Thế giới đang chứng kiến cuộc chiến mang tầm vóc lịch sử giữa con người và máy tính. Chương trình AlphaGo của Google có dịp đối đầu huyền thoại cờ vây Lee Se-dol trong trận đấu 5 ván. Từ trước tới nay, chưa bộ máy nào chơi ở cấp độ cao như vậy bởi tuyển thủ Hàn Quốc đã 14 năm liên tiếp là nhà vô địch. Tới thời điểm này, trí thông minh nhân tạo (AI) đã giành chiến thắng.
Cuộc đối đầu lịch sử giữa AlphaGo và Lee Se-dol. Ảnh: Gogameguru |
Mặc dù điều đó tưởng chừng chẳng có gì quá khủng khiếp. Bởi cách đây gần 20 năm, máy tính Deep Blue của IBM cũng từng đánh bại nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kassparo. Nhưng cờ vây lại hoàn toàn khác, bàn cờ lớn và nước đi linh hoạt khiến không một máy tính nào có thể tính toán hết các trường hợp. Điều đó buộc người chơi phải dựa vào trực giác nhiều hơn.
Chỉ vài năm trước, các chuyên gia đều tin rằng, phải mất nhiều thập kỷ để máy tính nghĩ tới chuyện thắng con người ở môn cờ vây. Nhưng khoa học trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển đã tạo ra những cỗ máy biết tư duy và học hỏi giống như AlphaGo.
Chương trình của Google vừa thắng Lee Se-dol ba ván liên tiếp, qua đó chính thức chinh phục môn thể thao được coi là trí tuệ nhất thế giới. Dù tuyển thủ người Hàn Quốc cũng gỡ gạc được một ván, nhưng mọi chuyện trở thành vấn đề lớn đáng quan tâm.
Thế giới choáng váng trước thất bại của huyền thoại cờ vây, làm dấy lên lo ngại AI có thể hủy diệt loài người. Nhưng cựu giám đốc Google tại Trung Quốc, Kaifu Lee lại cảnh báo mối nguy hại còn lớn hơn. Quan điểm của ông được đăng tải trên trang công nghệ tiếng Trung Sina.
(Lưu ý: bài báo được viết sau chiến thắng đầu tiên của AlphaGo. Hiện tại, Lee Se-dol đã thua 3 ván liên tiếp và vừa có chiến thắng đầu tiên).
Cựu giám đốc Google tại Trung Quốc Kaifu Lee. Ảnh: Gogameguru
|
Hôm qua, AlphaGo thắng ván đầu tiên trong cuộc đối đầu lịch sử với nhà vô địch cờ vây Lee Se-dol. Sự kiện trở thành chủ đề cho những câu chuyện kiểu “máy móc đã vượt xa loài người, khoa học viễn tưởng đã trở thành hiện thực”. Thậm chí, một số người còn đặt câu hỏi, liệu AlphaGo có để thua vài ván tiếp theo nhằm tránh gây ra sự nghi kỵ nơi con người về khát vọng cai trị thế giới của nó.
Trên thực tế, mặc dù máy móc vượt trội hơn chúng ta về khả năng phân tích logic, chúng vẫn chỉ là công cụ được sử dụng bởi con người. Mối nguy hiểm thực sự của trí thông minh nhân tạo (AI) giống như AlphaGo không nằm ở nguy cơ thống trị nhân loại, mà nó khiến chúng ta đánh mất tinh thần chiến đấu và ý thức về mục đích.
Một số tin rằng AlphaGo đang suy nghĩ theo cách của con người, nhưng nhanh hơn rất nhiều. Điều đó không thực sự chính xác. Dù vượt trội hơn về tốc độ và được xây dựng dựa trên việc mô phỏng hoạt động não người, máy tính vẫn tồn tại nhiều khác biệt.
Máy móc có thể thay thế con người trong nhiều công việc. Ảnh: Gogameguru
|
Sau khi được các chuyên gia điều chỉnh, AlphaGo có thể tư duy chuyên sâu dễ dàng vượt qua con người trong bất kỳ phép thử logic thuần túy nào. Máy móc ngày càng nhanh và tích hợp khả năng học hỏi, bên cạnh quyền truy cập nguồn dữ liệu khổng lồ.
Vậy, điều gì sẽ thay đổi khi AI được tích hợp khả năng tự học chuyên sâu? Trong tương lai, chúng ta sẽ thấy rất nhiều ứng dụng thương mại xuất hiện. Ở đó, trí thông minh nhân tạo đảm nhiệm giải quyết nhiều vấn đề phức tạp, tăng lợi nhuận đầu tư với rủi ro thấp nhất.
AI cũng tự động chuẩn đoán và sắp xếp gene để từ đó đưa ra liệu pháp điều trị y tế phù hợp. Máy móc sẽ gợi ý những sản phẩm, thực phẩm và thậm chí bạn bè cho người sử dụng. Với dữ liệu lớn, điện toán mạnh mẽ và được điều chỉnh bởi đội ngũ kỹ thuật cao cấp khiến máy tính vượt trội hơn hẳn. Con người không thể cạnh tranh ở những lĩnh vực mà chúng thực hiện, ví dụ như các công cụ tìm kiêm trên website.
Những công nghệ này có thể hỗ trợ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực hoặc thậm chí thay thế họ. Bởi vậy, đội ngũ công nhân vốn thua kém hơn nhiều về trình độ nhiều khả năng sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường việc làm. Mười năm tới, rất nhiều công việc hiện nay sẽ do máy tính đảm nhận hoàn toàn.
