AFP dẫn nghiên cứu được công bố ngày 7/12 cho biết trong 27 thế kỷ qua, ngày trên Trái Đất đã dài hơn 1,8 mili giây qua mỗi thế kỷ (1 mili giây tương ứng 1/1.000 giây). Trước đây, tốc độ tăng từng được ước tính là 2,3 mili giây trên một thế kỷ và sẽ mất 2,6 triệu năm để ngày dài thêm 1 phút.
"Đó là một quá trình rất chậm chạp", nhà thiên văn học Leslie Morrison của Đài quan sát Hoàng gia Greenwich, đồng tác giả nghiên cứu trên, cho biết.
"Các ước tính trên chỉ gần đúng, vì các lực địa vật lý tác động đến sự quay của Trái Đất không chắc cố định trong một thời gian dài như thế", ông nói thêm.
Mặt trời mọc ở thành phố New York, Mỹ. Ảnh: AFP. |
Các nhà khoa học cho ra con số 2,3 mili giây dựa trên lực hấp dẫn của Mặt Trăng đối với Trái Đất. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của Morrison sử dụng lực hấp dẫn trong sự vận động của Trái Đất quanh Mặt Trời, của Mặt Trăng quanh Trái Đất để tính toán chu kỳ các thiên thể bị che khuất theo góc nhìn từ Trái Đất.
Sau đó, họ tính toán thời gian mà Mặt Trăng và Mặt Trời có thể được nhìn thấy từ Trái Đất và so sánh những kết quả này với các ghi chép của người Babylon, Trung Hoa, Hy Lạp, Ả Rập cổ đại và châu Âu trung đại.
Các nhà nghiên cứu phát hiện có sự chênh lệch trong ghi chép xưa và nay về nơi Mặt Trăng và Mặt Trời có thể được nhìn thấy. Điều này cho thấy thay đổi trong sự quay của Trái Đất từ năm 720 trước Công nguyên - lúc con người bắt đầu ghi chép - đến nay.
Các yếu tố ảnh hưởng sự quay của Trái đất bao gồm lực hấp dẫn của Mặt Trăng, hình dạng Trái Đất bị biến đổi vì băng tan ở hai cực từ Kỷ Băng Hà, lực tương tác điện từ giữa lõi và vỏ Trái Đất, mực nước biển thay đổi.