Định nghĩa “bảo mật hệ thống thông tin là tập hợp các kỹ thuật, dịch vụ, cơ chế và ứng dụng phụ trợ nhằm triển khai hệ thống thông tin an toàn” khá khó hiểu đối với những người không chuyên về kỹ thuật. Để giúp người dùng dễ dàng hiểu và thực hành về an toàn bảo mật, MoMo hợp tác Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) khởi xướng dự án “Cùng học an toàn bảo mật với MoMo”.
Xóa bỏ định kiến an toàn bảo mật thuần kỹ thuật và khó nhớ
Dự án sử dụng chuỗi video ngắn để mô phỏng kiến thức về cách bảo vệ thông tin trên không gian mạng, thông qua các tình huống thú vị trong thực tế. Nội dung của video bao gồm hướng dẫn về bảo mật từ việc tạo và quản lý mật khẩu, sử dụng OTP, đến cách nhận biết, cảnh giác trước các liên kết lạ, yêu cầu chuyển tiền, tầm quan trọng của xác thực sinh trắc học...
Video ngắn của MoMo đưa ra bí kíp về việc đặt mật khẩu mạnh. Ảnh cắt từ video. |
Mở đầu là bài học về mật khẩu. Chuyên gia MoMo ví von mật khẩu “12345” như cánh cổng được khóa lỏng lẻo, ai mở cũng được. MoMo đề xuất thêm nhiều emoji mặt cười làm cho mật khẩu mạnh hơn. Lặp lại nhiều lần một mật khẩu yếu cũng là cách làm mật khẩu khó bị hack hơn.
Minh Hiền, sinh viên tại TP.HCM, chia sẻ: “Trước giờ, mình thường chọn ngày sinh nhật hoặc các số cuối điện thoại làm password cho dễ nhớ. Tuy nhiên, sau khi xem video ngắn của MoMo, mình đã nắm được bí kíp mới. Những video của MoMo vừa mang tính giáo dục, vừa có tính giải trí, mình xem đi xem lại cũng thấy vui”.
Minh Hiền còn nhắc lại cách MoMo dí dỏm so sánh việc đặt mật khẩu mạnh, như "Yeuem1!" mất 10 tiếng để hack nhưng khi nhân ba lần thành "Yeuem1!Yeuem1!Yeuem1!" thì mất tới 539 nghìn tỷ năm để hack.
Cách truyền tải thông điệp dễ thương, dễ hiểu, dễ nhớ
Thời lượng của các hướng dẫn ngắn vài chục giây - bằng một quảng cáo của nhiều thương hiệu - thể hiện với hình thức, ngôn ngữ sáng tạo, gần gũi và “bắt trend” thay vì chỉ cung cấp kiến thức bài vở, khô cứng. Chính vì thế, các video đều đạt tỷ lệ view cao và được nhiều người chia sẻ. Điển hình như, sau 12 ngày đăng tải, video Cách nhận biết đường link đáng ngờ đạt 625.000 lượt view, video Cách tạo mật khẩu mạnh nhưng vẫn dễ nhớ thu hút 797.000 lượt view.
Video của MoMo ngắn như mẫu quảng cáo giúp truyền tải kiến thức về an toàn bảo mật cho người dùng. Ảnh: MoMo. |
Trong bài học Cách nhận biết đường link đáng ngờ, MoMo đặt ra tình huống người dùng nhận tin nhắn báo có một thiết bị lạ đang đăng nhập vào tài khoản và nếu không phải chính chủ hãy bấm vào link gửi kèm. MoMo cho rằng, để bảo vệ tài sản của mình trên không gian số, người dùng không bao giờ nhấn vào link lạ hoặc link báo trúng thưởng trong tin nhắn viết sai chính tả.
Tương tự, trong bài học Cách bảo vệ tài sản bằng Sinh trắc học, video mở đầu bằng “Cóc, cóc, cóc. Ai gọi đó? Tôi là thỏ. Cho xem tai. Ủa, nhưng cái tai nào mới là cái tai đúng?”. Theo MoMo, sinh trắc học xưa nay vẫn là hình thức xác nhận danh tính hiệu quả. Việc quét sinh trắc học khuôn mặt có thể giúp MoMo biết bạn là thỏ trắng hay thỏ đen để mở cửa cho vào. Xem tới đây, người dùng MoMo dễ dàng hiểu được tầm quan trọng của xác thực sinh trắc học trong việc giữ an toàn bảo mật khi thực hiện các giao dịch trực tuyến.
Bài học của MoMo gần gũi, dễ nhớ. Ảnh cắt từ video. |
Thanh Ngọc - nhân viên thu ngân ở Circle K, quận 7, TP.HCM - chia sẻ: “Lúc xem video này, mình và đồng nghiệp cùng cười vì nội dung quá dễ thương. Xong hai đứa liền nhắc nhau thực hiện sinh trắc học để MoMo còn biết ai là ‘thỏ trắng’, ai là ‘thỏ đen’, từ nay mọi giao dịch được bảo mật tốt hơn”.
Ngọc cho biết thêm: “Mình từng nghe mọi người nói về sinh trắc học, xác thực khuôn mặt nhưng nghe xong để đó. Giờ xem video trực quan sinh động quá, mình làm theo liền”.
Cuối cùng, MoMo nhắc nhớ người dùng cẩn thận với những yêu cầu chuyển khoản của người đã lâu không liên lạc. Tình huống trong video đặt ra là một chị bạn lâu ngày không liên lạc bỗng nhờ chuyển gấp 10 triệu đồng để đóng tiền viện phí cho người con trai bị tai nạn. Theo MoMo, những tình huống như thế này khả năng cao là lừa đảo.
Độc giả xem thêm chuỗi video “Cùng học an toàn bảo mật với MoMo” tại đây.