'Mổ xẻ' 6 đại gia chứng khoán
Phân tích hoạt động của 6 công ty chứng khoán có tiềm lực mạnh nhất hiện nay sẽ thấy sự phân hóa rõ ràng về lợi nhuận, trong đó, hoạt động môi giới chỉ góp phần nhỏ vào kết quả kinh doanh cuối quý II.
Nhân sự là phần quan trọng không thể thiếu khi nhắc đến hoạt động của doanh nghiệp. Xét về mức độ đông đảo, thì Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) có đông nhân viên nhất, với 595 nhân sự, tăng 43 nhân viên so với cuối năm 2011.
HSC mở rộng hệ thống giao dịch, môi giới ngay cả khi thị trường đang khó khăn. Đó là lý do tại sao nhân viên của công ty đông như vậy và điều này một phần phản ánh việc họ đứng đầu thị phần môi giới trên cả hai sàn giao dịch. Với Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), dù lượng nhân viên tính đến hết tháng 6 là 359, nhưng họ đang vận hành khối tài sản 8.000 tỷ đồng, trong khi tài sản của HSC chỉ có 3.034 tỷ đồng, tính đến 30/6/2012.
Đứng ở các vị trí còn lại là Công ty Chứng khoán VNDirect - VND (250 nhân viên), Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVS (219 nhân viên), Công ty Chứng khoán Agribank - AGR (178 nhân viên) và Công ty Chứng khoán Kim Long - KLS (96 nhân viên).
Xét trên hiệu quả tạo ra lợi nhuận của mỗi nhân viên trong 6 tháng, thì trung bình mỗi nhân viên SSI tạo ra 922 triệu đồng lợi nhuận, vượt trội so với mức 520 triệu của mỗi nhân viên KLS, gần 300 triệu đồng của mỗi nhân viên BVS, hơn 275 triệu đồng của mỗi nhân viên HSC, gần 270 triệu đồng của mỗi nhân viên AGR và 240 triệu đồng của mỗi nhân viên VND.
'Sống' nhờ doanh thu khác
Về doanh thu, trong 6 tháng đầu năm, Công ty Chứng khoán Agribank (mã AGR) đạt 483 tỷ đồng, cao nhất trong số các công ty chứng khoán được đưa vào so sánh. Doanh thu của AGR cao chủ yếu do mảng đầu tư chứng khoán, góp vốn và doanh thu khác mang lại. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của AGR cho thấy khoản phải thu ngắn hạn lên tới 2.493 tỷ đồng, gấp đôi so với đầu năm. Đồng thời, nợ ngắn hạn phải trả hơn 4.719 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với đầu năm.
Cũng như các quý trước, doanh thu của đa phần các công ty chứng khoán dựa vào mảng không thuộc ngành nghề kinh doanh chính.Ở mảng môi giới, tổng doanh thu của 6 công ty chứng khoán SSI, HSC, AGR, KLS, VND và BVS cũng chỉ đạt 251 tỷ đồng, quá nhỏ bé so với quy mô của 6 công ty này. Với chiến lược mở rộng mạng lưới và tập trung nhiều vào lĩnh vực dịch vụ chứng khoán, HSC đã vượt qua SSI về thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Nhìn ở con số 89 tỷ đồng doanh thu môi giới của HSC trong 6 tháng cho thấy khoảng cách khá xa so với nhiều công ty khác.
Sự vươn lên của HSC trong thị phần môi giới có vẻ như chắc chắn hơn sự vươn lên của Công ty Chứng khoán Thăng Long một thời, mà nay đổi tên thành Công ty Chứng khoán MB. HSC mở rộng mạng lưới, tung ra nhiều gói sản phẩm đáp ứng thị trường... tạo lợi thế trước mắt để công ty này tăng nguồn thu. Nhưng để có được điều đó, HSC cũng phải đầu tư mở rộng hệ thống phòng giao dịch, duy trì lượng nhân sự đông đảo ngay cả khi thị trường trong giai đoạn khó khăn.
Gặp điều kiện thuận lợi về giá trị giao dịch trong quý 2, lượng nhân viên “vô đối”, nhưng nếu nhìn lại cơ cấu nguồn thu, thì mảng doanh thu khác mới đóng vai trò then chốt của HSC.
