Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỏ vàng ở 'cánh đồng chó ngáp'

Nông dân Bạc Liêu đang hốt bạc từ "cánh đồng chó ngáp" nhờ mô hình xen canh tôm - lúa.

Buổi trưa, một nhóm nông dân già trẻ tụ tập trên hàng ba nhà ông Hồ Cảnh Sến, 64 tuổi, ở ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A (Hồng Dân, Bạc Liêu). Trẻ nom rắn rỏi, già nom trẻ trung và thảy đều nói, vừa thu mấy trăm triệu đồng.

Giàu điềm đạm

Ông chủ nhà Hồ Cảnh Sến ngồi xa bàn, mỉm cười nhẹ nhàng: “Tôi vừa thu dăm trăm triệu đồng”. Ông Lương Văn Thanh, 60 tuổi, nói nhỏ nhẹ: “Tôi chỉ được ba trăm triệu”. Ông Nguyễn Văn Hải, 59 tuổi: “Tôi ít hơn chút đỉnh”. Trưởng ấp Nguyễn Văn Ra, 27 tuổi, giọng nhỏ nhẹ hơn nữa: “Dạ, tôi chỉ vài trăm triệu”.

Nông dân ấp Chủ Chọt thu nhiều trăm triệu một năm.
Nông dân ấp Chủ Chọt thu nhiều trăm triệu một năm nhờ mô hình quảng canh tôm - lúa. 

Họ giới thiệu tiền bán tôm vừa thu hoạch, nuôi quảng canh trên ruộng lúa. Năm nay được mùa được giá. Còn năm thất, như ông Sến chỉ thu được chừng 300 triệu, gần hai phần năm nay. Trưởng ấp Ra giải thích: “Nuôi tôm trên ruộng lúa mấy năm nay không lỗ, lời nhiều hay ít mà thôi, bởi chỉ tốn tiền mua giống mà không tốn tiền thức ăn, không chạy quạt nước nên không tốn tiền điện”. 

Ruộng được đào mương rộng 3 - 4 mét xung quanh, từ sau tết nguyên đán nước mặn tràn lên là mua tôm giống thả. Giữa năm mưa xuống, có nước ngọt như dịp này, thu hoạch tôm xong, chuẩn bị sạ lúa để đến tết thu hoạch. Nên ruộng tôm - lúa, ngoài thu hoạch tôm như các nông dân vừa giới thiệu, còn thu hoạch một vụ lúa nữa, mỗi héc-ta được chừng 30 triệu đồng. Ông Sến làm 10 ha, thu thêm chừng 300 triệu đồng nữa với 500 triệu tôm là 800 triệu. 

Luân canh tôm - lúa là quy trình canh tác sinh thái, có thể nói gọn như sau: Gốc rạ của cây lúa sinh ra nhiều phù du làm thức ăn cho tôm; còn sau vụ tôm thì phân tôm nuôi cây lúa. Hài hòa nên hạn chế dịch bệnh, canh tác tôm - lúa hầu như không xài thuốc trừ sâu. Các nông dân vui vẻ cho biết, vụ tôm sú còn thả thêm cua và các loại cá ở giữa ruộng; còn vụ lúa lại thả tôm càng xanh và các loại cá ở mương ven bờ, nên thu nhập thực tế cao hơn các con số vừa giới thiệu.

Anh lái hàu, buôn sò huyết đất Mũi thành ông chủ khu du lịch

Tư Nhuần (Nguyễn Văn Nhuần), 57 tuổi, ở ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau khoe: “Bây giờ Tư cũng là nông dân, nhưng là nông dân làm du lịch à nghen...".

Nhưng quan trọng hơn con số đồng tiền là cánh đồng tôm-lúa xanh tươi. Dịp này, vừa thu hoạch tôm, đang rửa mặn để sạ lúa, ruộng mênh mông màu tươi mát và xôn xao cua cá, không bạc phếch rờn rợn như vùng nuôi tôm công nghiệp, hoặc oi ả như độc canh cây lúa.