Máy móc có thể thay thế y tá, phóng viên, kế toán, giáo viên, nhà quản lý tài chính… Lực lượng lao động mới không cần lương, chỉ cần điện và hệ thống mạng lưới chung. Chúng có thể làm việc 24 giờ mỗi ngày liên tục trong cả năm. Máy móc sẽ giúp chúng ta tạo ra hầu hết của cải trên thế giới.
AlphaGo chưa thể biểu hiện cảm xúc giống như Lee Se-dol. Ảnh: Gogameguru
|
Mặc dù AI thực sự thông minh, hiệu quả, chăm chỉ và rẻ tiền, chúng lại không phải là con người, khô khan và nguội lạnh. Ví dụ như khi AlphaGo đánh bại Lee Sedol trong ván đầu tiên, nó không cảm thấy hạnh phúc và hiểu được giá trị xung quanh những cuộc bàn tán sôi nổi. Thậm chí, chương trình của Google còn chẳng thể phát biểu cảm xúc về chiến thắng. Tư duy logic của AlphaGo ở trình độ rất cao, nhưng nó không thể trả lời những câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản sau mỗi trận đấu: “Cảm giác chiến thắng như thế nào?” hoặc “Điều gì ở cờ vây khiến trò chơi trở nên cuốn hút?” hay như “Chiến thuật để giành chiến thắng hôm nay của bạn là gì?”.
Máy tính hiện tại chưa thể hiểu cảm xúc con người, những giá trị và khái niệm về sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. Nghệ thuật, vẻ đẹp, tình yêu, hài hước đều trở nên vô nghĩa đối với chúng. Một nhà nghiên cứu làm việc với hệ thống AI mô phỏng tính hài hước đã tiến hành thử nghiệm bằng cách nhập vào máy một bài viết mà nếu đọc sẽ thấy rất buồn cười cười, và điều ông nhận lại được chỉ là tiếng cười “ha ha” phát ra. Nó cho thấy, máy tính ngày nay thậm chí còn không bằng một đứa trẻ lên hai (về khía cạnh này). Đó là thách thức lớn đối với các nhà nghiên cứu AI.
Máy móc chỉ là công cụ giúp tạo ra giá trị. Ít nhất là trong thời điểm hiện tại, chúng ta không cần phải lo lắng AI sẽ cai trị nhân loại (mặc dù chúng ta phải giám sát về công nghệ học sâu và các công ty dữ liệu lớn để chắc chắn không gây hại cho người dùng). Chúng ta cần lo lắng về điều gì?
Những cỗ máy ngày càng thông minh sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp. Thời đại “máy móc thay thế con người” trở thành một bước ngoặt quan trọng hơn nhiều so với cuộc cách mạng công nghiệp hay kỷ nguyên bùng nổ của thông tin.
Robot có thể khiến con người mất ý chí phấn đấu. Ảnh: Theguardian |
Nhưng mất việc chưa phải là điều đáng lo nhất, bởi vì máy móc sẽ tạo ra giá trị lớn hơn gấp nhiều lần để bù lại và hỗ trợ lượng người thất nghiệp. Những gì nhân loại thực sự phải lo lắng đó là: Khi máy tính chăm sóc chúng ta, và những nhu cầu cơ bản đều được đáp ứng giống như tháp nhu cầu Maslow, liệu con người có còn sức mạnh ý chí theo đuổi những thử thách lớn hơn và tự mình thực hiện chúng? Hay chúng ta chỉ sống giật giờ trên đời, bằng lòng với hiện tại?
Đối mặt với những lo lắng, tôi nghĩ chúng ta nên:
Cần chú trọng tới việc rèn luyện khả năng tự tìm tòi khám phá. Chúng ta mong muốn một nền giáo dục tương tác để truyền cảm hứng cho trẻ em quan tâm tới việc học. AlphaGo đang học hỏi từ con người, vì vậy, chúng ta cũng cần học cách sử dụng máy móc và khả năng phân tích. Trẻ em là đối tượng phù hợp nhất để nhận sự giáo dục cũng như giữ trong mình niềm đam mê thuần khiết nhất trước khi bị những cám dỗ của cuộc đời cản bước..
Chúng ta phải biết cân bằng giữa nghệ thuật và khoa học, trong đó tập trung vào tính sáng tạo vốn là thế mạnh của con người. Máy móc sẽ vượt xa về khả năng phân tích (kỹ thuật và tư duy logic). Và có lẽ, con người nên bớt tập trung vào giáo dục STEM (trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) vốn được ưu tiên trong vài thập kỷ qua để dành nhiều thời gian vào những thứ AI chưa thể chạm tới, như thơ ca, nghệ thuật, âm nhạc, phim ảnh, văn hóa, tôn giáo, triết học, giao tiếp tình cảm…
Nhận định này không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ từ bỏ nghiên cứu khoa học, nhưng hãy để những người đủ đam mê theo đuổi lĩnh vực đó, trong khi phần còn lại nên dành thời gian cho nhân văn học. Thế giới nên cân bằng giữa khoa học kỹ thuật và khoa học nhân văn, khuyến khích đồng đều việc nghiên cứu, phát triển tài năng ở cả hai lĩnh vực.
Hãy giúp người trẻ có được tham vọng để thách thức bản thân với tinh thần không mệt mỏi. Chúng ta không nên lãng phí thời gian, làm những công việc lặp đi lặp lại nhàm chán, thay vào đó cố gắng đạt tới cấp độ cao nhất ở lĩnh vực mình quan tâm.