Nếu ở hội nghị năm trước, Thủ tướng nói thẳng về vấn đề đạo đức trong ngành ngân hàng, những bất cập và khó khăn lớn cần nhanh chóng xử lý, thì tại hội nghị lần này, ít nhất ba lần ông nhấn mạnh sự hài lòng với kết quả và thành công của Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng nói chung trong năm 2013. Nhưng không vì thế mà ít đi những khó khăn, bất cập mà người đứng đầu Chính phủ điểm lại, cũng như khi giao các nhiệm vụ cụ thể cho năm 2014.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao các nhiệm vụ cụ thể cho ngành ngân hàng trong năm 2014. |
Ổn định lãi suất và tỷ giá
“Chính phủ đánh giá cao những thành công, kết quả của Ngân hàng Nhà nước, của hệ thống ngân hàng hai năm qua, đặc biệt năm 2013. Tôi tin rằng các đồng chí có thực tiễn kinh nghiệm để tiếp tục điều hành, hoạt động hiệu quả hơn nữa”, Thủ tướng đánh giá tổng quát.
Nhiệm vụ đầu tiên mà Thủ tướng giao cho ngành ngân hàng là tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, mà chịu trách nhiệm trực tiếp là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Trên cơ sở đó để giữ ổn định mặt bằng lãi suất, tính toán chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng cho phù hợp. Giữ ổn định lãi suất, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp được người đứng đầu Chính phủ giao trách nhiệm chủ yếu cho hệ thống ngân hàng. Bởi theo ông, hiện nhiều doanh nghiệp khó khăn, vốn hoạt động chủ yếu là vốn vay nên lãi suất là một điểm gỡ có tính quyết định, cần giữ ổn định và thấp như hiện nay.
Đáng chú ý là Thủ tướng nêu cụ thể mục tiêu giữ ổn định tỷ giá trong năm tới, bên cạnh yêu cầu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối. Đánh giá cao sự ổn định của tỷ giá trong hai năm qua, ông yêu cầu năm tới tiếp tục giữ được khoảng biến động chỉ từ 1 - 2%, như các khoảng cam kết mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra thời gian qua. “Nhân đây tôi cũng nói, các cơ quan mà dự báo làm cho tỷ giá tăng lên trồi xuống thì phải kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm. Chính mình gây ra định hướng làm cho xã hội không ổn định. Phải phối hợp các yếu tố để giữ ổn định”, Thủ tướng nói khi điểm lại một số biến động thời gian gần đây.
“Kiên quyết độc quyền xuất nhập vàng”
Với quản lý thị trường vàng, Thủ tướng đánh giá Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt trong năm 2013. “Chúng ta có thể nói là đã thành công bước đầu, bước quan trọng về quản lý thị trường vàng. Vừa qua là đúng hướng, đúng Nghị định 24. Cái này chúng ta muốn rất lâu rồi mà chưa được, nhưng năm nay chúng ta làm có kết quả rất rõ”, Thủ tướng nói và đưa ra ba đề nghị cần tiếp tục làm mạnh.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước dứt khoát phải độc quyền xuất nhập khẩu vàng. Thủ tướng nêu một thực tế để nhấn mạnh quan điểm trên rằng: “Có rất nhiều sức ép nói này nói khác, nhưng tôi có nói với Thống đốc là Chính phủ phải kiên quyết cái này. Nhà nước phải độc quyền xuất nhập khẩu”.
Thứ hai, các ngân hàng dứt khoát không được huy động và cho vay vàng. Những bất cập trong huy động và cho vay vàng đã được nhìn thấy từ lâu, thực tiễn đã cho thấy những bất ổn, nhưng phải đến năm 2013 Ngân hàng Nhà nước mới chấm dứt được. Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục kiên định việc cắt bỏ hoạt động này, tránh hỗ trợ cho vàng hóa trong nền kinh tế.
