Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mổ xẻ 'áo giáp' của 'quái vật' B-52

Mang theo 30 tấn bom, sức hủy diệt của máy bay B-52 có lẽ chỉ kém vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, sự đáng sợ của B-52 không chỉ nằm ở số lượng bom đạn mà nó mang được.

Mổ xẻ 'áo giáp' của 'quái vật' B-52

Mang theo 30 tấn bom, sức hủy diệt của máy bay B-52 có lẽ chỉ kém vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, sự đáng sợ của B-52 không chỉ nằm ở số lượng bom đạn mà nó mang được.

B-52 là máy bay ném bom chiến lược của quân đội Mỹ được đưa vào sử dụng từ năm 1955. B-52 cùng với tàu ngầm nguyên tử và tên lửa hạt nhân tạo thành bộ 3 vũ khí chiến lược của nước Mỹ.

Máy bay B-52 có sải cánh hơn 50 m, chiều cao hơn 10 m, trọng lượng cất cánh tối đa 200 tấn. Để đưa “con quái vật” lên bầu trời, người Mỹ phải trang bị đến 8 động cơ, mỗi giờ bay tiêu tốn 7 tấn nhiên liệu. Mỗi chiếc B-52 mang theo từ 27-30 tấn bom trong thân máy bay.

Đặc điểm chiến đấu của B-52 là ném bom theo tọa độ định sẵn. Mỗi khi đi đánh phá, một tốp B-52 thường gồm 3 chiếc bay theo hình tam giác. Hai chiếc đi sau cách chiếc đi đầu từ 2 đến 2,4 km và bay chếch về hai bên của chiếc đi đầu để tạo ra hai góc còn lại của tam giác.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 - niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

 

B-52 bay ổn định ở độ cao tầm 10 km theo đội hình hành quân, đến vị trí đã định, phi công phụ trách hỏa lực chỉ việc ấn nút và bom tự động rơi ra khỏi khoang chứa.

Với đội hình như vậy, bom do hai chiếc đi sau sẽ rơi cách bom của chiếc đầu chừng 100 m. Một tốp 3 chiếc B-52 sẽ tạo ra một thảm bom dài hàng km gồm 3 dải bom song song nhau. Với sức công phá mạnh của những quả bom, thảm bom B-52 sẽ sát thương một khu vực rộng lớn vài km2.

Áo giáp nhiễu của B-52

Với tính thực dụng, người Mỹ thừa hiểu rằng “cơ thể cồng kềnh” của B-52 là quá "ngon xơi" cho tên lửa phòng không hay máy bay tiêm kích của địch thủ. Bởi thế họ đã trang bị cho mỗi chiếc B-52 15 máy gây nhiễu.

Tác dụng của máy gây nhiễu là để phá hoại sóng radar của đối phương khiến màn hiện sóng radar bị trắng xóa hoặc bị nhiễu không nhìn rõ được mục tiêu. Và như thế dù bộ đội ta có phóng tên lửa lên cũng khó trúng mục tiêu.

Suốt từ năm 1964, Không quân Mỹ đã đối đầu với hệ thống phòng không của miền Bắc. Dựa trên những kinh nghiệm thu được, người Mỹ đã liên tục cải tiến B-52 cùng các trang bị cho nó mà đặc biệt là máy gây nhiễu nhằm vô hiệu hóa hệ thống radar của phòng không miền Bắc Việt Nam. Vì thế, bước vào chiến dịch Linerbacker II, các máy gây nhiễu trên B-52 đã phá hầu hết các rãnh sóng của radar Việt Nam.

Đã vậy, trong mỗi phi vụ đánh phá, Không quân Mỹ còn tổ chức thêm nhiều máy bay khác chỉ chuyên gây nhiễu như EB-66.

Máy bay gây nhiễu điện tử EB-66.

Các máy bay này phát sóng gây nhiễu radar dưới mặt đất để che chở cho các máy bay trong đội hình của chúng. Ở thời kỳ chiến tranh phá hoại lần 1 (1964-1968), Không quân Mỹ mới chỉ sử dụng 5- 6 chiếc EB-66 phát nhiễu để che chở cho các máy bay F-4 đi ném bom (loại tác chiến này ta gọi là gây nhiễu ngoài đội hình).

Sau đó, bản thân các máy bay ném bom cũng được trang bị máy gây nhiễu - đây là loại gây nhiễu trong đội hình. Đến chiến dịch Linerbacker II, người Mỹ sử dụng tổng hợp tất cả các loại nhiễu trong và ngoài đội hình.

Không những dùng máy gây nhiễu làm mù những “mắt thần” radar của ta, Không quân Mỹ còn dày công nghiên cứu rãnh sóng điều khiển tên lửa của SAM-2 và chế tạo ra một loại máy gây nhiễu làm tên lửa phóng lên bị mất điều khiển.

Có lẽ còn chưa yên tâm lắm với các máy gây nhiễu, người Mỹ còn dùng tới thủ đoạn gây nhiễu tiêu cực. Trong 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, trước mỗi đợt tiến công, các máy bay F4 bay trước rải một hành lang các sợi nhôm dọc theo đường bay của B-52. Các sợi nhôm rất mỏng và nhẹ này cứ bay lơ lửng trong không trung và phản xạ lại sóng radar khiến cho màn hiện sóng bị nhiễu cực độ.

Đội hình bảo vệ hùng mạnh

Sử dụng B-52 để đánh một canh bạc quyết định vào Hà Nội, Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ đã đề ra một kịch bản có tính dây chuyền công nghiệp rất phong cách Mỹ.

Đại úy Drenkowski đã viết về kịch bản này trong tạp chí US Airforce năm 1977: “Ngày 17/12/1972, các phi công B-52 được lệnh báo động. Tối hôm sau, chiến dịch Linebacker 2 bắt đầu. Các máy bay F-111 bay trước tiên vào Bắc Việt Nam với tốc độ siêu âm ở độ cao thấp, tiến hành oanh tạc vào các sân bay. Máy bay F-4 bay theo rải nhiễu kim loại thành một hành lang kéo dài từ đông bắc sang tây nam thung lũng sông Hồng nhằm bịt mắt radar. Phía cuối hành lang song song với rặng núi Tam Đảo, bắt đầu xuất hiện các tốp B-52.

F-4 phóng tên lửa chống radar AGM-45 Shrike.

Theo sau chúng là hơn 100 chiếc F-4 để đánh chặn MiG-21 và 4 chiếc F-105 trang bị tên lửa chống radar để chế áp tên lửa SAM-2. Các tốp B-52 dãn cự ly rộng hơn để mỗi tốp 3 chiếc có thể qua mục tiêu chỉ trong từ 2 đến 3 phút. Khoảng các giữa mỗi tốp mở rộng tới 4 phút bay. Như vậy, một lực lượng 18 chiếc B-52 bay qua mục tiêu hết độ nửa giờ, bay cùng một đường bay, một tốc độ, một độ cao như nhau.

Với màn nhiễu dày đặc với đủ loại nhiễu tích cực, nhiễu tiêu cực cùng với đội hình hộ tống hùng hậu như vậy, bất kỳ lý thuyết gia nào cũng có thể khẳng định rằng cuộc hành binh Linerbacker II sẽ như đi vào chỗ không người cũng như là B-52 là bất khả xâm phạm.

Do đó, người Mỹ yên tâm rằng họ đã chế áp điện tử hoàn toàn đối phương và tự tin động viên các phi công lái B-52 rằng "cứ bay nối theo nhau vào ném bom mục tiêu rồi bay ra, sẽ đi và về đủ hết".

Tuy vậy thực tế thường khác với lý thuyết. Cũng giống 18 năm trước đó, các sĩ quan Mỹ đến thăm Điện Biên Phủ bảo rằng đây là pháo đài bất khả xâm phạm. Năm 1972, họ cũng tự tin B-52 là pháo đài bay bất khả xâm phạm và kết cục họ lại nhận thêm một trận Điện Biên Phủ nữa.

Theo Kiến Thức

Theo Kiến Thức

Bạn có thể quan tâm