Việt kiều hiến kế đánh B-52
Trước chiến dịch đánh trả cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ cuối tháng 12/1972, quân chủng Phòng không – Không quân đã nhận được một tài liệu Hiến kế đánh máy bay B-52 của người Việt xa quê.
Theo cuốn sách Điện Biên Phủ trên không – Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam (tác giả Lưu Trọng Lân), vào tháng 9/1972 một người Việt xa quê đang sinh sống tại Vương quốc Anh thông qua con đường ngoại giao đã gửi về nước một tập tài liệu dày 16 trang hiến kế đánh B-52.
Ngày 20/9/1972, quân chủng Phòng không – Không quân nhận được một công văn “thượng khẩn” của Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện kèm theo tài liệu hiến kế.
Thiếu tướng Đinh Đức Thiện dặn dò trong công văn rằng: “Nếu có điều nào chưa rõ thì các anh gửi thư lên chỗ tôi, tôi sẽ chuyển qua Bộ Ngoại giao nhờ hỏi lại. Nếu thấy cần thiết, mời vị ấy về trao đổi cụ thể, vào lúc nào đó thì các anh cũng cho biết để nhờ Bộ Ngoại giao có thể mời về được”.
Xác B-52 rơi trên đường phố Hà Nội. |
Phần chủ yếu của tài liệu mang tựa đề Mìn trên không chống oanh tạc cơ B-52. Theo hình vẽ của tác giả thì đó là phương án treo quả mìn dưới khinh khí cầu với kích thước được hướng dẫn chi tiết. Tài liệu cũng trình bày cách bố trí những quả khinh khí cầu treo mìn trên không ở hướng B-52 bay vào.
Theo tác giả, ưu điểm của lưới khinh khí cầu nằm ở sự bất ngờ của nó và ở tính chất toán học của lưới thì sẽ không có chiếc B-52 nào thoát được. Thêm nữa, khinh khí cầu lại hoàn toàn vô hình đối với radar của Mỹ.
Tuy nhiên, rất tiếc là trong thời gian này tình hình đất nước diễn biến hết sức khẩn trương, bộ đội Phòng không – Không quân vừa chiến đấu ở phía trước vừa sẵn sàng chiến đấu ở phía sau, lại vừa phải ra sức chuẩn bị mọi mặt để đối phó với âm mưu mới phức tạp của Mỹ.
Rất cảm kích và biết ơn tấm lòng của một người con đất Việt tuy ở nơi đất khách quê người vẫn quan tâm tới vận mệnh đất nước, Bộ Tư lệnh quân chủng đã đề nghị Thiếu tướng Đinh Đức Thiện chuyển tài liệu cho cơ quan khác có điều kiện hơn để nghiên cứu.
Thực tế, việc dùng khinh khí cầu để đánh máy bay địch ta đã từng thực hiện vào năm 1967. Khi đó, quân chủng Phòng không – Không quân lên kế hoạch thả khinh khí cầu chặn máy bay địch bay thấp nhưng gặp nhiều khó khăn về vật liệu. Vì thế, giờ đây nếu chặn B-52 ở độ cao 10.000 m thì rõ ràng vượt quá khả năng của chúng ta.
Dẫu sao, qua việc này chúng ta cũng hiểu thêm tấm lòng luôn hướng về tổ quốc của bà con người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài.
Theo Kiến Thức