Mỏ vàng, bạc khiến quan hệ Nhật - Hàn nổi sóng - Thế giới - ZNEWS.VN
Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỏ vàng, bạc khiến quan hệ Nhật - Hàn nổi sóng

Tranh cãi về việc người Triều Tiên bị cưỡng ép lao động trong Thế chiến II khiến Seoul phản đối đệ trình của Tokyo nhằm công nhận tư cách di sản thế giới cho khu mỏ Sado.

Một số mỏ vàng và bạc ở Sado - hòn đảo nằm ở bờ biển phía tây Nhật Bản - có thể đã được khai thác từ thế kỷ XII cho đến sau Thế chiến II.

Nhật Bản cho rằng nghề khai thác mỏ thủ công ở Sado - vốn tồn tại kể cả khi phương Tây đã chuyển sang giai đoạn cơ khí hóa - xứng đáng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới.

Dù vậy, người Hàn Quốc quan tâm tới điều không được Tokyo đề cập trong hồ sơ di sản: Việc sử dụng lao động cưỡng ép từ bán đảo Triều Tiên trong Thế chiến II, theo AFP.

Khu mỏ đặc biệt

Nhật Bản mong muốn ba khu mỏ tại Sado - mỏ vàng Nishimikawa, mỏ bạc Tsurushi và mỏ Aikawa có cả vàng lẫn bạc - được công nhận là di sản trong giai đoạn 1603-1867. Theo giới chức Nhật Bản, trong giai đoạn này, Sado là khu mỏ khai thác thủ công có năng suất cao nhất thế giới.

Dù vậy, Tokyo không đề cập đến giai đoạn mà công nhân Hàn Quốc phải sinh sống trong điều kiện mà một số người ủng hộ đệ trình phải thừa nhận là “đặc biệt khắc nghiệt”.

Nỗ lực của Nhật Bản đã kéo dài nhiều năm. Đây không phải lần đầu tiên nước này nộp hồ sơ đề nghị công nhận một mỏ kim loại quý là di sản thế giới. Năm 2007, mỏ bạc Iwami Ginzan tại tỉnh Shimane đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản.

Khu mỏ Sado nằm trên một ngọn núi tại đảo Sado, tỉnh Niigata, Nhật Bản. Ảnh: AFP.
mo vang bac sado anh 1
mo vang bac sado anh 1

Khu mỏ Sado nằm trên một ngọn núi tại đảo Sado, tỉnh Niigata, Nhật Bản. Ảnh: AFP.

Ông Ryo Usami, thành viên cơ quan quảng bá di sản thế giới của thành phố Sado, cho biết người dân địa phương hy vọng vị thế di sản sẽ là sự công nhận cho đóng góp của khu mỏ vào lịch sử và văn hóa của hòn đảo.

“Nhiều người di cư tới Sado để khai thác vàng và bạc. Họ đến từ khắp Nhật Bản và mang theo văn hóa địa phương”, ông nói với AFP. “Lịch sử của Sado chính là lịch sử của các mỏ vàng, và văn hóa Sado được hình thành một phần nhờ vào hoạt động khai thác mỏ. Đây là điều thành phố Sado muốn bảo tồn”.

Khu mỏ tại Sado dừng sản xuất vào thập niên 60 của thế kỷ trước, khi Mitsubishi Materials - nhà vận hành mỏ - bắt đầu cho phép du khách tham quan. Vào thập niên sau đó, các robot tự động được lắp đặt để du khách cảm nhận được cuộc sống ở khu mỏ trong quá khứ.

Các bảng hướng dẫn tại hiện trường cho biết công nhân mỏ thời kỳ Edo thường là những người vô gia cư hoặc không được đăng ký cư trú, bị bắt giữ và phải làm việc trong mỏ. Nhiều nhân công vẫn còn là trẻ con.

Dù vậy, người Nhật Bản không nhắc tới việc khoảng 1.500 công nhân Triều Tiên tới làm việc tại khu mỏ trong Thế chiến II. Vị thế của họ vẫn đang là vấn đề tranh cãi. Một số người nhận định khoảng hai phần ba là công nhân ký hợp đồng, còn một phần ba là lao động cưỡng ép trong chiến tranh.

“Điều kiện lao động đặc biệt khắc nghiệt, dù mức lương rất cao. Đây là lý do mà nhiều người, bao gồm cả người Nhật Bản, đăng ký”, nguyên Tổng giám đốc UNESCO Koichiro Matsuura, người ủng hộ hồ sơ của Nhật Bản, nói.

Trong khi đó, một số nhà sử học cho biết điều kiện tuyển dụng đã dẫn tới tình trạng lao động cưỡng bức. Nhân công người Triều Tiên cũng phải đối mặt với hoàn cảnh khắc nghiệt hơn các đồng nghiệp người Nhật.

“Việc phân biệt đối xử có xảy ra”, giáo sư lịch sử Toyomi Asano tại Đại học Waseda nói. “Điều kiện làm việc rất tệ và nguy hiểm. Các công việc nguy hiểm nhất được đẩy cho họ”.

Di sản của lịch sử

Các vấn đề lịch sử như lao động cưỡng bức đã khiến quan hệ Nhật - Hàn xấu đi trong nhiều năm qua. Seoul thậm chí thiết lập cả một nhóm công tác nhằm ngăn Tokyo đạt được mục tiêu đưa khu mỏ Sado vào danh sách di sản thế giới.

mo vang bac sado anh 2

Mô hình được phục dựng lại về cuộc sống của công nhân trong khu mỏ. Ảnh: AFP.

Ngay sau khi Nhật Bản đệ trình hồ sơ, Hàn Quốc đã triệu tập đại sứ Nhật Bản để trao tuyên bố phản đối, trong đó “lấy làm tiếc” về hành động của Nhật Bản và “kiên quyết thúc giục Nhật Bản dừng nỗ lực của mình”.

Vấn đề lao động cưỡng bức cũng tác động tới cả các di sản khác của Nhật Bản, như quần thể các địa điểm của Cải cách Công nghiệp Minh Trị tại Nhật Bản. UNESCO năm 2021 yêu cầu một trung tâm thông tin tại di sản giải thích rõ rằng “nhiều người Triều Tiên và các dân tộc khác đã phải làm việc ngoài ý muốn trong điều kiện khắc nghiệt”.

Theo ông Matsuura, Nhật Bản phải tránh lặp lại các sai lầm như những gì đã diễn ra tại Sado.

“Chúng ta phải nói một cách cụ thể và trung thực hơn về cách lao động người Triều Tiên đã sống và làm việc tại các mỏ vàng Sado”, ông nói.

Đây cũng là quan điểm của một số du khách, như ông Hideji Yamagami. 79 tuổi.

“Đương nhiên họ nên giải thích, tôi không biết gì về điều này”, ông nói sau chuyến thăm tới mỏ Aikawa. “Tôi nghĩ người Nhật đã làm tất cả công việc nặng nhọc”.

Giáo sư Asano hy vọng UNESCO sẽ yêu cầu Nhật Bản trưng bày toàn bộ lịch sử của khu mỏ Sado nếu di tích này được công nhận là di sản thế giới. Ông tin tưởng Nhật Bản “không nên sợ hãi” khi thừa nhận đây là một phần lịch sử của quốc gia này.

“Lịch sử của các quốc gia đều có mặt tối. Không đất nước nào hoàn toàn thoát khỏi thực tế này”, ông nói.

Bài liên quan

Việt Hà

Theo AFP

Bạn có thể quan tâm