Cánh đồng chó ngáp bao đời nghèo khổ, khi khai thác được mỏ vàng giàu có thì muôn loài càng sinh sôi quần tụ với con người. Không tiêu diệt, không trừ khử loài nào cả nên sự giàu có ở ấp Chủ Chọt có một vẻ điềm đạm rất đặc biệt. Con người chan hòa, ruộng vườn sung túc, nhà cửa khang trang. 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Thạnh Lợi A, anh Đào Quang Định mới 30 tuổi, một vợ một con, cũng có 6 ha tôm - lúa, cho biết, xã có 5 ấp thì 4 ấp đã giàu đẹp như ấp Chủ Chọt, còn một ấp khá. Đặc biệt, xã đã được công nhận “vườn, nhà xanh, sạch, đẹp” đầu tiên của huyện Hồng Dân.

Lịch sử liền mạch

Ở ấp Chủ Chọt có một di tích lịch sử về cuộc khởi nghĩa của nông dân năm 1927, cùng thời với anh em Mười Chức ở đồng Nọc Nạng năm 1928. Cuộc khởi nghĩa do Hương chủ Trần Kim Túc lãnh đạo, vận động hàng trăm nông dân cầm dao mác đứng lên chống địa chủ người Pháp và chính quyền lúc đó, từ ngày 5/5 đến 9/5/1927, sau đó bị dìm trong máu. Nay ngôi mộ đất chôn 20 nông dân vẫn được giữ gìn và những nông dân làm tôm - lúa giàu có nhắc đến với giọng tự hào.

Nhưng nhắc đến chừng mực công trình di tích cũng không “hoành tráng”. Chỉ cái tinh thần quật khởi nông dân thì vẫn được kế tục trọn vẹn trong huyết quản nóng bỏng của mỗi người, để hồi trước không chịu làm nô lệ ngoại bang, ngày nay không chịu phận đói nghèo.

Chao ôi! Cánh đồng chó ngáp mới vài chục năm trước còn nghèo lắm, người dân không đủ ăn đủ mặc, nhà lá rách nát. Vì vùng đất sáu tháng mặn sáu tháng ngọt (lợ) trồng cây gì cũng khó, nuôi con gì cũng không nên. Nông dân mày mò, đưa được con tôm sú về nuôi thì thoát đói. Cánh đồng năn và lau sậy mịt mù trở thành ruộng tôm. Nhưng chỉ được mấy năm, độc canh con tôm, ô nhiễm tràn tới, người dân lại đói nghèo. Rồi một vài nông dân để sót năn, lác trong ruộng nuôi tôm, ô nhiễm giảm hẳn, nuôi tôm phục hồi.

'Vua tôm' Võ Hồng Ngoãn: Nuôi tôm an toàn sinh học từ bã mía

Thời gian gần đây, “vua tôm” Võ Hồng Ngoãn đã liên tục trúng mùa nhờ phương pháp nuôi tôm an toàn sinh học từ việc tận dụng bã mía.

Nông dân Huỳnh Văn Trí ở ấp Chủ Chọt, chèo xuồng đi bán hàng đan lát, những đêm dài phận thương hồ lênh đênh xứ người thấm gan óc cái lẽ, nông dân phải gắn với đất đai mới khá lên được. Cho nên, khi nhiều người khác lo trồng năn và lác vào ruộng tôm thì ông bật ra ý nghĩ tại sao không trồng lúa, chi phí cũng vậy mà có thêm cái ăn? 

Ông và người em Huỳnh Văn Tuấn thử đưa giống lúa Một bụi đỏ (chịu mặn đến 4 phần nghìn) vào ruộng tôm, thành công ngoài sức tưởng tượng. Một bụi đỏ sau đó được cấp chỉ dẫn địa lý, diện tích cả huyện lên đến 14.000 ha. Nhưng cũng chỉ được mấy năm, vì giống lúa cổ truyền, cơm không ngon lại trồng nước mặn nhanh bị thoái hóa, nhiều sâu bệnh. Diện tích tuột xuống khiến Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân lúc đó, ông Võ Văn Út, lo lắng “không khéo mất giống lúa”.

Tết năm 2009, ông Út cùng cán bộ huyện đi chúc tết các nhà khoa học, đến Trường Đại học Cần Thơ, ông bày tỏ nỗi lo về giống lúa, mong các nhà khoa học giúp đỡ. Tiến sỹ Võ Công Thành hứa sẽ phục tráng. Thành công. Nay giống lúa Một bụi đỏ Hồng Dân lại gieo sạ 17.000 ha tôm - lúa trong huyện.

