Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Môn học và sự tỉ mỉ của việc bào chế thuốc

Nhắc đến Dược học, người ta thường nghĩ ngay về bào chế thuốc, trình dược viên hay những công việc cần chuyên môn về Hóa học nói chung.

Hóa học đem lại những thứ ta không nhìn thấy, nhiều khi khiến người ta hồ nghi vì không kiểm chứng được, như cấu tạo của thủy tinh chẳng hạn.

Trong khi Vật lý lại rất rõ ràng, học về cơ học, lý thuyết ta được biết ôtô chuyển động là nhờ động cơ, mình có thể thấy cái xe đó chuyển động ngoài đường thật nên rất dễ hình dung, thành ra kiến thức cơ bản cấp ba cũng có thể liên hệ với những lí thuyết của các nhà vật lý vĩ đại.

Còn dạng bài tập Hóa học thời phổ thông như cho chất A phản ứng với chất B tạo ra chất C, đem chất C đi cân được một khối lượng nhất định nhưng mình không thể tưởng tượng được chất C đó to bé ra sao mà chỉ được biết đó là một dung dịch có kết tủa màu trắng hay màu gì đó, mình không thể thấy các phân tử ấy là CxHyOz hay có hình dạng cụ thể như nào.

Trải qua hành trình phân tích kiên nhẫn, ta mới thấy chất đó là gồm nhiều phân tử thế này thế kia và cảm thấy nó thật khó hiểu.

Hồi cấp ba, tôi thích Lý và thích luôn cả tư duy của những người học bộ môn này. Vài bạn nữ học cùng lớp với tôi (mấy bạn này giỏi Vật lý lắm nhé), khi giao tiếp có tư duy rất mạch lạc, rõ ràng dứt khoát và có cá tính riêng. Còn những bạn học chuyên Hóa học thì chẳng hiểu sao tôi thấy có phần… hơi chậm và cái gì cũng rất cẩn thận, chuẩn chỉnh từng li từng tí.

Hóa học là thứ xuyên suốt trong quá trình học của sinh viên trường Dược, các môn liên quan đến Hóa chiếm tới hơn 20% tổng số môn trong chương trình đào tạo. Tôi cũng vừa kể về mấy bạn học Hóa, họ thích sự “bình tĩnh”, sự “bình tĩnh” ấy dường như đã trở thành phẩm chất riêng của sinh viên Dược học.

Có thể sự bình tĩnh đến mức chậm chạp này không được nhiều bạn trẻ cho là tác phong nên có nhưng nó thực sự cần thiết đối với sinh viên ngành Dược như chúng tôi.

Thử hình dung nhé, giả sử trong quá trình bào chế thuốc bạn vội vàng tính toán rồi gây ra sai sót trong liều lượng thành phần, dù chỉ là đơn vị rất nhỏ như mg chẳng hạn, cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường, thậm chí là thiệt hại về sức khỏe, tính mạng con người.

Nhiều bạn có thể nghĩ, tại sao phải học những môn như Lý với Hoá ở trường phổ thông đúng không? Chúng đâu có liên quan gì đến chương trình mình theo đuổi. Tôi đã nhận ra rằng chúng rất liên quan, ví dụ như mặc dù học dược nhưng tôi vẫn phải giỏi cả Lý nữa, vì môn Lý trong ngành dược rất khác so với Lý phổ thông:

Vào một ngày đi học như bao ngày khác, mọi thứ có lẽ vẫn sẽ diễn ra bình thường nếu như tôi không vướng phải tiết thí nghiệm mình không quen tay. Đó là một buổi thực hành Vật lý vào năm nhất của tôi, ngỡ ngàng vì vừa mới vào trường mà tôi đã được môn khoa học cơ bản này dạy thêm cho một bài học khiến mình khắc cốt ghi tâm trong suốt quãng thời gian làm nghề nghiên cứu Dược học sau này.

Bài tập năm đó của thầy không quá khó nhưng vì chủ quan, không cẩn thận nên tôi đã nhận về một điểm số không mong muốn.

Đề bài: Cho 1 gói bột (chưa biết trọng lượng). Những quả cân với khối lượng khác nhau. Yêu cầu: Xác định khối lượng gói bột. Sắp xếp các quả cân tỷ lệ với gói bột bằng cân đĩa.

Bạn có tin đó là một bài tập cho sinh viên năm nhất ngành Dược không? Hôm đó, tôi nhận về điểm 4, điểm số thấp nhất trong bảng điểm của tôi suốt năm năm đại học.

Và tôi đã phải làm đi làm lại nhiều lần bài tập đó cho tới khi có kết quả đúng nhất. Bạn hãy thử hình dung những sai sót lặp đi lặp như thế ở thực tế thì điều gì khủng khiếp sẽ đến? Giống như bạn uống thuốc không đủ liều thì không khỏi bệnh, nhưng uống quá liều có thể còn nguy hiểm hơn…

Cân đĩa vốn rất nhạy, lại chính xác đến đơn vị mg hoặc nhỏ hơn nên thường được dùng để cân đong đo đếm liều lượng thành phần thuốc trong ngành Dược học. Bài tập đó của thầy yêu cầu chúng tôi phải xác định khối lượng của gói bột đó bằng cân đĩa, với yêu cầu không được sai lệch quá một mức quy định tối thiểu, nếu không sẽ phải làm lại.

Thực ra cân chỉ là một thao tác nhỏ, yếu tố chính là bài tập đó rèn cho một dược sĩ về tư duy làm nghề, cho anh ta biết giải quyết công việc một cách cẩn thận, tỉ mỉ, hạn chế sự chênh lệch bởi vì khối lượng chỉ được phép sai lệch có giới hạn, ví dụ gói thuốc này quy định liều lượng như vậy thì trong quá trình sản xuất phải làm đúng như thế.

Sau này, khi đã trở thành một giảng viên đại học, tôi cũng thường hay nhắc đi nhắc lại với sinh viên của mình về đức tính tỉ mỉ và cẩn thận ấy. Tôi nói, tôi cũng từng rất ghét Hoá học vì sự tỉ mỉ và đôi lúc hơi chậm chạp của nó, cho đến khi nhận ra được rằng chỉ cần một sai sót rất nhỏ cũng có thể khiến cho viên thuốc sản xuất ra gây nguy hiểm cho người bệnh.

Trần Trọng Biên / Tri thức Trẻ Books / NXB Thanh niên

SÁCH HAY