Thứ ba, thị trường vàng cần được quản lý chặt chẽ để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định vĩ mô, tác động đến tỷ giá, đến lãi suất. Và năm 2014, nhiệm vụ mà Thủ tướng giao là Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu làm sao để huy động nguồn lực vàng tích trữ trong dân trở thành nguồn vốn đầu tư phát triển cho xã hội. “Tôi tin các đồng chí đã làm được những cái tốt thời gian qua, thì sẽ tiếp tục làm tốt trong năm tới”, Thủ tướng tin tưởng.
Xử lý sở hữu chéo bằng pháp lý
Tại hội nghị năm trước, điểm mà Thủ tướng nhấn mạnh khá gay gắt là tình trạng lũng đoạn trong hệ thống ngân hàng, quan sở hữu chéo; xem đây là một nguyên nhân chính khiến nợ xấu tăng cao. Tại hội nghị sáng nay, một lần nữa người đứng đầu Chính phủ đề cập lại hạn chế trên trong hệ thống ngân hàng, vạch hướng xử lý khá cụ thể.
Đánh giá cao những kết quả ngành đạt được trong năm qua, nhưng hệ thống đã an toàn, lành mạnh chưa, còn khả năng đổ vỡ hay không. “Tôi thấy cái này là vẫn còn đấy, chứ không phải nói phơi phới được đâu”. “Những ngân hàng còn yếu kém, nếu không kiên quyết thì sẽ dẫn tới khó khăn. Ngân hàng nào khó khăn thì tự giác làm đi. Sân sau, sở hữu chéo, lũng đoạn, làm ngân hàng cho công ty mình vay rồi đổ vào bất động sản, rồi hàng đống nợ. Năm ngoái tôi đã nhấn mạnh cái này, năm nay tôi tiếp tục nói. Đó không chỉ là trách nhiệm với mình mà còn trách nhiệm với xã hội, với nền kinh tế”, Thủ tướng nêu trách nhiệm cá nhân của các lãnh đạo ngân hàng yếu kém.
Ông cũng điểm lại những vụ việc tiêu cực đã và sẽ được xét xử trong hệ thống ngân hàng. Và một kết luận đưa ra là hệ thống văn bản pháp quy lĩnh vực ngân hàng vẫn chưa thực sự hoàn thiện. “Sở hữu chéo, lũng đoạn ngân hàng, nhưng giải quyết bằng cách gì? Bằng văn bản pháp quy chứ bằng cách gì. Ngăn chuyện rút vốn của cổ đông lớn phải bằng luật pháp. Thấy không lành mạnh rồi thì phải ngăn, phải hoàn thiện thể chế. Muốn khắc phục sở hữu chéo, các ngân hàng cổ phần đại chúng rồi thì dứt khoát phải đưa lên sàn chứng khoán, giao dịch công khai minh bạch để hạn khắc phục sở hữu chéo. Nếu đúng thì các đồng chí ban hành văn bản quy định bắt buộc. Đây là pháp luật. Anh không chần chừ được nữa, anh phải niêm yết”, Thủ tướng nhấn mạnh và mở ra một hướng định hình trong năm tới - các ngân hàng có thể sẽ bắt buộc phải niêm yết trên sàn chứng khoán.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác thanh tra. Một lần nữa Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước, đội ngũ thanh tra cũng như cá nhân Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Bây giờ có thể nói Thống đốc đã nắm được tình hình sức khỏe thực tế của tất cả các ngân hàng, kể cả ngân hàng nước ngoài. Nhưng vẫn phải làm tốt hơn nữa”.
Cùng với công tác thanh tra, tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu là nhiệm vụ Thủ tướng giao cho ngành ngân hàng trong năm 2014. Dù ghi nhận nỗ lực của hệ thống trong việc trích lập dự phòng hai năm qua, song nợ xấu vẫn là quan ngại lớn, khi ông đề cập đến con số vẫn ở khoảng 8% theo các tiêu chí giám sát, thay vì con số khoảng 4,6% mà các tổ chức tín dụng báo cáo. “Để giảm nợ xấu trở về 2 - 3% như Thống đốc báo cáo trước Quốc hội thì còn nặng nề, còn khó khăn lắm!”, Thủ tướng nhìn nhận.