Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mối quan hệ giữa nhạc cổ điển và trí thông minh của trẻ em

Có thể bạn từng nghe một bài báo với tiêu đề: “Nghe nhạc cổ điển giúp tăng trí thông minh của trẻ em”. Điều này có đúng không?

Năm 1993, tờ báo Nature đăng một nghiên cứu của Rauscher và các cộng sự về tác động tích cực của việc nghe nhạc Mozart đến tư duy không gian của sinh viên. Sau đó, báo chí bắt đầu quan tâm đến chủ đề này. Tờ báo New York Times viết rằng “các nhà nghiên cứu đã xác định rằng nghe Mozart quả thật làm bạn thông minh hơn”.

Những thông tin này góp phần tạo nên một hiện tượng gọi là hiệu ứng Mozart (Mozart effect). Vào những năm 1990, nhiều bang ở Mỹ đã chi tiền cho trẻ em để thưởng thức nhạc cổ điển, thậm chí ép học sinh phải nghe nhạc cổ điển một giờ/ngày. Năm 1998, thống đốc bang Georgia quyết định sẽ phát miễn phí một CD nhạc cổ điển cho mỗi trẻ em mới sinh. Các ông bố, bà mẹ bắt đầu mua các đĩa nhạc cổ điển cho con mình nghe ngay từ nhỏ, thậm chí từ khi em bé còn nằm trong bụng mẹ.

Tuy nhiên, khoa học bắt đầu hoài nghi về hiệu ứng này. Thực tế là nhóm nghiên cứu của Rauscher đã phải lên tiếng rằng họ không hề tuyên bố rằng nhạc Mozart làm tăng trí thông minh, mà là tăng hiệu quả của tư duy không gian và ảnh hưởng này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy rằng việc nghe nhạc cổ điển không có tác động rõ ràng đến trí thông minh của trẻ em. Hiệu ứng Mozart là không tồn tại.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao chúng ta thường dễ dàng tin vào ảnh hưởng của hiệu ứng nhạc cổ điển đến trí thông minh của trẻ?

Câu trả lời có thể đến từ sự quan tâm và mong mỏi của các bậc phụ huynh về tương lai của con mình. Các bậc cha mẹ luôn khao khát có một giải pháp để tạo ra lợi thế cho đứa trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Một nguyên nhân khác khiến giả thuyết này dễ dàng được chấp nhận đến từ những quan sát và nhận định của chúng ta. Chúng ta thường đưa ra nhận định và kết luận dựa trên quan sát của mình. Tuy vậy, những gì chúng ta quan sát thấy có thể chưa phải là toàn bộ bức tranh.

Hình dung, chúng ta chia các gia đình thành hai nhóm: những gia đình không nghe nhạc cổ điển và những gia đình nghe nhạc cổ điển. Giả sử, khi nhìn vào hai nhóm gia đình này, bạn nhận thấy rằng: Trẻ em thuộc gia đình nghe nhạc cổ điển có điểm số cũng như chỉ số IQ cao hơn so với các gia đình còn lại. Điều này có đồng nghĩa với việc nghe nhạc cổ điển khiến trẻ em thông minh hơn?

Câu trả lời là chúng ta chưa thể kết luận được, vì quan hệ tương quan không đồng nghĩa với quan hệ nhân quả.

Hãy nhìn vào hai biến số: nghe nhạc cổ điểnđiểm số của học sinh. Chúng ta quan sát thấy mối quan hệ tương quan giữa hai biến số. Các gia đình nghe nhạc cổ điển nhiều hơn thường có điểm số học sinh cao hơn. Tuy nhiên, dựa trên mối tương quan này, chúng ta chưa thể kết luận về quan hệ nhân quả giữa chúng. Lý do có thể tồn tại một biến số ẩn nào đó gây tác động đến mối quan hệ.

Một biến ẩn cần được xem xét là khả năng kinh tế của gia đình. Những gia đình có kinh tế tốt sẽ đầu tư nhiều vào giáo dục, mua nhiều sách tham khảo, cho con đi học thêm nhiều hơn. Điều này dẫn đến điểm số của học sinh cao hơn. Những gia đình đó cũng có nhiều khả năng sẽ nghe những thể loại nhạc cao cấp như nhạc cổ điển, nhạc thính phòng.

Nghe nhac co dien co lam tang tri thong minh khong? anh 1

Mối quan hệ giữa kinh tế gia đình, điểm số học sinh và nghe nhạc cổ điển.

Từ đó, quan hệ giữa nghe nhạc cổ điển và điểm số học sinh có thể chỉ là quan hệ tương quan mà không phải là quan hệ nhân quả. Kinh tế gia đình tác động đến cả điểm số và việc nghe nhạc cổ điển, khiến cho hai biến số này tương quan với nhau.

Kết luận là nếu bạn muốn con của mình học tốt hơn, hãy đầu tư nhiều vào giáo dục, chứ đừng bắt nó nghe nhạc cổ điển suốt ngày. Trừ phi đứa trẻ thực sự yêu thích thể loại đó.

Hoàng Hữu Đà / Nhà xuất bản Trẻ

SÁCH HAY