Ông Huỳnh Văn Trí đã ngoài 60 tuổi, kể rằng, hồi lấy vợ được cha mẹ chia cho tài sản có giá trị lớn nhất là cái lu để đựng nước lóng phèn, nay nhờ canh tác sinh thái mà ông có 40 ha tôm-lúa, mỗi năm thu nhiều tỷ đồng.

Câu chuyện của ông Trí, của ấp Chủ Chọt và cả xã, cả huyện cho thấy lịch sử ở đây là một dòng chảy liên tục, không dừng lại ở bất cứ thời điểm nào, dù là cuộc khởi nghĩa oai hùng năm 1927, hay những lần thắng lợi trong đánh thức tiềm năng cánh đồng chó ngáp.

Một dòng chảy liên tục không ngừng sáng tạo, phát huy được các giá trị tinh thần của quá khứ cho cuộc sống hiện tại, khai thác được mỏ vàng khuất lấp dưới đất chua phèn.

Nuôi tôm càng xanh toàn đực ở miền Tây, thu trăm triệu

3 nông dân ở xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú, An Giang) đã thành công với hình thức nuôi tôm càng xanh toàn đực, có hiệu quả kinh tế cao, chất lượng tốt.

Hướng đến tương lai

Luân canh tôm - lúa cho kết quả rất tốt trên cánh đồng chó ngáp nhưng tại sao ấp Chủ Chọt có 506 ha đất tự nhiên, trong đó 450 ha nuôi tôm mà lại chỉ có 330 ha tôm-lúa?

Anh Lương Trung Tính, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, giải thích, còn 120 ha không làm lúa được, do độ mặn quá cao. Tôm-lúa chỉ có hiệu quả khi nước có độ mặn 4 - 5 phần nghìn, nhạt hơn thì khó nuôi tôm còn mặn hơn không thể trồng lúa. Cả huyện Hồng Dân còn khoảng 5.000 ha quá mặn, chỉ nuôi tôm mà chưa thể trồng lúa.

Ông Võ Văn Út nay là Bí thư Huyện ủy Hồng Dân lại lo tìm lúa có khả năng chịu mặn 9 - 10 phần nghìn. “Đã có rồi nhưng phải phục tráng để nâng cao năng suất, chất lượng, vướng mắc bây giờ là thủ tục giải ngân cho nghiên cứu khoa học quá chậm”, ông Út nói.

PV đưa băn khoăn ở Hồng Dân đến vị đại biểu Quốc hội, GĐ Sở KH&CN tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Minh Hoàng. Ông Hoàng trầm ngâm: “Thủ tục tài chính có nhiêu khê nhưng chúng tôi đang quan tâm giúp đỡ Hồng Dân, bởi phát triển tôm-lúa là chủ trương lớn của tỉnh”.

Hóa ra, giàu có cũng chưa hết việc làm! Tiềm năng thiên nhiên là vô tận cho tư duy sáng tạo của con người. cánh đồng chó ngáp đã trở thành mỏ vàng thì mọi vùng đất khắc nghiệt đều có thể trở nên giàu có khi con người không ngừng sáng tạo. Cuộc sống chỉ nghèo khi con người tự thỏa mãn đứng ca mãi một bài, quên sáng tạo cho hiện tại và tương lai.

Trở lại ấp Chủ Chọt thấy rạo rực niềm vui khi ông Hồ Cảnh Sến để lộ, năm ngoái hiến hơn 2.000 m2 đất để xây dựng trường tiểu học, nay con trẻ trong ấp không còn phải đi học xa. Trường tiểu học mang tên Trần Kim Túc, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của nông dân ở vùng đất này năm 1927.

Vì sao cấm dân miền Tây nuôi tôm thẻ chân trắng?

Việc nuôi loại tôm này trong nước ngọt có tác động lớn đến môi trường và đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sự sụt lún đất trong khu vực, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/mo-vang-o-canh-dong-cho-ngap-747361.tpo

Theo Sáu Nghệ/ Tiền phong

Bạn có thể quan tâm