Mọi thứ đều có thể đổi thay trừ mối thù giữa Tottenham và Arsenal |
Những điều một cổ động viên của Pháo thủ bắt buộc phải dạy con trai của mình là gì? Đó là sự trung thực, lòng can đảm và phải ghét Tottenham. Câu chuyện trên chỉ mang tính chất trêu đùa mà một số người yêu mến Arsenal truyền tai nhau. Thế nhưng, điều này cũng cho thấy phần nào mối thù to lớn giữa hai đội bóng ở vùng Bắc London.
Tiền đạo huyền thoại của Arsenal Thierry Henry mới đây tiết lộ với báo giới: “Khi tôi mới đến, tôi biết mình phải tuân theo những giá trị của đội bóng. Vào thời điểm ấy, có 2 điều là hiển nhiên: Thứ nhất, Bergkamp là một vị thánh. Thứ hai, tôi phải ghét Tottenham”.
Đúng vậy, việc căm ghét gã hàng xóm khó chịu đã trở thành truyền thống không chỉ riêng Arsenal mà bao gồm cả Tottenham nữa. Lật lại quá khứ, lạ lùng khi biết rằng mối quan hệ giữa hai đội bóng ngày mới thành lập lại không tồi tệ đến thế.
Lịch sử hận thù
Thành lập năm 1886 bởi một một nhóm công nhân của công ty Royal Arsenal. Ban đầu, vị trí của Arsenal là ở phía Nam London chẳng hề gần gũi với Tottenham - đội bóng ra đời trước đó 4 năm.
Phải đến khi thương nhân giàu có người Anh Henry Norris bước lên ghế chủ tịch của Arsenal thì mọi thù hận mới bùng phát.
Thương nhân Henry Norris. Ảnh: Arsenal.com. |
Đầu tiên, Norris quyết định chuyển trụ sở của đội bóng tới sân vận động mới xây dựng có tên Highbury, chỉ cách "Gà trống" có 5 dặm đường. Tất nhiên, kế hoạch di dời này không được lòng những người hâm mộ của Tottenham bởi mọi thứ ở London lúc này đã quá chật chội rồi.
Mọi sự ghen ghét được đẩy lên đỉnh điểm vào năm 1919. Chiến tranh thế giới thứ nhất đã khiến giải đấu cao nhất của nước Anh phải gián đoạn đến 5 năm.
Lúc đó, Ban tổ chức dự định mở rộng số đội tham dự từ 20 lên 22 đội bóng. Vì thế, quyết định ban đầu sẽ không có đội bóng nào phải xuống hạng. Tottenham lúc ấy đứng ở vị trí cuối cùng tất nhiên là cái tên vui mừng nhất.
Thế nhưng, Norris nghĩ khác. Nhà tài phiệt quyết định dùng tiền của mình gây sức ép. Vì thế, một cuộc bỏ phiếu được diễn ra với sự góp mặt của Tottenham và 6 đội bóng tại giải hạng Nhì.
Arsenal vốn đứng thứ 6 mùa giải hạng Nhì trước đó bỗng chốc lại có cơ hội. Và với khả năng ngoại giao tài tình, Harris đã giúp "Pháo thủ" có số phiếu bầu cao nhất để giành chiếc vé duy nhất chơi tại hạng đấu số 1 nước Anh.
Tottenham vô cùng tức tối nhưng mọi nỗ lực tố cáo đều thất bại trước những đồng bạc của Norris. Chính từ thời điểm đó, Bắc London chia thành hai nửa đánh dấu thời kỳ thù hận sâu sắc.
Đám đông cổ động viên trước trận derby Bắc London. Ảnh: Pinterest. |
Tottenham chỉ mất một năm để trở lại. Trận derby sau đó điễn ra vô cùng máu lửa. Trên khán đài, những tiếng chửi thề, chai lọ và tiền xu được các cổ động viên hai đội ném trả cho nhau.
Mọi sự tức giận vẫn đi theo dòng chảy của thời gian và chẳng hề suy giảm dù gần một thế kỷ trôi qua.
Thù ghét kéo dài vô tận
Hồi đầu năm 2014, trong trận đấu tại FA Cup đối đầu với Tottenham, tiền đạo Walcott của Arsenal phải chịu một chấn thương rất nặng. Khi được đưa ra khỏi sân bằng cáng, tiền vệ người Anh lại đưa ngón tay ám hiệu kết quả 2-0 để trêu tức người hâm mộ "Gà trống". Hôm ấy, một cơn mưa tiền xu đã được trút xuống.
Walcott chọc tức các cổ động viên Tottenham. Ảnh: Getty Images. |
Mọi thứ còn khủng khiếp hơn với những cầu thủ được chuyển nhượng từ hai đội bóng Bắc London. Điển hình là trường hợp của tiền đạo Aderbayor. Sau thời gian thành công tại Arsenal, Aderbayor chuyển đi rồi sau đó gia nhập Tottenham.
Ngày về Emirates là địa ngục thật sự của đứa con hư Aderbayor. Cầu thủ người Togo phải chịu những tiếng la ó, chửi thề trong suốt cả trận mỗi khi chạm bóng. Thậm chí, Aderbayor còn nhận được không ít những lời đe dọa về tình mạng.
Vì thế, trong cả lịch sử hơn 120 năm tồn tại, chỉ có tổng cộng 15 cầu thủ dám chơi cho cả hai đội bóng kình địch này. Với mỗi cái tên đó, họ luôn gặp ác mộng mỗi khi trở về đối đầu những người đồng đội cũ.
Cổ động viên Tottenham giăng biểu ngữ gọi Sol Campbell là "Judas" (kẻ phản bội). Ảnh: Sky Sports. |
Nói về các trận derby Bắc London, Arsenal là cái tên nổi trội hơn với tổng cộng 78 trận thắng so với 55 của đối thủ. Thành tích của "Pháo thủ" ở giải đấu cao nhất nước Anh cũng ấn tượng hơn so với gã hàng xóm.
Vì thế, các cổ động viên giàu trí tưởng tượng của đội chủ sân Emirates sáng tạo ra ngày St Totteringham, để kỷ niệm ngày mà Tottenham không thể đứng trên đối thủ cùng thành phố tại giải đấu cao nhất nước Anh.
Nhìn cái cách người hâm mộ Arsenal ăn mừng như thể vô địch khi đội bóng con cưng chính thức vượt qua Tottenham trong ngày cuối cùng của Premier League 2015/2016, người ta mới thấy sự cạnh tranh giữa hai đội bóng là lớn như thế nào.
Tuy nhiên, cán cân quyền lực đã thay đổi hoàn toàn ở mùa giải năm nay. Tottenham vượt trội Arsenal từ điểm số đến lối chơi. 14 điểm cách biệt đã giúp Pochettino tự tin phát biểu: “Arsenal không còn là thứ để chúng tôi bận tâm”.
Thế nhưng, 22h ngày 30/4, trên sân nhà sôi động White Hart Lane, ông cùng các học trò chắc chắn sẽ có sự tập trung cao nhất không chỉ vì họ đang rất cần điểm để cạnh tranh cho chức vô địch mà còn bởi một chiến thắng sẽ là lời khẳng định không thể chắc chắn hơn cho ai mới là ông vua thực sự tại Bắc London vào lúc này.
Bảng xếp hạng Premier League tính đến 23h30 ngày 29/4. |
Trận derby Bắc London là trận đấu có số thẻ được rút ra nhiều thứ 5 trong lịch sử Premier League với tổng cộng 196 thẻ vàng và 11 thẻ đỏ.