22h30 hôm nay 6/5, Chelsea gặp Liverpool trong trận “chung kết” Top 4 Premier League mùa này. Trận đấu đưa Mohamed Salah tái ngộ đội bóng cũ, đối diện quãng thời gian đen tối bậc nhất trong sự nghiệp của mình.
Salah đến với Chelsea tháng 1/2014. Đó là bước đi sai lầm của Salah, sai ngay từ đầu. Nếu muốn đổi đời ở đội bóng mới, không ai lại chọn kỳ chuyển nhượng mùa đông để “chuyển hộ khẩu”. Phiên chợ đông thường chỉ là thời điểm các ông lớn mua người để vá víu đội hình, chứ không chủ đích nâng cầu thủ đó lên nấc thang mới của sự nghiệp.
Mohamed Salah là nhân tố quan trọng nhất trong đội hình Liverpool ở Premier League và Champions League. Ảnh: Getty Images. |
Sự thật đúng là như vậy. Chelsea mua Salah về thay thế Juan Mata, nhưng anh vẫn phải dự bị cho tới 4 cầu thủ nữa gồm Eden Hazard, Oscar, Willian và Andre Schuerrle.
Đó còn là mùa bóng mà Chelsea vô địch Premier League, và HLV của "The Blues" vào thời điểm đó. Jose Mourinho chưa bao giờ là chiến lược gia thích xoay tua đội hình. Có quá nhiều yếu tố ngăn Salah tỏa sáng. Anh buộc phải ra đi trên tư cách của kẻ thất bại.
Tuy nhiên, Salah chưa từng hận Chelsea. Rất nhiều cầu thủ sau khi tỏa sáng ở đội bóng khác đều thừa nước đục thả câu “bóc phốt” câu lạc bộ cũ, nhưng Salah không làm vậy.
Trái lại, trong bài trả lời phỏng vấn sau khi nhận giải Cầu thủ hay nhất tháng 3 mới đây, Salah từng nói: “Thất bại ở Chelsea đối với tôi không phải nỗi đau, mà trái lại là động lực để tôi vươn lên. Tôi trở lại Premier League với niềm tin sẽ chứng minh Chelsea đã sai khi bán tôi đi”.
Nhờ trái tim đẹp, Salah dễ dàng chinh phục được những trái tim khác. Cách đây 3 tháng, show truyền hình thực tế mang tên “Bất ngờ chưa” mời Salah tham dự. Nhiệm vụ của Salah là đột ngột xuất hiện để gây bất ngờ cho những người yêu mến anh.
Theo kịch bản, Salah chỉ cần quay 30 phút, nhưng đã tự nguyện góp mặt tới 2 tiếng chỉ để “tạo ra nhiều niềm vui hơn cho những đứa trẻ”. Salah đi vào trái tim người hâm mộ một cách giản dị như vậy.
Mohamed Salah dẫn đầu cuộc đua giành danh hiệu vua phá lưới, hơn tới 4 bàn so với cầu thủ xếp thứ hai Harry Kane (Tottenham). Ảnh: Premier League. |
Trang Bleacher Report cung cấp thêm thông tin. Sau khi ghi "bàn thắng bằng vàng" trên chấm 11 m giúp đội tuyển Ai Cập giành vé vào vòng chung kết World Cup 2018, Salah được một tỷ phú tình nguyện tặng ngôi biệt thự lộng lẫy. Lúc đó, lương của Salah chỉ là 3,5 triệu euro/năm. Anh không có thêm khoản thu nào khác, và ngôi biệt thự vốn là thứ xa xỉ với Salah.
Sẽ chẳng có gì thiếu đạo đức hay cơ hội nếu Salah nhận ngôi biệt thự được tặng. Nhưng ngôi sao của Liverpool đã từ chối. Với anh, cống hiến cho tổ quốc là vinh dự chứ không phải chiến công để đổi chác.
Hơn nữa, Salah yêu bóng đá, yêu những bàn thắng. Chuyện kể rằng hồi Salah mới 14 tuổi, anh ký hợp đồng gia nhập Arab Contractors. Phải yêu bóng đá lắm Salah mới chấp nhận mỗi ngày di chuyển 4,5 tiếng bằng xe bus để có mặt ở sân tập đúng 2h chiều và 7h tối lại ngồi xe bus về nhà để sáng hôm sau đi học. 4,5 tiếng xe bus, đổi tới 3 bến, đối với một cậu bé 14 tuổi là điều điên rồ. Salah phải xin giấy của trường học để được đi tập bóng đá hàng ngày.
Mohamed Salah cùng đồng đội ghi 46 bàn trong một mùa giải ở cúp châu Âu. Anh đã đóng góp 10 pha lập công cho Liverpool tại Champions League mùa này. Ảnh: Sports. |
Thế rồi anh cũng được ra sân, nhưng chơi ở vị trí hậu vệ trái. Có một lần, đội bóng của Salah tham dự giải U16 Cairo League, Salah có một cơ hội ghi bàn nhưng lại bỏ lỡ đáng tiếc. Trận đấu kết thúc, Salah chui vào phòng thay đồ và khóc rất sâu.
Huấn luyện viên Said El-Shishini tình cờ nhìn thấy Salah ngồi khóc và sau buổi tâm sự, ông hiểu rằng khát vọng cháy bỏng của Salah là ghi bàn chứ không phải đá hậu vệ. Đó là bước ngoặt đưa Salah lên chơi ở vị trí cao hơn và rực sáng như ngày hôm nay.
Salah luôn thể hiện khát vọng của mình bằng cách hồn nhiên nhất có thể. Trong con người của anh không có nhiều toan tính, hận thù hay những động cơ khác. Chỉ có tình yêu bóng đá và con người. Rất hiếm có trái tim đẹp thế trong bóng đá.