Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mối tương quan giữa ma thuật và khoa học

Ma thuật cũng giống khoa học ở chỗ nó luôn luôn có một mục đích nhất định, gắn liền với bản năng, nhu cầu và mục đích của con người.

Ảnh minh họa: Quora.

Nghệ thuật ma thuật được hướng đến những mục đích cụ thể này. Lý thuyết và hệ thống nguyên tắc chỉ ra thái độ để hoạt động mà ma thuật phải tuân theo nhằm làm cho ma thuật có hiệu quả. Bằng việc phân tích bùa chú, nghi lễ và bản chất của ma thuật, chúng ta phát hiện ra rằng có một số nguyên tắc chung chi phối chúng.

Cả ma thuật và khoa học đều phát triển một phương pháp đặc biệt. Trên thực tế, trong ma thuật, sự cân bằng về số lượng giữa ma thuật trắng và ma thuật đen có vẻ chính xác hơn rất nhiều, và ảnh hưởng của phép phù thủy có thể bị loại trừ một cách hoàn toàn triệt để bằng phép phản phù thủy hơn là bất kỳ một loại hình nghệ thuật hay công nghệ nào khác. Bởi thế, cả khoa học và ma thuật đều có những sự giống nhau nhất định, và đồng ý với ngài James Frazer, chúng ta có thể gọi ma thuật là “giả khoa học”.

Đặc tính của giả khoa học không xác thực này, không khó để có thể nhận ra. Khoa học, thậm chí khi được tạo ra bởi kiến thức nguyên thủy của người mông muội, dựa trên những kinh nghiệm phổ biến bình thường của cuộc sống hàng ngày, những kinh nghiệm được thu thập trong quá trình đấu tranh của con người với thiên nhiên để tồn tại, được xây dựng bởi sự quan sát và được cố định bởi lý trí.

Ma thuật dựa trên kinh nghiệm cụ thể của những trạng thái tinh thần mà trong đó, sự thật được bộc lộ không chỉ bằng lý trí mà còn bằng hoạt động của tình cảm. Khoa học được xây dựng trên lòng tin vững chắc rằng kinh nghiệm, nỗ lực và lý trí là có giá trị.

Ma thuật được thiết lập với niềm tin rằng hy vọng không thể thất bại và lòng ham muốn không thể lừa dối. Những lý thuyết của kiến thức được chỉ đạo bởi logic. Còn lý thuyết của ma thuật được chỉ đạo bởi một liên kết các ý tưởng dưới sự ảnh hưởng của lòng ham muốn.

Trên thực tế dựa vào thực nghiệm, con người của kiến thức lý trí và con người của kiến thức ma thuật được gộp lại trong mỗi truyền thống khác nhau, trong những bối cảnh xã hội khác nhau và với những dạng hành động khác nhau.

Tất cả sự khác nhau này được người mông muội công nhận. Một cái tạo ra phạm trù trần tục, cái kia bị hạn chế bởi lễ thức, những điều kỳ bí và kiêng kỵ, tạo ra nốt nửa kia là phạm trù thiêng liêng.

GS Kiều Thu Hoạch/NXB Khoa học Xã hội & Omega+

SÁCH HAY