Ông Bannon bị các đặc vụ liên bang bắt giữ vào ngày 20/8 khi đang thư giãn ngoài khơi bờ biển Connecticut trên chiếc du thuyền của tỷ phú Trung Quốc Guo Wengui, người trước đó khiến các đồng minh của Tổng thống Trump phát sinh mâu thuẫn vì vấn đề tị nạn tại Mỹ của mình.
Dư luận đổ dồn sự chú ý vào các cáo buộc đối với Steve Bannon rằng ông này đã gian lận số tiền quyên góp cho dự án xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.
Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề biển thủ số tiền đóng góp cho quỹ xây tường biên giới, lực lượng điều tra đồng thời đặt trọng tâm vào mối quan hệ đối tác của ông Bannon với doanh nhân Trung Quốc có tên Guo Wengui.
Cựu cố vấn Nhà Trắng Steve Bannon là đồng minh thân cận của tỷ phú Guo Wengui. Ảnh: AFP. |
Quan hệ thân thiết
Tỷ phú Guo rời Trung Quốc vào năm 2015 sau khi vướng vào một loạt cáo buộc liên quan đến hối lộ và nhiều tội danh khác.
Vào năm 2017, Guo bắt đầu xây dựng mối quan hệ với ông Bannon sau khi ông này rời vị trí cố vấn cấp cao của Nhà Trắng. Cùng thời gian này, Guo sử dụng mạng xã hội Twitter để công kích chính quyền Bắc Kinh.
Trong vài năm gần đây, một công ty được cho là có liên hệ với Guo đã thuê Bannon với vai trò cố vấn. Tỷ phú người Trung Quốc công khai quyên góp 100 triệu USD cho một tổ chức từ thiện do Bannon đứng đầu.
Ngoài ra, chỉ một tháng trước khi bị bắt, Bannon được thông báo sẽ trở thành chủ tịch của một công ty truyền thông mà Guo mới thành lập.
Steve Bannon từng giữ vai trò cố vấn cấp cao tại Nhà Trắng. Ảnh: AP. |
Đổi lại, Bannon đã xuất hiện trong hàng chục video được đăng tải bởi tỷ phú Guo.
“Guo là đối thủ khó nhằn nhất mà Bắc Kinh từng đối đầu”, Bannon khẳng định với tờ Washington Post. Bannon còn cho rằng Mỹ nợ Guo “một món nợ ân tình vì ông ấy đã bền bỉ chống lại Bắc Kinh - mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ”.
Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin tư pháp cho biết lực lượng điều tra liên bang đã tiến hành điều tra về các hoạt động của công ty GTV Media Group mà ông Guo sở hữu sau khi một số nhà đầu tư kiện và cho rằng họ bị doanh nghiệp này lừa đảo.
Guo tuyên bố công ty của ông tuân thủ luật chứng khoán của Mỹ và cáo buộc Bắc Kinh đã xúi giục một số cá nhân “gửi đơn kiện với mục đích chính trị”. Hiện cả FBI lẫn Bannon, cố vấn của công ty trước thời điểm bị bắt, đều từ chối bình luận về sự vụ.
Bannon cho rằng nước Mỹ nợ tỷ phú Guo "một món nợ ân tình". Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, Bannon lại gián tiếp phủ nhận các cáo buộc liên quan đến việc biển thủ tiền quyên góp xây dựng bức tường biên giới. Những nguồn tin thân cận với Bannon cho rằng Guo không dính líu tới vụ lùm xùm ấy.
Chất keo kết dính mối quan hệ giữa Bannon và Guo được cho là sự tương đồng về quan điểm và thái độ của cả hai đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số người thân cận với Bannon tiết lộ rằng nhà chiến lược 66 tuổi đồng ý làm đối tác với tỷ phú Guo một phần cũng vì lợi ích của mối quan hệ này.
Nhà báo Sasha Gong, người từng làm việc với hai nhân vật nói trên, nhận xét về động cơ thúc đẩy cựu cố vấn Nhà Trắng hợp tác với Guo: “Bannon không quá chú tâm đến vẻ bề ngoài, nhưng một người muốn thay đổi thế giới thì luôn cần rất nhiều tiền”.
Một bằng hữu quý giá
Khi còn ở Trung Quốc, Guo là một nhà đầu tư và phát triển bất động sản thành công. Có thời điểm ông được xếp hạng 73 trong số những người giàu nhất của quốc gia tỷ dân.
Guo từng cho xây dựng một trong những tòa nhà chọc trời mang tính biểu tượng tại Bắc Kinh, nằm ngay cạnh Sân vận động Tổ Chim nổi tiếng. Công trình này được dùng chủ yếu để phục vụ mục đích giải trí của giới doanh nhân và chính trị gia của thành phố.
Trong những video đăng tải, Guo thừa nhận từng duy trì nhiều mối quan hệ thân thiết với các quan chức cấp cao trong bộ máy chính quyền.
Guo Wengui là nhà đầu tư bất động sản nổi tiếng tại Trung Quốc. Ảnh: New York Post. |
Tuy nhiên, vào năm 2014, một trong những đồng minh thân cận của ông là quan chức tình báo Ma Jian đã công khai việc nhận hối lộ hàng triệu USD từ Guo, đồng thời phanh phui mạng lưới “lợi ích nhóm” bao gồm nhiều chính trị gia bị tỷ phú bất động sản thao túng.
Guo phủ nhận cáo buộc và rời Trung Quốc để đến New York, Mỹ. Tại đây, ông mua một căn hộ thông tầng trị giá 67 triệu USD nằm ở khách sạn Sherry-Netherland gần Công viên Trung tâm (Central Park).
Ông Guo đứng ở căn hộ áp mái ở New York với hướng nhìn ra Công viên Trung tâm. Ảnh: AFP. |
Tỷ phú Guo bắt đầu đăng tải nhiều video lên YouTube với nội dung tố cáo Bắc Kinh, bao gồm tham nhũng, lạm dụng tình dục và thanh trừng lẫn nhau. Tuy nhiên, hầu như các cáo buộc này đều được đưa ra mà không có bất kỳ bằng chứng nào.
Khi nhà tài phiệt người Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông của mình, Interpol đã đưa ra “thông báo đỏ” vào tháng 4/2017, xếp Guo là người lưu vong với các tội danh hối lộ, bắt cóc, rửa tiền, lừa đảo và xâm hại tình dục, đồng thời buộc tỷ phủ này phải trở về Bắc Kinh.
Guo phủ nhận các cáo buộc và chính thức xin tị nạn tại Mỹ vào tháng 9/2017.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận về trường hợp của cả Bannon lẫn Guo. Nhưng cơ quan này cũng lưu ý rằng Interpol đã đưa ra các cáo buộc đối với “nghi phạm Guo Wengui”.
Phía Trung Quốc đồng thời truyền tải thông điệp đến chính quyền Tổng thống Trump rằng họ không muốn Guo được cho phép ở lại Mỹ. Được biết, nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc đã đích thân thuyết phục các nhân vật hàng đầu trong Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối yêu cầu xin tị nạn của Guo.
Nhà tài phiệt thân đảng Cộng hòa Elliot Broidy được cho là đã vận động các quan chức Mỹ trục xuất tỷ phú Guo khỏi Mỹ theo yêu cầu của Trung Quốc.
Nhà tài phiệt Elliot Broidy. Ảnh: AP. |
Các công tố viên cho biết Broidy đã liên hệ với một số trợ lý cấp cao của Tổng thống Trump để bàn về kế hoạch buộc Guo rời Mỹ.
Ông Trump ban đầu tỏ ý đồng tình với đề xuất của Broidy. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ, Hội đồng An ninh Quốc gia và Cố vấn Nhà Trắng (thời điểm đó) Donald McGahn cho rằng việc trục xuất Guo là không phù hợp.
Trong một tuyên bố, Bannon cho biết ông đã đứng ra bảo vệ tỷ phú người Trung Quốc trong vai trò chiến lược gia chủ chốt của Nhà Trắng.
“Tôi đã bảo vệ Guo”, Bannon trả lời trong một cuộc phỏng vấn trước khi bị bắt. “Khi còn ở Nhà Trắng, tôi lấy những tập tài liệu (liên quan đến trường hợp của Guo) và đem về phòng mình rồi nói: ‘Ai mà chẳng muốn có được anh chàng này, anh ta là một bằng hữu quý giá'”.
Hệ tư tưởng tương đồng
Kể từ khi rời Nhà Trắng vào tháng 8/2017, Bannon đã tập trung vào “mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc” – theo như ông mô tả.
Bannon kể rằng chuyến thăm Bắc Kinh khi Thế vận hội 2008 diễn ra đã góp phần đáng kể trong việc định hình quan điểm của ông đối với đất nước tỷ dân. “Rõ ràng họ đang muốn trở thành một cường quốc bá chủ. Họ muốn kiểm soát mọi thứ”, ông nói.
Cũng trong chuyến đi Bắc Kinh ấy, Bannon đã gặp và nảy sinh mối quan hệ đối tác với Guo. Cựu cố vấn Nhà Trắng hồi tưởng: “Miles (Guo) hệt như Donald Trump của Trung Quốc vào thời điểm đó vậy”.
Chất kết dính của mối quan hệ giữa Guo và Bannon được cho là sự tương đồng về ý thức hệ. Ảnh: Axios. |
Guo chia sẻ rằng mối quan hệ giữa ông với Bannon bắt nguồn từ những nét tương đồng trong ý thức hệ của hai người. “Tôi tin rằng Bannon đã giúp Mỹ hiểu hơn về mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa đến từ Bắc Kinh”.
Guo bắt đầu hỗ trợ tài chính cho Bannon vào cuối năm 2017. Tờ Washington Post dẫn nguồn tin nội bộ cho biết một công ty có liên hệ với Guo đã cho Bannon vay 150.000 USD vào khoảng thời gian này.
Vào năm 2018, học giả Michael Pillsbury thuộc Viện Hudson đã được mời đến dùng bữa với Bannon và Guo ở khách sạn Hay-Adams.
Theo lời kể của Pillsbury, hai nhân vật nói trên đã cố gắng thuyết phục ông rằng chính quyền và giới học thuật Mỹ nên thu nhận những thông tin giá trị về Trung Quốc mà ông Guo nắm giữ.
“Bannon muốn tôi xác nhận với những cá nhân có ảnh hưởng khác rằng Guo là một người uy tín”, Pillsburry kể lại.
Pillsburry cho biết ông đã hối hận khi tham gia buổi gặp mặt với Bannon và Guo, đặc biệt là sau khi một quan chức Trung Quốc đưa ra “lời nhắc nhở thiện chí” khi Pillsburry có chuyến thăm Trung Quốc.
“Luôn tồn tại một cái giá nhất định cho việc giao du với Guo. Nhà tài phiệt này là người hết sức phức tạp”, ông nói.