Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2013, trả lời câu hỏi về đề án tái cơ cấu VNPT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho hay, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) là thương hiệu mạnh của Việt Nam nên khi bàn về vấn đề tách tập đoàn thì Chính phủ rất thận trọng. "Tuy nhiên, may mắn là chiều hôm qua Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ Thông tin và Truyền thông và các ngành báo cáo về vấn đề này".
Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, doanh thu của VNPT và Viettel năm 2013 vượt hơn 25.000 tỷ đồng, khẳng định vai trò quan trọng của 2 tập đoàn này trong lĩnh vực viễn thông. "Chính vì thế mà Chính phủ rất thận trọng trong kế hoạch tách MobiFone. Chỉ riêng chiều qua, Thủ tường và Thường trực Chính phủ đã có 3 buổi làm việc với Bộ để xây dựng văn bản, đề án tái cơ cấu tập đoàn và thông qua trong cùng ngày".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, văn bản chính thức sẽ sớm được thông báo tới báo chí, nhưng tinh thần là Chính phủ đồng ý cho công ty Thông tin Di động - MobiFone tách khỏi VNPT để chuẩn bị thực hiện cổ phần hóa theo đúng lộ trình, kế hoạch. Chính phủ giao cơ quan chủ quản của 2 doanh nghiệp này là Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm vụ phải củng cố để cả MobiFone và VNPT sau khi tách sẽ cùng phát triển mạnh, giữ vững thương hiệu. Trong đó, VNPT được tổ chức lại để mạng VinaPhone phát triển tốt, hình thành thị trường viễn thông cạnh tranh với 6 nhà mạng, 3 trụ cột, tạo lợi ích cao nhất cho người dân, đất nước.
Trong buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Bắc Son cho biết thêm, MobiFone sẽ được tách ra để cổ phần hóa mà không phải kèm bất cứ doanh nghiệp nào của VNPT.
Trước đó, theo đề án trình Chính phủ, MobiFone sẽ được tách khỏi VNPT nhưng phải gánh nghĩa vụ tài chính tại khoảng 60 doanh nghiệp mà tập đoàn này góp vốn (khoảng 1.600 tỷ đồng) và đang làm ăn thua lỗ.