Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gửi văn bản lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để góp ý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong văn bản này, hiệp hội cũng cho rằng hiện nay TP.HCM có 500 dự án trùm mền, là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu cao.
Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 31/12/2016, nợ xấu của các tổ chức tín dụng là hơn 160.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu mà Công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được là 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,39% tổng dư nợ.
TP.HCM đang có khoảng 500 dự án ngừng triển khai. Tại cửa ngõ phía Đông vào trung tâm thành phố, trên đường Điên Biên Phủ, quận Bình Thạnh, hai dự án cao ốc văn phòng và căn hộ hạng sang bỏ hoang giữa năm 2012, khi đã đổ xong phần sàn thô thì chủ đầu tư dừng thi công . Ảnh: Lê Quân . |
Nếu gộp tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu mà Công ty mua bán nợ VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được… chiếm tỷ lệ khoảng 10,08% trên tổng dư nợ cho vay.
Còn trong điều kiện áp dụng đồng bộ các giải pháp hạn chế, thì hàng năm nợ xấu vẫn phát sinh thêm 1,3 - 1,5% trên tổng dư nợ. Đồng thời, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng bình quân mỗi năm khoảng 16%, thì trong 5 năm tới sẽ phát sinh thêm nợ xấu khoảng 350.000 tỷ đồng, nâng tổng nợ xấu lên đến khoảng 600.000 tỷ đồng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng nợ xấu cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án bất động sản trùm mền thời gian qua. Riêng TP.HCM có khoảng 500 dự án ngừng triển khai. Nợ xấu thường được bảo đảm bằng tài sản thế chấp là bất động sản, nhà ở đã hoàn thành, nhà ở sẽ hình thành trong tương lai.
Theo quan điểm của HoREA, để giải quyết 500 dự án trùm mền ở TP.HCM, cần phải coi việc chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án là hoạt động kinh doanh bình thường giữa các nhà đầu tư với nhau.
Qua đó, Hiệp hội mong muốn Quốc hội cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế chuyển nhượng dự án bất động sản, giúp khai thông thị trường. Việc mua bán, chuyển nhượng dự án sẽ khai thông nguồn vốn, tái khởi động các dự án đang bị ngừng triển khai.
Đây cũng là một giải pháp góp phần tích cực xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
“Cũng cần hiểu rằng nợ xấu nhưng tài sản bảo đảm không xấu. Vì thông thường, bất động sản khi thế chấp để vay tín dụng chỉ được định giá phổ biến ở mức 60% giá trị thực.
Tài sản bảo đảm của nợ xấu có thể là tài sản của người đi vay, tài sản của bên thứ ba và cũng có trường hợp là căn hộ của người mua nhà trong dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp cho tổ chức tín dụng”, ông Châu nói.