Theo tâm sự của tác giả Thích Nữ Nhuận Bình, cuốn sách Mở lối yêu thương được ra đời từ trách nhiệm của một người trẻ và cũng là một cư sĩ. Sư cô Nhuận Bình kể: “Một lần đi xe từ Bến Tre lên Sài Gòn, có một cô bé ở Khánh Hòa nhắn tin: “Cô ơi. Con còn nhỏ, chồng con thì giờ con không biết bỏ cho ai. Nhưng thực sự bây giờ con đang rất bế tắc”. Vì có quen trước đó nên tôi có hỏi thăm thì được biết là cô bé đó đang làm trong ngân hàng, cảm thấy rất bế tắc với sếp, đang muốn kết thúc cuộc sống của mình.
Lúc đó tôi cũng khuyên bảo này kia. Sau đó ba ngày thì cô bé nhắn tin lại: “Cô ơi, cảm ơn cô vì chính cô đã cứu sống con. Nhờ tin nhắn của cô mà bây giờ con đã cảm thấy vững chãi hơn, đã tìm thấy niềm vui trong cuộc sống này. Bởi vì tuổi trẻ chỉ trải qua một lần thôi và con trân trọng cuộc sống này lắm. Những lúc như thế này, dù nỗi buồn, sự căng thẳng vẫn chưa hết nhưng con lại mở tin nhắn của cô ra và con cảm thấy có động lực để sống tiếp. Con phải sống cho bản thân con và những người thân yêu của con”. Cuốn sách này bắt đầu ra đời từ mối nhân duyên đó”.
Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình (trái) - tác giả sách Mở lối yêu thương. |
Sư cô Nhuận Bình cho biết thêm, nỗi đau trong cuộc đời này rất nhiều và cũng có rất nhiều vấn đề mà trái tim khó nói, có những vấn đề mà mình cũng không thể với tới được. Trong quá trình tư vấn, không phải lúc nào sư cô cũng thành công mà cũng có những lúc thất bại. “Thậm chí có những sự ra đi của người nhờ tư vấn trở thành ám ảnh đến bây giờ”, sư cô Nhuận Bình không giấu được xúc động khi kể lại kỹ niệm cũ.
Chính những câu chuyện việc thật người thật trở thành động lực để sư cô Nhuận Bình bắt tay vào thực hiện cuốn sách Mở lối yêu thương thật nhanh. Được khởi sự từ những tâm tư, từ những câu chuyện đời thường như vậy nên cuốn sách Mở lối yêu thương dù có sử dụng những bài pháp của Bụt nhưng vẫn gần gũi độc giả đại chúng. Cuốn sách là món quà cho những ai đang cần tìm niềm vui sống, đang muốn tìm lại câu chuyện của chính mình, niềm vui trong chính mình.
Các tăng ni tới chia vui với sư cô Nhuận Bình trong buổi ra mắt sách. |
Đến chia vui với sư cô Nhuận Bình, Thượng tọa Thích Trí Chơn chia sẻ: “Chúng tôi ấn tượng với tựa đề cuốn sách. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà tất cả các lĩnh vực của xã hội đều được xác quyết, cân đo đong đếm bằng vật chất. Sẽ không có gì để nói nếu ta xác quyết các giá trị vật chất để ta xây dựng cuộc đời tốt đẹp hơn, chúng ta làm cho tình thương của con người được tiếp nối, góp phần xây dựng một cuộc sống tốt đẹp”.
“Tiếc là khi đời sống vật chất càng nâng cao thì những ứng xử văn hóa và một số giá trị đạo đức của xã hội một phần nào đó bị thu hẹp lại. Cho nên, cuốn sách Mở lối yêu thương là một thông điệp, một tín hiệu, một tiếng chuống để nhắc nhở con người mình: Chúng ta sống cần phải biết chia sẻ, biết yêu thương nhau cho cuộc đời này đẹp hơn. Cuộc đời này với những được-mất, thành-bại, phải-trái,… tất cả rồi sẽ đi qua, chỉ có tình người ở lại, miên viễn với con người”, Thượng tọa Thích Trí Chơn nói thêm.
