Ảnh: Pinterest. |
Con đường lát gạch nghiêng nghiêng ở quê vẫn vậy. Hàng xoan hai bên tím biếc nao lòng. Gió tháng 3 quyện mùi xoan đương thì con gái, dịu dàng mà da diết len lỏi khắp con ngõ quê.
Tuổi trẻ của Mãnh là những ngày ruổi rong khắp các con ngõ nhỏ ra tận ven đê, í ới chơi trò giặc giã cùng đám bạn thân. Lấy những trái xoan chín khô, vàng nhạt, to cỡ quả bi, làm đạn giả, bắn ì đùng vang động cả khúc sông quê.
Tình yêu ngây dại cũng lớn dần theo những mùa xoan tím ngan ngát cả đường làng. Ngày ấy, trước khi lên phố để theo đuổi cái ước mơ về một làng nghề gốm thật nức tiếng, Mãnh tha thẩn cả buổi chiều quê, hái từng chùm xoan tết thành vòng hoa.
Hoàng hôn tháng 3, mây vắt ngang trời những mảng màu xanh trong, nắng dát vàng óng ánh từng con sóng. Mãnh khẽ khàng trao vòng hoa tím biếc như một lời hẹn hò, để rồi đón nhận nụ hôn vụng dại ngập ngừng đợi trông của người con gái Thổ Hà dịu dàng thanh khiết.
Chỉ như chừng vừa mới đây thôi, Mãnh vẫn nhớ như in, vẫn nhói đau ngay lồng ngực.
Ấy là năm thứ hai, khi còn đang trên Hà Nội vật lộn với đống chữ nghĩa, bôn ba với cơm áo gạo tiền, u đánh điện bảo Luyến sẽ lấy chồng, xuôi dòng về Ngũ Huyện Khê làm dâu xứ lạ.
Mãnh dao dác một nỗi đau. Lời u cứ văng vẳng suốt con đường đêm. Con gái có thì, đâu ai chờ mình hoài. Ở quê có người đặt mối, chỗ tốt, nhà cao cửa rộng, thì họ gả thôi.
Mãnh cho xe dừng ngay dốc Bưởi, cái dốc mà mỗi độ xoan trổ tím rợp cả trời Hà Nội, cái dốc mà suốt hai năm trời Mãnh ưa tạt ngang để nhặt từng cánh xoan theo gió rụng tím con đường. Cái dốc nhắc nhớ Mãnh về mối tình chân phương và lời hẹn ước đầu đời. Vậy mà, người ta lại chẳng đợi Mãnh về như đợi những mùa xoan. Mãnh đau quá đỗi.
Mãnh ra trường, chọn Hà Nội làm nơi lập nghiệp. Cuộc mưu sinh run rủi Mãnh tha hương biền biệt, một năm đôi lần Mãnh về Thổ Hà vài chuyến thăm thầy u. Những chuyến đi chớp nhoáng, rồi lên lại Hà Nội ngay. Cho đến khi thầy u về với đất, với nước của xứ Việt Yên này, Mãnh thôi không còn về lại nơi đây.
Mãnh bán hết ruộng đất rồi mua một căn nhà nhỏ ở ngay dốc Bưởi trên Hà Nội. Mãnh họa hai tấm hình để thờ cúng thầy u. Thảng hoặc chạp mả, hay ngày thanh minh, nếu không bận công tác, Mãnh lại về chỉ vài tiếng đồng hồ tảo mộ. Khi bộn bề với những chuyến công tác ngược xuôi, Mãnh lại gởi chút tiền nhờ họ hàng làm giúp.
Đôi lần Mãnh thấy ân hận nhưng mãi rồi cũng thôi. Đời thầy u cũng chỉ có mỗi mình Mãnh. Giờ hai cụ cũng đã về chung nhà với Mãnh, giỗ kỵ cũng mỗi mình Mãnh vọng lên bàn thờ mà mời cơm. Lễ Tết cũng là Mãnh, xẻ cái bánh chưng thỉnh hai cụ về ăn. Vậy là sum vầy, vậy là an yên rồi. Mà chắc lòng thầy u cũng hiểu Mãnh.