Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỗi năm miền Tây mất 500 ha đất vì sạt lở

Bờ biển ở miền Tây dài 774 km nhưng có đến 24 khu vực sạt lở. Cà Mau là nơi xói lở nhiều nhất và mất 4.000 ha đất chỉ trong 10 năm.

Ngày 29/5, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo bộ, ngành đi thị sát một số điểm sạt lở ven biển Tây ở Cà Mau. Phó thủ tướng sau đó làm việc lãnh đạo các tỉnh ven biển miền Tây để bàn về công tác phòng chống sạt lở, xâm thực biển, suy thoái rừng ngập mặn.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đồng bằng sông Cửu Long có bờ biển dài khoảng 774 km. Hiện, có đến 24 khu vực thường xuyên bị xói lở với tổng chiều dài 147 km. Tốc độ xói lở từ 5 - 45 m/năm nên bình quân mỗi năm miền Tây mất đi khoảng 500 ha đất.

Sat lo o mien Tay anh 1
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng (đứng) kiểm tra một số nơi sạt lở bờ biển Tây. Ảnh: Anh Tiến.

Ngoài việc mất đất, sạt lở còn làm mất rừng phòng hộ, suy giảm đai rừng ven biển và giảm khả năng chống đỡ với triều cường, nước biển dâng đang diễn ra rất nhanh tại Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu. Từ năm 2011- 2016, rừng ngập mặn toàn vùng giảm gần 10% (từ 194.723 ha giảm còn 179.384 ha).

Cà Mau có ba hướng giáp biển, chịu tác động của biến đổi khí hậu, triều cường, sóng dữ gây xói lở bờ biển nghiêm trọng. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, tỉnh này có khoảng 2/3 diện tích bờ biển bị sạt lở.

"Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, vùng ven biển Cà Mau đã mất hơn 4.000 ha đất, đe dọa nhiều khu dân cư ven biển. Cà Mau cần di dân kết hợp tái định cư vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, hoặc có giải pháp công trình khẩn cấp để ứng phó để bảo vệ đất đai, tài sản của người dân cùng và các công trình hạ tầng quan trọng khác", ông Hải nói khi làm việc với Phó thủ tướng.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói rằng nguyên nhân xói lở đất nghiêm trọng ở miền Tây là do mất cân bằng bùn cát, lượng phù sa, thay đổi dòng chảy và tác động sóng biển. Tình trạng chặt phá rừng ngập mặn ven biển, khai thác quá mức nước ngầm, sụt lún đất, xây dựng nhà ở và các công trình hạ tầng ven biển.

Từ thực trạng trên, Phó thủ tướng đề nghị chính quyền các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long phải thực hiện nhiều nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Trong đó, các địa phương theo dõi chặt diễn biến sạt lở để chủ động ứng phó, bảo vệ tính mạng, tài sản cư dân ven biển. Các địa phương phối hợp chặt với các bộ, ngành trung ương để có kế hoạch đầu tư dài hơi các công trình chống sạt lở, gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu.

Sat lo o mien Tay anh 2
Miền Tây có bờ biển dài khoảng 774 km nhưng sạt lở 24 khu vực với tổng chiều dài 147 km. Ảnh: Việt Tường.

Theo Phó thủ tướng, Bộ NN&PTNT phải phối hợp cùng các bộ liên quan, nghiên cứu về phòng, chống xoáy lở bờ biển, đề ra các giải pháp ứng phó phù hợp, lập quy hoạch đồng bộ chống xói lở toàn vùng để có sơ sở về nguồn lực, cơ cấu đầu tư, cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư các công trình, dự án ứng phó sạt lở. Đặc biệt, rà soát lại việc khai thác cát, sỏi lòng sông, nơi nào cho, nơi nào cấm, cũng như xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân khai thác cát trái phép.

Hiện nay nhiều địa phương xin được áp dụng cơ chế ngân sách trung ương cấp phát toàn bộ vốn ODA để đầu tư cho các dự án xây dựng kè, đê biển chống sạt lở. Phó thủ tướng cho biết sẽ trình Thủ tướng xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương.

Trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần ưu tiên bố trí nguồn vốn dự phòng cho những địa phương xử lý chống sạt lở ở những điểm khẩn cấp, cấp vốn để các địa phương ven biển miền Tây xây dựng những công trình chống xói lở trước mắt và trung hạn.

Sóng biển phá nát 3 km bờ biển Hội An

Nhiều ngày qua, dù chưa có mưa bão lớn nhưng sóng biển đã ngoạm sâu, phá nát hơn 3 km bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam). Người dân đang phải sống trong lo sợ.



Việt Tường - Anh Tiến

Bạn có thể quan tâm