Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết nhiều địa phương, hiệp hội, cơ quan Quốc hội… đang đề nghị bổ sung quy hoạch các dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió, điện khí hóa lỏng (LNGs) vào quy hoạch điện.
Ông nhấn mạnh theo quy hoạch điện VII và quy hoạch điện VIII mà Bộ Công Thương đang xây dựng, tổng công suất năm 2020 là 60.000 MW, năm 2025 là 116.000 MW và năm 2030 là 160.000 MW.
Phó thủ tướng cho rằng cơ cấu điện phải đảm bảo an toàn hệ thống vận hành và hiệu quả, nên không thể tăng quy hoạch đột ngột lớn được. “Các địa phương phải hết sức thông cảm”, Phó thủ tướng nói.
Một dự án điện gió ở Ninh Thuận. Ảnh: Anh Nguyễn. |
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục rà soát tiếp tục bổ sung thêm một số ít dự án nữa. Trong khi đó, các dự án điện gió, điện mặt trời công suất lớn nhưng số giờ sử dụng thấp.
Ông nhấn mạnh các dự án điện khí hóa lỏng không thể làm thừa. Nhu cầu điện khí đang thấp hơn nhiều khả năng đầu tư của các địa phương đề nghị đầu tư (gần 100.000 MW). Do đó, ông nhấn mạnh Bộ Công Thương phải sớm có quy hoạch điện khí hóa lỏng, quy hoạch mạng lưới phân phối khí.
Phát biểu thêm, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Thủ tướng chỉ đạo xử lý kịp thời hoàn thiện tổng sơ đồ VIII, dự kiến tháng 10 sẽ hoàn thành. Vì vậy, ông đề nghị các địa phương nghiên cứu kỹ, có đề xuất dự án phù hợp điều kiện thực tế địa phương, để Bộ có cơ sở thẩm định báo cáo Thủ tướng.
Hiện tại, nhiều địa phương đang đề xuất nhiều dự án điện gió vào quy hoạch.
UBND tỉnh Cà Mau đề xuất 2 dự án nhà máy điện gió Khánh Tiến (tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh) và nhà máy điện Cà Mau 3 (tại Khu công nghiệp Khánh An, huyện U Minh) vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Hà Tĩnh đề xuất Chính phủ bổ sung quy hoạch 4 nhà máy điện gió hơn 16.200 tỷ đồng, công suất 403,2 MW vào quy hoạch điện VII. Bạc Liêu cũng đề xuất bổ sung 470 MW điện gió
Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 15/3, Bộ nhận được đề xuất của các địa phương đề nghị bổ sung quy hoạch gần 250 dự án điện gió. Trong đó, khu vực Bắc Trung Bộ có 3 địa phương (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) đề nghị bổ sung 51 dự án, tổng công suất 2.919 MW.
Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có 4 địa phương (Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận) đề nghị bổ sung 10 dự án, tổng công suất 4.193 MW. Khu vực Tây Nguyên có 5 địa phương (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) đề nghị bổ sung 91 dự án, tổng công suất là 11.734 MW.
Khu vực Đông Nam Bộ có một địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung 2 dự án, tổng công suất 602,6 MW. Khu vực Tây Nam Bộ có 7 địa phương (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) đề nghị bổ sung 94 dự án, tổng công suất 25.541 MW.