Với sự ra mắt của Mở lối yêu thương, cuốn sách này đã bổ sung vào dòng chảy sách Phật pháp ứng dụng của Saigon Books với các tác giả như Minh Niệm, Suốt Thông, Thích Nhật Từ, Lưu Đình Long…, gần đây là sự ra mắt của Không diệt không sinh, đừng sợ hãi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Những cuốn sách nay được ví như những giọt nước mát lành, tưới tắm cho cuộc sống đang khô hạn hiện nay.
Nói về lý do ra đời của Mở lối yêu thương nói riêng và dòng sách Phật pháp ứng dụng nói chung, bà Dương Ngọc Hân, đại diện đơn vị xuất bản, cho biết: “Với kinh nghiệm làm sách khá nhiều năm, tôi nhận thấy đôi khi sách rất hay nhưng khó chạm vào đời sống thật của mọi người. Người ta thấy sách là một cái gì đó hơi cao xa. Trong khi hiện tại có một đội ngũ rất có khả năng để giúp đời, đó chính là các tu sĩ. Bởi vì tu là cách để giữ cho lòng mình bình an, thanh thản và năng lượng đó sẽ được truyền đến cộng đồng khi mọi người đang rơi vào tình trạng rối rắm, khổ sở của đời sống. Tôi mong muốn dòng sách này giống như cầu nối, chưa thể giúp người đang lận đận hồng trần có thể giải thoát hay thay đổi hoàn toàn để sống đời nhẹ nhàng như những vị tăng ni nhưng nó có thể làm nhẹ đi, giúp đời sống của mọi người tốt đẹp hơn. Đó cũng chính là tâm nguyện tốt đời đẹp đạo của các vị tăng ni. Vì lẽ đó, chúng tôi rất quan tâm và đầu tư cho dòng sách này”.
Bên cạnh các tăng ni, buổi giao lưu còn nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc trẻ.
|
Thông tin tại buổi giao lưu và ra mắt sách, sư cô Nhuận Bình cho biết, toàn bộ nhuận bút từ cuốn sách Mở lối yêu thương sẽ được dùng cho việc thiện nguyện, gây quỹ học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại miền Tây và miền Trung. Trước đó, với việc phát hành tập truyện ngắn “Giữa đôi dòng”, sư cô Nhuận Bình cũng đã dành toàn bộ số tiền nhuận bút 100 triệu đồng đến các em học sinh của tỉnh Bến Tre.
Theo sư cô Nhuận Bình, để có ngày hôm nay, dù có sự giúp đỡ của mọi người rất nhiều nhưng bản thân sư cô cũng đã phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Sinh ra ở miền Trung nhiều nắng gió và chiến tranh khốc liệt; hoàn cảnh khó khăn nên sư cô từng phải đứng lớp vì không có tiền đóng học phí. Chính điều đó ám ảnh cư sô rất nhiều. Sau này đi học đại học, dù lúc đó đã đi tu nhưng để có thể hoàn thành việc học, sư cô vẫn phải vừa đi học vừa đi làm thêm. Chính những điều đó khiến sư cô cảm thấy đồng cảm sâu sắc với các em ở quê, gia đình khó khăn nhưng lại ham học và học rất giỏi.
Đó cũng là lý do khiến sư cô Nhuận Bình đặt biệt quan tâm đến việc thiện nguyện về giáo dục. “Con người ta có thể nghèo, có thể không có cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng chỉ cần có giáo dục thì người ta sẽ sống có đạo đức. Vì vậy tôi rất quan tâm đến vấn đề giáo dục, giúp cho các em đến trường”, Sư cô Nhuận Bình tâm sự.