Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao cấm dân miền Tây nuôi tôm thẻ chân trắng?

Việc nuôi loại tôm này trong nước ngọt có tác động lớn đến môi trường và đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sự sụt lún đất trong khu vực, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm.

Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long, cảnh báo việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt. Trên thực tế, việc nuôi loại tôm này có tác động rất lớn đến môi trường và đa dạng sinh học. Đặc biệt, ảnh hưởng đến sự sụt lún đất trong khu vực, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm và lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và cây trồng khác. Ngoài ra, năng suất nuôi loại tôm này ở vùng nước ngọt kém hơn vùng nước lợ và việc nuôi như vậy có nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao…

Bất chấp lời khuyến cáo của các cơ quan chức năng về việc hạn chế nuôi tôm thẻ chân trắng, nông dân tỉnh Đồng Tháp và An Giang đã đầu tư, chuyển diện tích trồng lúa, nuôi cá tra, tôm càng xanh... sang nuôi tôm thẻ vì lợi nhuận cao. Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, đến thời điểm hiện tại có gần 60ha mặt nước ao nuôi tôm càng xanh, cá tra… được nông dân chuyển sang nuôi tôm thẻ.

Bất chấp lời khuyến cáo của các cơ quan chức năng về việc hạn chế nuôi tôm thẻ chân trắng, nông dân tỉnh Đồng Tháp và An Giang đã đầu tư, chuyển diện tích trồng lúa, nuôi cá tra, tôm càng xanh... sang nuôi tôm thẻ vì lợi nhuận cao.
Bất chấp lời khuyến cáo của các cơ quan chức năng về việc hạn chế nuôi tôm thẻ chân trắng, nông dân tỉnh Đồng Tháp và An Giang đã đầu tư, chuyển diện tích trồng lúa, nuôi cá tra, tôm càng xanh... sang nuôi tôm thẻ vì lợi nhuận cao.

Ở tỉnh An Giang, mới đây một số hộ dân ở huyện Châu Phú, Châu Thành, Phú Tân cũng đã đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích trên 2ha. Đây là một loại thủy sản nước lợ nhiều năm qua đã được ngành NN&PTNT các tỉnh khuyến cáo nuôi hạn chế tại các thủy vực ven biển khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, một số nông dân đã có “sáng kiến” khoan giếng tìm mạch nước lợ bơm xuống ao, rồi pha muối loãng để nuôi tôm thẻ cho bằng được.

Ông Huỳnh Văn Th. (ngụ huyện Châu Thành) và Nguyễn Hữu Tr (ngụ huyện Châu Phú) cùng tỉnh An Giang, là 2 trong 11 nông dân có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng nhiều nhất (với 5.000m2/hộ). Lý giải về việc nuôi tôm thẻ, ông Tr. cho biết, trước đây, nuôi tôm càng xanh toàn đực nhưng không hiệu quả nên khó tiêu thụ.  Ông nói: "Tôi thấy ở Đồng Tháp, Tiền Giang… họ nuôi tôm thẻ kiếm bạc tỷ nên tôi chuyển sang nuôi loại tôm này thử nghiệm. Qua mấy vụ nuôi cho hiệu quả rất tốt(!?)”.

Người dân huyện Long Phú (Sóc Trăng) phá bỏ cây mía, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng, về lâu dài sẽ gây những hậu quả khôn lường.
Người dân huyện Long Phú (Sóc Trăng) phá bỏ cây mía, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng, về lâu dài sẽ gây những hậu quả khôn lường.

Vừa qua, một nông dân ở thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) bán tôm thẻ với giá 149.000 đồng/kg, thu hoạch được chỉ sau khoảng 80 ngày nuôi. Với mức giá này, thu nhập từ nuôi tôm thẻ cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, tôm càng xanh, cá tra… Nhờ lợi nhuận hấp dẫn như vậy, nuôi tôm thẻ đang phát triển thành phong trào giữa vùng nước ngọt quanh năm như Đồng Tháp, An Giang… bất chấp cảnh báo của các cơ quan chuyên môn.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tam Nông (Đồng Tháp), toàn huyện hiện có khoảng 25ha ao nuôi các loại đã được nông dân đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng, trong số này phần lớn là các ao nuôi tôm càng xanh từ những năm trước. Đây là hình thức chuyển đổi tự phát và Tổng cục Thủy sản đã có văn bản khuyến cáo nông dân không nên nuôi bởi đây là vùng quy hoạch nuôi thủy sản nước ngọt, tôm thẻ là đối tượng nuôi hiện vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh và chưa nằm trong danh sách các đối tượng được phép sản xuất kinh doanh. Với sức hấp dẫn từ lợi nhuận so sánh trên cùng đơn vị diện tích giữa các đối tượng nuôi trồng, dự báo diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở Đồng Tháp sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, bởi theo ghi nhận thực tế, một số vùng đất đang sản xuất lúa hiện được đầu tư vốn chuyển thành ao nuôi tôm thẻ. 

Huyện Long Phú (Sóc Trăng) vốn là địa phương chuyên trồng mía và lúa. Con tôm không nằm trong quy hoạch phát triển của huyện này. Tuy nhiên, trước sức “hấp dẫn” của con tôm thẻ, không chỉ các huyện khác trong tỉnh Sóc Trăng, mà các hộ dân trên địa bàn Long Phú cũng đào ao nuôi tôm. Chỉ có điều, người dân ở các huyện ven biển đào ao, lấy nước từ sông vào cải tạo, tăng độ mặn để nuôi tôm thì nông dân Long Phú lại lấy nước nuôi tôm thật “khác biệt”. Đó là khoan giếng để lấy nước mặn phục vụ nuôi tôm thẻ. Thậm chí, nhiều người còn lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng để khoan giếng vào ban đêm.

Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng vừa ký công văn chỉ đạo không cho thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh này. Theo đó, Sở NN&PTNT An Giang phối hợp các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiểm tra và tăng cường vận động, tuyên truyền, kiên quyết không cho thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn. Đồng thời, hướng khắc phục ảnh hưởng môi trường gây ra (nếu có). Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu Sở NN&PTNT làm việc với lãnh đạo huyện Châu Phú, Phú Tân… chấn chỉnh và chấm dứt ngay việc thả nuôi tôm thẻ chân trắng tại các địa phương này. UBND tỉnh An Giang yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý, không để xảy ra tình trạng nuôi tôm thẻ trên địa bàn. Các trường hợp phát sinh nuôi mới, Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh

http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2014/6/235374.cand

Theo Văn Đức/ Công an Nhân dân

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm