Chiều 28/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp tục bàn về các giải pháp cấp bách để giải quyết tình trạng giá thịt lợn xuống thấp kỷ lục, kéo theo nhiều hệ lụy cho người nông dân. Trong buổi sáng, lãnh đạo Bộ cũng làm việc với các doanh nghiệp lớn tại TP.HCM để tính chuyện cấp đông dự trữ thịt, tăng cường đầu ra.
Huy động các bộ ngành cùng tham gia cứu chăn nuôi
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết chưa bao giờ heo lại rẻ và kéo dài như hiện nay. Giá hơi hơi chỉ khoảng 20.000-30.000 đồng/kg. Lượng heo đến ngày xuất chuồng đang rất lớn, cần có những giải pháp ngắn hạn, cấp bách tiêu thụ, song song với các giải pháp lâu dài.
Bộ trưởng mong muốn các bộ ngành như Công an, Quân đội, Công Thương cùng các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ chung tay “giải cứu”.
Sản lượng thịt lợn tăng vọt trong 15 năm qua. Đồ họa: Hiếu Công.
|
Thiếu tướng Phan Bá Dân - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng, cho biết rất ủng hộ những giải pháp của Bộ Nông nghiệp. Bộ Quốc phòng đang xin ý kiến về việc tăng cường thịt heo trong bữa ăn của quân nhân trên cả nước. Số lượng tiêu thụ có thể lên đến hàng nghìn tấn từ giờ đến cuối năm.
Thiếu tướng Dân hy vọng đây sẽ là một trong những biện pháp để quân đội chung tay giúp sức nông dân trong thời điểm khó khăn.
Thiếu tướng Bùi Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an, cũng cam kết sẽ giúp nông dân tiêu thụ hàng nghìn tấn thịt heo từ giờ đến cuối năm trong bếp ăn của các lực lượng trên cả nước.
Bộ Công an đã thành lập ban chỉ đạo hỗ trợ “giải cứu” thịt heo cùng Bộ NN&PTNT. Ban chỉ đạo sẽ xây dựng chỉ tiêu rõ ràng để các đơn vị trong toàn ngành hỗ trợ người nông dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết sẽ sát cánh cùng ngành nông nghiệp, đặc biệt là người chăn nuôi.
Ông Tuấn cho biết Trung ương Đoàn đang kết nối với Hiệp hội doanh nhân trẻ Việt Nam để đưa thịt heo vào bếp ăn của các doanh nghiệp thành viên, vì hiệp hội này là tập hợp của 225 doanh nghiệp với khoảng 120.000 công nhân. Ông Tuấn tính nếu mỗi công nhân sử dụng 0,5 kg thịt/ngày thì có thể tiêu thụ 60 tấn. Đây là con số rất ý nghĩa với những người chăn nuôi hiện nay.
Trung ương đoàn sẽ xây dựng kế hoạch để kêu gọi đoàn viên, thanh niên trong cả nước tích cực tham gia vào cuộc, tiếp nối các cuộc “giải cứu” trước đây như dưa hấu, chuối…
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng mong người tiêu dùng sẽ ưu tiên dùng thịt heo, chung ta cùng ngành nông nghiệp để sớm đưa ngành chăn nuôi này phục hồi.
Mượn kho cấp đông thịt
Đoàn công tác của Bộ do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu trong buổi sáng cũng đã làm việc và khảo sát nhà máy giết mổ, chế biến của hai công ty lớn nhất TP.HCM trong lĩnh vực chăn nuôi, là Vissan và Sagri (Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn), tìm giải pháp gỡ khó cho người nuôi heo.
Theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM phải liên kết, mượn kho lạnh của các đơn vị khác để tăng cường cấp đông thịt, giải cứu đàn heo của nông dân. Ảnh: Ngọc An. |
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Vissan, cho biết hiện công ty giết mổ 1.500 con heo/ngày để cung cấp cho thị trường thành phố. Ngoài ra, mỗi ngày công ty cũng cung cấp 60-80 tấn thực phẩm chế biến từ thịt heo ra thị trường.
Từ tháng 8/2016 đến nay, đơn vị này đã giảm 4 lần giá thịt heo đầu ra. Mức giảm thịt bán lẻ mới nhất là 5.000 đồng/kg áp dụng vào 26/4.
Theo ông An, Vissan cũng như các đơn vị khác đang tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM, giá thịt heo bán ra trên thị trường thành phố 72.000-77.500 đồng/kg tùy loại. Với giá bán này, công ty đã phải giảm lợi nhuận rất lớn. Mức lợi nhuận mỗi tháng của doanh nghiệp chỉ còn 3,3%.
Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, vì các phần thịt ngon của con heo có thể tiêu thụ ổn định, nhưng sản phẩm phụ phẩm, nội tạng heo tăng lên khiến công ty khó tiêu thụ.
Những ngày gần đây, công ty phải cho công nhân các sản phẩm nội tạng, vì không tiêu thụ hết.
“Hiện nay kho lạnh của Vissan đang tồn khoảng 1.000 tấn nạc heo. Do năng lực kho lạnh hạn chế nên công ty chỉ cấp đông thêm khoảng 100 con/ngày để góp phần giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi.
Đến khoảng tháng 5/2017, sau khi tăng được năng lực cấp đông, Vissan dự kiến cấp đông thêm 100 con/ngày nữa, lên thành 300 con/ngày”, ông An thông tin.
Giá thành heo hơi đang ở mức 38.000 đồng/kg, trong khi gia heo hơi cao nhất được doanh nghiệp tại TP.HCM thu mua chỉ 27.000 đồng/kg. Ảnh: N. Hữu |
Đại diện Sagri cũng cho biết doanh nghiệp đang lỗ vì giá heo xuống thấp, do đơn vị tự nuôi heo và giết mổ, chế biến lẫn tiêu thụ.
Theo lãnh đạo công này, giá thành nuôi heo hiện là 38.000 đồng/kg, nhưng công ty thu mua từ trại chỉ 27.000 đồng/kg. Mức này dù cao hơn thị trường nhưng so với giá thành là lỗ nặng với mức lỗ trên 10.000 đồng/kg.
Công ty đang bán thịt ra thị trường tại các cửa hàng lẫn siêu thị liên kết với giá của chương trình bình ổn thị trường TP.HCM, tương đương với Vissan.
“Mỗi ngày công ty xuất chuồng 200 con heo, tiêu thụ được khoảng 110 con, còn 90 con đem vào cấp đông. Kho của công ty đã đầy công suất 1.600 con heo cấp đông. Vì kho phải thuê, tính ra chi phí cấp đông 'ăn' vào giá thịt khoảng 7.000 đồng/kg", lãnh đạo Sagri nói.
Doanh nghiệp cho biết khả năng đến cuối năm 2017, công ty mới có thể tăng năng lực cấp đông thêm 100 con/ngày, đưa năng lực cấp đông của công ty lên 2.000 con heo.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu các doanh nghiệp tìm cách tăng năng lực cấp đông ngay thời điểm này, không thể chờ tháng nữa hay đến hết năm. Vì chờ thì ngành chăn nuôi phá sản, không còn để giải cứu.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, các doanh nghiệp cần liên kết, thậm chí kiến nghị TP.HCM hỗ trợ phối hợp với các đơn vị chế biến thực phẩm, thủy sản có kho cấp đông để cùng tham gia tăng mua cấp đông thịt. Bộ sẽ hỗ trợ chuyên gia, kỹ thuật về cấp đông hướng dẫn doanh nghiệp làm đúng tiêu chuẩn, chất lượng tốt nhất.