Trước nạn phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp diễn biến phức tạp, Bình Định yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện nhiều giải pháp cấp bách để ngăn chặn, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn.
Rừng phòng hộ đầu nguồn miền Trung liên tục bị tàn phá. Ảnh: M. Hoàng. |
256 ha rừng Bình Định bị tàn phá
Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay, địa phương này xảy ra 198 vụ phá rừng với tổng diện tích gần 256 ha, trong đó tập trung ở các huyện An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn và Vân Canh.
Thực tế đáng lo ngại là tình trạng người dân phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp với tổng diện tích gần 88 ha. Nguyên nhân chủ yếu là giá cây keo phục vụ chế biến nguyên liệu gỗ dăm xuất khẩu tăng cao khiến người dân đổ xô phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho hay, nạn phá rừng chiếm đất trồng cây keo đang diễn ra phức tạp ở hai xã Đăk Mang, Bok Tới. Hiện chính quyền địa phương đã nhổ bỏ 50 ha rừng trồng trái phép tại hai xã này.
"Sáng 24/8, khi biết cơ quan chức năng lên núi nhổ bỏ diện tích rừng trồng trái phép ở xã Đăk Mang, một số thanh niên đã nẹt pô xe máy hăm dọa. Trưa cùng ngày, có cán bộ phải gọi điện thoại yêu cầu giải cứu vì dưới núi có người uy hiếp, đập phá xe”, ông Phúc nói.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Bá Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh đề xuất, nếu diện tích rừng trồng trái phép đã thành cây lớn thì nên khoanh lại để giao cho xã quản lý, sau khi thu hoạch thu kinh phí nộp ngân sách còn hơn phá bỏ gây lãng phí. Tại các cửa rừng cần lập chốt chặn kiểm soát, nghiêm cấm không cho vận chuyển gỗ trái phép.
Công an huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi) trong một lần truy quét nạn phá rừng ờ vùng gần lòng hồ thủy điện Đăkđrinh.Ảnh: Minh Hoàng. |
Rừng bị tàn phá do buông lỏng quản lý
Thừa nhận nạn phá rừng đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng thẳng thắn lý giải, do một số hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý, thiếu bám sát cơ sở để phát hiện, ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Công tác tuyên truyền cho dân nhiều nơi thực hiện không đến nơi đến chốn.
“Các trường hợp vi phạm phải kiên quyết xử lý, kể cả cán bộ, đảng viên. Địa phương nào bao che cho hành vi vi phạm, cán bộ nhà nước nào đứng sau chỉ đạo, lấn chiếm phá rừng, cơ quan kiểm lâm phối hợp với huyện điều tra, xử lý cán bộ, đảng viên đó theo từng cấp để làm gương”, vị Chủ tịch tỉnh quả quyết.
Theo ông Dũng, đối với diện tích rừng trồng trái phép trên 3 năm, giao cho kiểm lâm chủ trì thống kê; giao cho xã quản lý; sau đó đề xuất với huyện về phương án giải quyết. Tỉnh cho phép bán đấu giá chỉ với phục vụ cho mục đích bảo vệ rừng.
Gỗ rừng phòng hộ bị cơ quan chức năng tạm giữ nằm ngổn ngang ở trụ sở Ủy ban xã Sơn Lập, huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi). Ảnh: Minh Hoàng. |
Đề nghị khởi tố 12 vụ phá rừng
Tại Quảng Ngãi, nạn phá rừng, xâm chiếm đất rừng phòng hộ trái phép vẫn đang diễn biến phức tạp ở các huyện vùng cao Sơn Tây, Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long, Trà Bồng...
Lãnh đạo Chi cục kiểm lâm Quảng Ngãi cho hay, tám tháng qua, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý gần 270 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó, 29 vụ phá rừng với tổng diện tích gần 44 ha bị tàn phá. Hiện cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ khởi tố, xử lý hình sự 12 vụ án phá rừng.
Trước tình hình này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương kiện toàn các Ban quản lý rừng phòng hộ; tăng cường phối hợp đồng nhất để bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả hơn.
Ông Minh đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác quản lý bảo vệ, kịp thời ngăn chặn tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép; tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân chấp hành các quy định trong bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn...