Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mối liên hệ giữa bệnh trầm cảm và sa sút trí tuệ

Khi bệnh nhân sa sút trí tuệ xuất hiện các triệu chứng như trầm cảm, giảm hứng thú, u uất trước tiên hãy lắng nghe và đồng cảm với họ, nếu các triệu chứng trở nặng, cần điều trị.

Ảnh minh họa. Nguồn: RDNE Stock project.

“Dạo gần đây có vẻ mẹ tôi rất hay cảm thấy rầu rĩ. Bà gần như chẳng mấy khi nói chuyện, miệng lúc nào cũng chỉ nói muốn chết, bà không có ý chí trong mọi việc, và cũng chẳng cố gắng làm bất cứ chuyện gì. Tôi nghĩ đó có thể là nguyên nhân khiến khả năng ghi nhớ của bà ngày một tệ thêm đi.”

Ở bệnh nhân sa sút trí tuệ còn thường xuất hiện triệu chứng trầm cảm. Khi mắc chứng sa sút trí tuệ, cử động và nét mặt của bệnh nhân trở nên chậm chạp, nếu đi kèm thêm cả triệu chứng trầm cảm, trí nhớ của bệnh nhân có thể còn tồi tệ hơn nữa.

Nếu trầm cảm không được điều trị đúng cách, các triệu chứng sa sút trí tuệ có thể trở nên trầm trọng hơn, do đó tốt nhất bệnh nhân nên đến gặp các chuyên gia về y học sức khỏe tinh thần để được kê đơn thuốc chống trầm cảm thích hợp.

Người bệnh có thể tự nhận mình bị trầm cảm, nhưng cũng có thể không phải như vậy. Khi thấy bệnh nhân lúc nào cũng rầu rĩ, thường xuyên nói muốn chết với nét mặt u sầu, người nhà cần cho họ đi kiểm tra ít nhất một lần xem họ có mắc chứng trầm cảm hay không.

Tôi có thể thấy sau khi những bệnh nhân như vậy được dùng thuốc chống trầm cảm đa phần tâm trạng sẽ tốt hơn và khả năng nhận thức cũng được cải thiện đáng kể.

Ngoài ra, có những trường hợp bệnh nhân không nói ra mình bị trầm cảm nhưng quan sát vẻ bề ngoài thì chắc chắn người đó đang bị trầm cảm. Có những bệnh nhân nói mình không bị trầm cảm, “Tôi không sao đâu” hay “Cuộc sống là vậy đó”, nhưng thực tế họ chỉ ở nhà cả ngày, không trả lời câu hỏi của ai, tỏ ra uể oải, nét mặt lúc nào cũng u ám. Những trường hợp như vậy cần phải đến bệnh viện để được tư vấn.

Sau khi nhận được chẩn đoán bị chứng sa sút trí tuệ giai đoạn đầu, bệnh nhân bắt đầu trở nên chán nản, lúc này, người nhà phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, để tránh bệnh nhân mang suy nghĩ muốn tự tử ví dụ như “Sống thế này thì làm gì? Chẳng thà chết quách đi cho rồi”. Và để đề phòng, người nhà cần phải loại bỏ dao, thuốc trừ sâu, v.v. khỏi khu vực xung quanh bệnh nhân.

Thỉnh thoảng bệnh nhân sẽ uống quá nhiều rượu hoặc thường xuyên uống thuốc ngủ. Các loại rượu và thuốc ngủ này làm suy giảm khả năng nhận thức, thúc đẩy quá trình phát triển của chứng trầm cảm, đồng thời khởi phát những hành vi bốc đồng, trong trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến hành vi tự tử, vậy nên cần đặc biệt lưu ý.

Bệnh trầm cảm không thể được điều trị chỉ bằng sự quyết tâm của bản thân. Bệnh nhân cho dù có nỗ lực để thoát khỏi tình trạng trầm cảm đến đâu, họ cũng không thể kiểm soát tâm trạng của mình theo ý muốn. Cách tiếp cận cơ bản nhất là gia đình ở bên cạnh phải hiểu những khó khăn của bệnh nhân, lắng nghe và động viên họ. Nếu tình trạng bệnh nhân vẫn không cải thiện, hãy cân nhắc điều trị bằng thuốc như thuốc chống trầm cảm.

Lee Kang Joon/ Light books & NXB Thanh niên

Bình luận

SÁCH HAY