Ngày 28/8, TS Trần Đắc Phu (Cục trưởng cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế) cho biết, dịch Ebola vẫn đang tăng mạnh ở 4 quốc gia Châu Phi. Hiện đã có 2.615 trường hợp mắc trong đó có 1.427 người đã tử vong.
Đặc biệt, hơn 225 nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh, trong đó có 130 người tử vong. Ngày 26/8, Congo đã chính thức thông báo có dịch với 13 người tử vong.
Đã có 5 nước công bố dịch Ebola. |
“Đây là ổ dịch hoàn toàn mới, lây từ động vật hoang dã chứ không phải từ 4 quốc gia Liberia, Sierra Leon, Nigeria, Guinea sang", ông Phu nói.
Ca bệnh đầu tiên ở Cộng hòa Dân chủ Congo là một phụ nữ mang thai, có chồng là thợ săn đã bị bệnh sau khi chế biến thịt thú rừng. Người phụ nữ trên đã tới khám ở một phòng khám tư nhân tại địa phương khi có xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy, nôn, tiểu ra máu.
Sau đó đến ngày 11/8/2014 đã tử vong. Do phong tục mai táng tại địa phương không chấp nhận chôn cất phụ nữ cùng với thai nhi, vì vậy phải tiến hành mổ để tách thai nhi ra khỏi thi thể người mẹ. Một bác sĩ và 2 y tá đã phơi nhiễm với thi thể của người phụ nữ này trong khi phẫu thuật, ngoài ra còn có người làm vệ sinh và một cậu bé cũng khởi phát bệnh và tử vong.
Các trường hợp tử vong khác được ghi nhận đều là những người có mối liên quan với ca bệnh đầu tiên hoặc tiếp xúc với các tử thi trong quá trình mai táng.
“Dịch bệnh Ebola tiếp tục diễn biến phức tạp. Nếu như trước kia dịch bệnh chỉ khu trú ở 1-2 quốc gia thì nay đây là vấn đề mang tính toàn cầu. Thời gian qua nhiều dịch bệnh khiến nhiều quốc gia lo lắng như cúm Trung Đông, H7N9, H5N6…", TS Phu đánh giá.
Hiện tình hình công dân Việt Nam ở các quốc gia có dịch không nhiều, Nigeria khoảng 12 người, Seria Leone khoảng 24 người, Guinea khoảng 60-70 người, Liberia khoảng 20 người.
Việt Nam chưa phát hiện người nhiễm virus Ebola. Tính từ ngày 11-26/8, 128 người đã đi từ các quốc gia có dịch nhập cảnh vào Việt Nam.