Theo HoREA, trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM đã phát triển được 4,92 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích nhà ở thành phố lên 157 triệu m2, bình quân đạt 18,47 m2/người.
Thành phố đang quyết liệt phát triển nhà ở phục vụ an sinh xã hội, với 9 dự án nhà tái định cư quy mô 10.229 căn hộ và nền nhà. TP.HCM cũng phấn đấu xây dựng lại tối thiểu 50% trong tổng số 474 chung cư cũ từ nay đến năm 2020.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn TP.HCM đã có 18.000 doanh nghiệp được thành lập, doanh nghiệp bất động sản chiếm 1/3. HoREA đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản vẫn đang thu hút sự quan tâm đầu tư, khởi nghiệp của xã hội.
Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp thành lập mới cũng đặt ra vấn đề về năng lực hoạt động, tính chuyên nghiệp. HoRWA nhấn mạnh cơ quan quản lý nhà nước cần hết sức quan tâm công tác quản lý và hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập.
Về thị trường nhà ở thương mại, trong 6 tháng trên địa bàn thành phố đã có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn. Tổng số căn hộ là 16.506 căn (trong đó, có 14.754 căn hộ chung cư, 1.752 căn nhà thấp tầng).
Tổng giá trị cần huy động lên đến 30.599 tỷ đồng. Trong đó, phân khúc cao cấp có 5.164 căn, chiếm 31,3%, phân khúc trung cấp có 5.136 căn, chiếm 31,1%, phân khúc bình dân có 6.206 căn, chiếm 37,6%.
Như vậy, tỷ lệ căn hộ có giá vừa túi tiền chiếm tỷ trọng lớn nhất (68,7%) trong tổng số căn hộ đưa ra thị trường trong 6 tháng đầu năm. HoREA đánh giá đây là tín hiệu đáng mừng vì các nhà đầu tư. Các doanh nghiệp đã có sự tái cơ cấu sản phẩm mạnh mẽ theo hướng tăng mạnh sản phẩm căn hộ quy mô vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ) đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và có tính thanh khoản cao.
Cơ cấu nguồn cung căn hộ 6 tháng đầu năm tại TP.HCM. Đồ họa: Hiếu Công. |
Tuy nhiên, HoREA cho rằng nếu nhìn tổng thể thì số lượng nhà ở chào bán giảm so với cùng kỳ năm 2016. Theo đó phân khúc nhà ở bình dân chào bán tăng 1,9 lần, phân khúc cao cấp tăng 1,8 lần. Trong khi đó phân khúc trung cấp giảm đến 42,1%, có những chủ đầu tư lớn chuyên phát triển dự án nhà ở trung cấp không có sản phẩm bán trong 6 tháng đầu năm.
Về thị trường văn phòng cho thuê, HoREA đánh giá đang có sự phát triển khá ổn định. Tổng nguồn cung văn phòng cho thuê hiện nay có khoảng 1,8 triệu m2 sàn. Trong 6 tháng đầu năm, giá thuê văn phòng hạng A bình quân khoảng 37 USD/m2/tháng, hạng B khoảng 22 USD/m2/tháng, tăng nhẹ từ 1,2% - 4,8%. Thị trường không có nguồn cung mới văn phòng hạng A; nguồn cung mới văn phòng hạng B chỉ có 01 tòa nhà với 5.500 m2.
Về cơn sốt "giá ảo" đất nền phân lô ở các quận ven và huyện ngoại thành, HoREA đánh giá đã được hạ nhiệt kịp thời nhờ có những biện pháp chỉ đạo giải quyết quyết liệt của chính quyền thành phố. Sự vào cuộc quyết liệt đã giúp tăng cường sự minh bạch thông tin về quy hoạch, về chính sách tách thửa đất ở của thành phố rất được người dân đồng tình, hoan nghênh.
Về tình hình tranh chấp trong chung cư, HoREA đánh giá tiếp tục gia tăng. Các tranh chấp chủ yếu là tranh chấp do chủ đầu tư chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu ban quản trị, chưa bàn giao quỹ bảo trì chung cư, tranh chấp phần sở hữu chung trong chung cư (nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích có thể kinh doanh cho thuê...).
Nhìn toàn cục thị trường bất động sản, HoREA đánh giá vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro. Một trong các rủi ro bao gồm là tình trạng lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường bất động sản rất lớn, có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn và vào phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng.
Thị trường cũng đang có sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong lúc phân khúc thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền có tính thanh khoản cao, thì "cung" không đủ "cầu". Thị trường bất động sản vẫn chưa phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững do đang còn nhiều điểm nghẽn.