Trong phần giải trình về doanh thu khác trong báo cáo tài chính quý 2/2012 của HSC, thu lãi tiền gửi ngân hàng mang về cho công ty này gần 36 tỷ đồng, thu từ hoạt động giao dịch ký quỹ đạt trên 66 tỷ đồng...
Suy cho cùng, nguồn thu chính vẫn là gửi tiết kiệm và cho nhà đầu tư vay giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán... Nếu kiểm soát rủi ro không tốt, khi thị trường xuống dốc, thì bài học ồ ạt chiếm lĩnh thị phần để rồi phải trả giá vẫn còn đó trên thị trường, với cái tên nay đã không còn.
Cũng giống như HSC, 5 công ty chứng khoán còn lại cũng có khoản doanh thu khác chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn thu. Với VND, riêng trong quý 2, họ thu về 37,5 tỷ đồng từ tiền lãi gửi ngân hàng. Còn AGR có lượng tiền lên tới 3.000 tỷ đồng gửi ngân hàng lấy lãi, tính đến 30/6.
Có vẻ như, nhiều công ty chứng khoán đang “học” KLS những quý trước, chọn cách nắm tiền mặt gửi tiết kiệm giữ thế an toàn, bất chấp lãi suất tiền gửi liên tục giảm mạnh thời gian qua.
Ai tiềm lực hơn?
Trong quý 2, thị trường đã dự báo một kết quả kinh doanh yếu kém của khối công ty chứng khoán do sự lao dốc của thị trường trước thời điểm chốt báo cáo tài chính quý 2. Thế nhưng, trong ngày 16 và 17/7, các báo cáo tài chính của nhiều công ty chứng khoán niêm yết trên sàn chứng khoán lại cho thấy kết quả “không tệ như dự báo”, và có vẻ như thị trường chứng khoán đã hứng khởi bởi những bản báo cáo tài chính này trong phiên 17/7.
Dù lỗ quý 2, nhưng KLS vẫn duy trì vị thế có lãi trong 6 tháng đầu năm. Dù KLS không còn là “ngôi sao sáng” về tầm ảnh hưởng như những năm trước, nhưng cổ phiếu KLS luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đã từng chỉ trích KLS trong việc mang tiền gửi ngân hàng lấy lãi, nhưng đến giờ, với việc bảo toàn vốn cho cổ đông trong bối cảnh thị trường khó khăn, thì dường như không ít các công ty chứng khoán đang chọn cách KLS đã từng làm!
Với BVS, họ đã nhanh chóng vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm 2012 (14,5 tỷ đồng) trong 6 tháng đầu năm bằng khoản lãi hơn 65 tỷ đồng. Tuy vậy, khoản lỗ lũy kế gần 250 tỷ đồng vẫn là gánh nặng lớn với công ty này.
Đối với VND, khoản lãi 60 tỷ đồng trong 6 tháng đã giúp công ty này thu hẹp được khoản lỗ lũy kế xuống còn 29 tỷ đồng.
Ở vị thế dẫn đầu, cũng như những năm trước, SSI tiếp tục bỏ xa các đối thủ với khoản lợi nhuận trên 330 tỷ đồng (công ty mẹ) trong 6 tháng, bỏ xa mức 164 tỷ đồng của HSC (SSI là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường).
Khoản lợi nhuận 6 tháng đầu năm này đưa SSI có 797 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, đứng đầu so với các công ty chứng khoán khác.
Một điểm khác biệt ở SSI so với các công ty chứng khoán khác là việc công ty này thực hiện chiến lược đầu tư dài hạn thông qua việc nắm hơn 20% vốn để trở thành công ty liên kết của SSI. Nhìn vào danh sách các công ty liên kết của SSI thì đa số là doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu, có kết quả kinh doanh tốt, trả cổ tức ổn định như NSC, HVG, ABT, SSC…
Để so sánh hiệu quả kinh doanh, chắc chắn phải dùng tới hệ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) hay hiệu quả khai thác tài sản thông qua chỉ số ROA. Tuy nhiên, với việc có báo cáo tài chính chưa hợp nhất, nên việc so sánh sẽ không chính xác.
Nhưng nhìn vào những con số tuyệt đối về lợi nhuận 6 tháng đầu năm, hay lợi nhuận chưa phân phối,... cũng ít nhiều cho ta thấy rõ hơn về tiềm lực của các công ty chứng khoán niêm yết hàng đầu ở Việt Nam hiện nay.
Theo Vneconomy