Lãnh đạo Công an Lâm Đồng cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra xác định được một số nghi can chính trong vụ chống người thi hành công vụ khiến 3 cán bộ quản lý, bảo vệ rừng thương vong ở Lâm Hà.
Theo vị lãnh đạo trên những người tham gia đánh cán bộ quản lý rừng ở Lâm Hà có dấu hiệu phạm các tội như: Chống người thi hành công vụ; gây rối trật tự công cộng; giết người và hủy hoại tài sản. Cơ quan điều tra đang tiếp tục sàng lọc, phân loại, củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án và khởi tố các bị can.
Hàng chục vụ chống người thi hành công vụ
Trước đó, khoảng 11h30 ngày 8/8, nhận được tin báo người dân đang chặt phá rừng làm nưỡng rẫy tại tiểu khu 243, Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Nam Ban, huyện Lâm Hà.
Khi cơ quan chức năng cử lực lượng công an xã, cán bộ quản lý rừng xuống kiểm tra thì bị nhóm người mang theo hung khí chặn đường lao vào đánh các cán bộ.
Vụ tấn công khiến anh Trương Ái Tĩnh (49 tuổi, cán bộ Ban QLRPH Nam Ban) bị chém tử vong tại chỗ; anh Tân Khoa - nhân viên Ban QLRPH Nam Ban, anh Triệu Vũ Hiệp - Phó Ban Lâm nghiệp xã Phi Tô và ông Lò Văn Quyền - Trưởng Công an xã Phi Tô bị thương. Ngoài ra, 7 xe môtô của cơ quan chức năng bị phá hỏng, 1 súng bắn đạn cao su bị tước mất.
Anh Triệu Vũ Hiệp - Phó ban Lâm nghiệp xã Phi Tô (Lâm Đồng) bị lâm tặc đánh trọng thương. Ảnh: M. Q |
Cũng tại Lâm Đồng, ngày 1/7, tại tiểu khu 687B (lâm phần thuộc Ban quản lý rừng Hòa Bắc - Hòa Nam của huyện Di Linh, Lâm Đồng) đã xảy ra vụ xô xát nghiêm trọng giữa kiểm lâm và lâm tặc.
Theo ban quản lý rừng Hòa Bắc - Hòa Nam, tổ tuần tra phát hiện một nhóm lâm tặc đang khai thác gỗ trái phép đã vây bắt được 1 người. Sau đó, một nhóm gần 10 người quay lại mang theo hung khí và 1 can xăng bao vây tổ công tác, dọa tưới xăng đốt, đồng thời yêu cầu thả người bị bắt.
Nhóm lâm tặc trên giật được chìa khóa, mở còng tay, đưa người bị bắt trốn thoát. Sau đó, nhóm người này mang nhiều hung khí quay lại tấn công, tổ tuần tra phải trốn vào rừng.
Còn tại Đắk Lắk, ngày 10/1, lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Yók Đôn đã bắt giữ một xe tải vận chuyển gỗ trái phép. Tuy nhiên, chỉ sau đó ít giờ, có khoảng 20 lâm tặc quay lại cướp xe gỗ và sử dụng nhiều gậy, đá, tuýp sắt gây thương tích cho cán bộ kiểm lâm.
Đến ngày 25/4, trong lúc Công ty TNHH MTV Đắk N’tao (tỉnh Đắk Lắk) đang dựng chốt bảo vệ rừng thì có khoảng 50 người dân kéo ra tháo dỡ chốt, buộc lực lượng bảo vệ rừng phải rút lui.
Tại Gia Lai, chiều 2/6, tổ công tác của Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa phát hiện 4 người đi trên một thuyền sắt chở gỗ nên yêu cầu kiểm tra thì nhóm trên ập tới tấn công làm 2 cán bộ bị thương.
Lâm tặc ngày càng manh động
Theo thống kê của Chi cục kiểm lâm Đắk Lắk từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn xảy ra 14 vụ lâm tặc chống lại lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng (trong đó năm 2015 xảy ra 9 vụ, 7 tháng năm 2016 xảy ra 5 vụ).
Theo Chi cục kiểm lâm Đắk Lắk tình hình chống người thi hành công vụ diễn biến hết sức phức tạp với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm hơn cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng quản lý bảo vệ rừng.
Công an dựng lại hiện trường một vụ tấn công cán bộ quản lý rừng ở Lâm Đông. Ảnh: CTV |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Tùng - Giám đốc Vườn Quốc gia Yók Đôn, cho biết trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 người dân ra vào rừng do đơn vị quản lý, trong đó có nhiều người lấy gỗ, săn bắt thú.
"Các nhóm lâm tặc hoạt động có tổ chức, sẵn sàng chống trả, gây sức ép cho lực lượng bảo vệ rừng. Nhiều khi thấy quá phức tạp nên lực lượng kiểm lâm phải rút, lâm tặc thì càng lấn tới", ông Tùng nói.
Trong khi đó, theo lý giải của một giám đốc lâm trường tại Gia Lai thì quy định ban quản lý rừng và các công ty lâm nghiệp không được sử dụng phương tiện hỗ trợ như bình xịt hơi cay, súng chuyên dụng đạn cao su… Do đó, khi cán bộ tuần tra gặp trường hợp lâm tặc manh động có hung khí thì lực lượng bảo vệ rừng không thể làm căng.