Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mổ xẻ sai phạm của các ngân hàng

Dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng năm 2012 kịp cán đích 12%, kết quả kinh doanh của các ngân tại TP.HCM vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi nợ xấu.

Trong cuộc họp ngày 27/12, vấn đề này đã được đem ra mổ xẻ. Thống kê đến thời điểm này trên địa bàn TP.HCM có 80 trên tổng số 378 chi nhánh NH (ngân hàng) thua lỗ, trong đó có ngân hàng có hội sở nằm ngoài địa bàn thành phố.

Các ngân hàng kêu khó giãn nợ cho doanh nghiệp do chỉ được sử dụng không quá 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.

Kiểm tra đâu cũng thấy sai phạm

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng chuyện thua lỗ của hàng loạt chi nhánh NH là dấu hiệu báo động, yêu cầu NH Nhà nước phải có giám sát, xử lý sát sao và có kế hoạch khắc phục cụ thể trong năm 2014. Cũng theo bà Hồng, ngoài nguyên nhân kinh tế khó khăn, nợ xấu còn do nhiều NH thẩm định tài sản thế chấp không chặt chẽ, dẫn đến việc có thanh lý tài sản đảm bảo cũng không cân đối được.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, cho biết kết quả thanh tra của NH Nhà nước phát hiện nhiều sai phạm mang tính chất phổ biến tại các NH. Đó là vi phạm quy chế, điều kiện cho vay, thẩm định sơ sài, cho vay đảo nợ dưới nhiều hình thức, tập trung cho vay nhóm khách hàng vượt quá tỷ lệ quy định, cho vay đầu tư vào một dự án, có khả năng rủi ro và tài sản đảm bảo thiếu tính chất pháp lý, khả năng thu hồi nợ kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngoài ra, nhiều NH không phân loại nợ đúng theo quy định, che giấu nợ xấu, không trích lập dự phòng rủi ro. Qua thanh tra tỷ lệ nợ xấu thực chất cao hơn so với số liệu báo cáo, kết quả kinh doanh lỗ nếu trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, từ đó ảnh hưởng làm cho vốn điều lệ giảm khi kết quả kinh doanh lỗ.

NH Nhà nước TP cũng phát hiện các khoản đầu tư tài chính, góp vốn mua cổ phần của nhiều tổ chức tín dụng chưa hiệu quả, khả năng thu hồi nợ thấp, đặc biệt với trái phiếu của một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán. Một số NH vi phạm tình trạng sở hữu cổ phần, còn sở hữu chéo. Nhiều NH lách trần lãi suất bằng nhiều hình thức như cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, tiết kiệm linh hoạt, thả nổi, chi ngoài lãi suất. Có NH cho vay và gửi tài sản nhiều vòng tại thị trường liên NH làm tăng tài sản ảo...

Sẽ nới thông tư 02

Cũng tại buổi họp, ông Phan Huy Khang, tổng giám đốc Sacombank, nói NH gặp khó khăn khi thực hiện tái cơ cấu, giãn nợ cho các doanh nghiệp theo chủ trương của NH Nhà nước do quy định hiện nay chỉ được sử dụng không quá 30% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Ông Khang đề xuất NH Nhà nước nâng tỉ lệ này lên mức 35% trong thời gian nhất định, khi ổn định thì đưa về 30% để đảm bảo thanh khoản cho các NH. Ông Đỗ Minh Toàn, tổng giám đốc NH ACB, cũng kiến nghị tạm hoãn thực hiện một vài khoản mục trong thông tư 02 (về phân loại tài sản có, trích lập dự phòng...) để giảm bớt khó khăn cho các NH.

Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình thừa nhận thực tế hệ thống NH không có vốn trung hạn vì gần như 100% người dân gửi tiền ngắn hạn. Lãi suất gần đây ổn định mới có người gửi kỳ hạn trên sáu tháng đến một năm, còn gửi kỳ hạn trên một năm rất ít. “Quy định các NH được sử dụng không quá 30% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nhưng tỷ lệ này thực tế lên đến trên 40%, nhiều NH 60-80%”, ông Bình cho biết. Do vậy về kiến nghị của các NH, NH Nhà nước lưu ý các NH cố gắng tăng tín dụng nhưng cân nhắc cơ cấu nguồn vốn để có tăng trưởng hợp lý, NH Nhà nước sẽ phân tích trên toàn hệ thống để quyết định có tăng tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn lên 35% hay không.

Cũng theo ông Bình, thông tư 02 lẽ ra đã thi hành từ năm 2013 nhưng hoãn lại đến năm 2014. Đây là vấn đề rất đau đầu với người hoạch định chính sách vì bị kẹt giữa hai mục tiêu, một là muốn tháo gỡ khó khăn cho NH và doanh nghiệp, mặt khác phải làm sao cho hệ thống NH chuẩn mực sát với thông lệ quốc tế. “NH Nhà nước sẽ xem xét lại các nội dung quy định của thông tư 02 và các văn bản hiện hành để có những điều chỉnh phù hợp. Tháng 1/2014, những quy định mới phù hợp hơn sẽ được ban hành”, ông Bình cho biết.

Trong khi đó, tại buổi làm việc của Ban thường vụ và Thường trực Thành ủy, văn phòng Thành ủy với NH Nhà nước chiều cùng ngày, lãnh đạo TP.HCM cũng đề nghị NH Nhà nước có giải pháp tích cực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2014 ở mức 14%, đồng thời thường xuyên trao đổi với TP về định hướng chính sách điều hành để TP phối hợp chỉ đạo triển khai kịp thời đến doanh nghiệp, NH để các đơn vị này chủ động trong hoạt động kinh doanh.

Lãnh đạo TP cũng kiến nghị NH Nhà nước có giải pháp tích cực để đảm bảo hoạt động của hệ thống NH minh bạch, an toàn, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo và nhóm lợi ích trong hệ thống NH. Cũng theo lãnh đạo TP, công văn 7558 về tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp thời gian thực hiện quá ngắn, mới hơn hai tháng nên sức lan tỏa chưa đủ rộng, lãnh đạo TP kiến nghị NH Nhà nước điều chỉnh kéo dài thời gian để NH, doanh nghiệp có đủ thời gian thực hiện.

Sẽ mua vàng dưới chuẩn

Liên quan đến việc NH Nhà nước tiếp nhận xưởng vàng miếng SJC, lãnh đạo TP.HCM cho rằng việc chuyển giao này đã gây nhiều khó khăn cho đơn vị kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ công nhân viên, người lao động. UBND TP đề nghị NH Nhà nước xem xét, trình Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho công ty SJC khi thực hiện bàn giao xưởng và thương hiệu vàng cho NH Nhà nước nhằm hỗ trợ cho đơn vị chuyển đổi ngành nghề, phát triển sản xuất kinh doanh vàng nữ trang trong giai đoạn đầu cần nguồn vốn đầu tư, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường...

Ông Nguyễn Văn Bình cho biết NH Nhà nước sẽ có đền bù xứng đáng cho đơn vị, phương án đã được NH Nhà nước trình Bộ Tài chính có phương án hỗ trợ nhưng đến nay chưa được thông qua. Việc tiếp nhận xưởng vàng miếng của Công ty SJC là nhằm đảm bảo NH thống nhất quản lý toàn bộ vàng miếng và vàng nguyên liệu. Sau này xưởng vàng sẽ mua tất cả vàng dưới chuẩn trên thị trường, ước tính 30-100 tấn và tinh luyện đúng chuẩn quốc tế.

 

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm