triển.

Bởi lẽ, hoạt động đầu tư, nghiên cứu phát triển hay đơn giản là nhu cầu có môi trường sống vẫn luôn tồn tại. Trong một thế giới phẳng và cạnh tranh, doanh nghiệp và nhân tài có thể đến bất cứ nơi đâu trên thế giới, miễn là điều kiện cho họ phát triển có sẵn.

Nghĩa là cùng thời điểm, nhà đầu tư có thể chọn nhiều nơi khác nhau như TP.HCM, Bangkok, Singapore hay Kuala Lumpur. Khi nào chúng ta sẽ sẵn sàng đón họ? Đó là chuyện đáng lo hơn ý tưởng lạc hậu.

mot nam thanh lap thanh pho Thu Duc anh 3

Khu Công nghệ cao TP.HCM là một trong 8 trọng điểm sáng tạo tại TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Danh.

- Nhưng đại dịch vừa qua có ảnh hưởng đến tư duy về quy hoạch, dẫn đến phải thay đổi ý tưởng ban đầu về Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM không?

- Sau đại dịch, tôi thấy nổi lên 2 tư duy quan trọng.

Thứ nhất là tư duy tích hợp. Chúng ta thấy ngay là các khu vực đơn năng quy mô lớn, tức chỉ có một chức năng là sản xuất hay giáo dục chẳng hạn, thì khi đại dịch diễn ra, rất dễ đứt gãy chuỗi sản xuất hay mô hình vận hành truyền thống. Những giải pháp như “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” đều tốn kém.

Bài toán này có thể giải quyết bằng cách quy hoạch sao cho trong khu làm việc có không gian sinh sống, tiện ích tại chỗ. Làm sao có nhiều đô thị 10 phút, 15 phút, 20 phút - tức là tất cả mọi tiện ích và việc làm đều trong bán kính đi bộ. Như vậy, chúng ta có thể cách ly từng khu vực mà vẫn đảm bảo chất lượng sống cho người dân và hoạt động cho doanh nghiệp.

Đó chính là tư duy của đô thị sáng tạo vì sáng tạo dựa trên khả năng tương tác, tích hợp giữa các loại hình hoạt động khác nhau - từ nghiên cứu, đào tạo đến sản xuất công nghệ cao và bán sản phẩm tại cùng một khu vực. Con người tham gia vào kinh tế sáng tạo có thể ở trong chính khu vực đó.

mot nam thanh lap thanh pho Thu Duc anh 4

Khu tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, nhiều năm nay không có người ở. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tư duy thứ 2 là dịch bệnh không bùng phát mạnh ở nơi có mật độ dân số cao, mà ở nơi diện tích sinh sống nhỏ nhất trong từng không gian ở cụ thể.

Chúng tôi nghiên cứu rất kỹ bản đồ dịch của TP.HCM và thấy rõ rằng những khu vực có nhiều người lao động nhập cư, thu nhập thấp sinh sống trong khu nhà trọ chật hẹp thường có tỷ lệ lây nhiễm cao.

Dịch bệnh không bùng phát mạnh ở nơi có mật độ dân số cao, mà ở nơi diện tích sinh sống nhỏ nhất

Ông Nguyễn Đỗ Dũng

Điều này dẫn đến việc phải nghiên cứu nhà ở cho các nhóm đối tượng khác nhau. TP.HCM từng đề cập đến một triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân lao động. Điều này lại quay trở lại câu chuyện tích hợp. Trong khu làm việc, khu sản xuất phải có nhà ở và tiện ích cần thiết.

Đó đều là hai tư duy gắn với mô hình của đô thị sáng tạo và tương tác cao. Rủi ro về dịch bệnh sẽ rất thấp, bởi đây là tương tác cao trong một khu vực khép kín chứ không phải di chuyển giữa nhiều khu vực với nhau.

Có thể trở thành đô thị thử nghiệm

- TP Thủ Đức đang xây dựng cơ chế đặc thù để đề xuất lên Quốc hội nhằm có một “tấm áo chính sách” phù hợp hơn với mô hình thành phố trong thành phố. Ông cho rằng cơ chế mới này cần đáp ứng điều kiện gì?

- Rõ ràng, chuyện rất quan trọng là muốn làm khu đô thị sáng tạo tương tác cao thì phải có hành lang pháp lý mở và linh hoạt. Ta muốn làm đô thị sáng tạo tương tác cao thì phải có pháp lý cho sự sáng tạo, tức là ít quản lý nhất và trao cơ hội sáng tạo cho cộng đồng và thị trường. Trong khi đó, thực tế là hệ thống pháp lý ở Việt Nam vẫn đang thiên về "quản".

Chúng ta phải cạnh tranh với những đô thị khác trên thế giới trong khi chưa được biết đến như một trung tâm của kinh tế tri thức. Khi các đô thị hướng đến mô hình sáng tạo, họ đều điều chỉnh pháp lý để cho phép giải pháp mới, công nghệ mới và mô hình mới mà bình thường không làm được.

mot nam thanh lap thanh pho Thu Duc anh 5

Chuyên gia kỳ vọng TP Thủ Đức có thể trở thành nơi thử nghiệm các ý tưởng mới. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ví dụ như Dubai có rất nhiều khu kinh tế tự do, trong đó, chính quyền cho phép thử nghiệm công nghệ mới như taxi bay, xe tự lái, tiền số.

Muốn làm đô thị sáng tạo tương tác cao thì phải có pháp lý cho sự sáng tạo

Ông Nguyễn Đỗ Dũng

Hay như ngay trong lòng nước Mỹ, California là bang dẫn đầu về công nghệ nhưng nơi đây không cho thử nghiệm xe tự hành trên đường phố. Còn bang Arizona giáp ranh lại cho phép việc này nhằm thu hút doanh nghiệp. Nhiều hãng công nghệ ở California đã đưa xe tự hành sang Arizona để thử nghiệm, cùng với đó là chuyên gia, thiết bị và tiền đầu tư vào hạ tầng.

Tôi rất mong Thủ Đức có thể có cơ hội như vậy, trở thành nơi thử nghiệm công nghệ trước khi trở thành nơi tạo ra những công nghệ mới vốn cần thời gian.

Tôi cho rằng điều cốt lõi của mô hình “thành phố trong thành phố” trong trường hợp Thủ Đức là một cơ chế ra quyết định mang tính linh hoạt cho thành phố và bị giới hạn ít nhất bởi quy định ở cấp cao hơn, giúp đô thị này thoát khỏi cái áo chật của pháp lý để phát triển như kỳ vọng mà cả TP.HCM và Trung ương đã đặt ra. Có như vậy chúng ta mới có thể xây dựng thành công một thành phố sáng tạo trong một quốc gia mà nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc vào sản xuất thâm dụng lao động.

Tiếng thở dài của người dân Thủ Đức sau một năm lên thành phố

Chị Hương bốn lần lên trụ sở công quyền để nhận sổ hồng nhưng suốt 8 tuần vẫn chỉ nhận một chữ “chờ”. Người dân Thủ Đức mệt mỏi khi làm thủ tục hành chính ở thành phố mới.

TP Thủ Đức thế nào sau một năm thành lập?

2021 là "năm bản lề" đầy khó khăn với TP Thủ Đức khi chỉ có 3 tháng tương đối ổn định để phát triển. Chuyên gia cho rằng thành phố mới này cần thời gian để thay đổi thật sự.

Thế kẹt của TP Thủ Đức

TP Thủ Đức đang mắc kẹt khi chỉ có không gian pháp lý của một “siêu quận”, nhưng lại gánh vác kỳ vọng của mô hình thành phố thuộc thành phố đầu tiên tại Việt Nam.

Thu Hằng

Bình luận

Bạn có thể quan tâm